Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Tháo gỡ vướng mắc cho mô hình trường tiên tiến ở Nghệ An

Thanh Hải - 05:07, 23/07/2024

Đề án “Thí điểm xây dựng trường mầm non, phổ thông tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021 - 2030” được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt từ năm 2022. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đang bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập cần sớm được tháo gỡ.

Học sinh học theo mô hình trường tiên tiến tại Trường Mầm non Quán Hành, Nghi Lộc
Học sinh học theo mô hình trường tiên tiến tại Trường Mầm non Quán Hành, Nghi Lộc

Thực hiện mô hình trường học tiên tiến, từ năm học 2022 - 2023 đến nay, Nghệ An đã triển khai thí điểm tại 14 trường mầm non, tiểu học, THCS và THPT tại các huyện Nghi Lộc, Đô Lương, thị xã Hoàng Mai và TP. Vinh với 132 lớp, hơn 4.200 học sinh tham gia.

Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nghệ An, các trường phổ thông đã thực hiện đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học phù hợp nội dung mô hình trường tiên tiến và điều kiện của từng nhà trường. Các trường đã tăng cường hoạt động trải nghiệm bộ môn, hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp để giúp các em được vận dụng kiến thức, kỹ năng giải quyết các tình huống thực tiễn. Ở bậc mầm non, bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục mầm non do Bộ GD&ĐT ban hành và chương trình giáo dục tăng cường nhằm phát triển toàn diện về phẩm chất, năng lực và kỹ năng của trẻ.

Tuy nhiên, sau 2 năm triển khai, Chương trình cũng đang bộc lộ một số bất cập: các trường đều gặp khó khăn về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên; lúng túng trong vận hành cách dạy và học, thu và chi, kiểm soát chất lượng, chưa có phương án để liên thông về chất lượng giữa 4 cấp học, nhiều trường còn gặp khó khăn trong thu hút đầu vào. Việc thi và lấy chứng chỉ ở một số môn sau mỗi khóa học còn khó khăn, nhất là Tin học và tiếng Anh.

Khẳng định mô hình trường học tiên tiến lần đầu thí điểm tại Nghệ An với mục tiêu giúp học sinh được phát triển toàn diện, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An Thái Văn Thành cho biết: Vì đang được triển khai thí điểm nên có những khó khăn từ nhận thức (cả nhà trường và phụ huynh), khó khăn trong xây dựng chương trình, nhiều nhà trường đang cùng vận hành nhiều chương trình dạy học (chương trình giáo dục hiện hành, chương trình giáo dục phổ thông 2018 và chương trình tiên tiến) nên gặp khó khăn trong quản lý, điều hành. Mô hình mới nên việc tổ chức dạy học còn nhiều vướng mắc, thiếu đội ngũ giáo viên để đáp ứng được chương trình mới. Do chưa có chế độ chính sách về hỗ trợ cho các trường tiên tiến nên đang thiếu sự đầu tư đồng bộ.

Để gỡ vướng mắc này, lãnh đạo Sở GD&ĐT Nghệ An cho rằng, HĐND tỉnh cần có cơ chế thu - chi của trường tiên tiến để đảm bảo thu đủ hoạt động và đảm bảo chi đúng. Về phía Sở GD&ĐT cũng sẽ đánh giá lại toàn bộ việc triển khai thí điểm mô hình trường tiên tiến một cách toàn diện và từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập. Ngành cũng sẽ tiếp tục quan tâm đến việc tuyển sinh về số lượng, chất lượng đầu vào, cam kết đầu ra theo đúng mục tiêu mà mô hình trường tiên tiến đã đặt ra.

Tin cùng chuyên mục
Phổ cập xóa mù chữ: Cách làm hay ở Lạng Sơn

Phổ cập xóa mù chữ: Cách làm hay ở Lạng Sơn

Không chỉ được tăng cường khả năng sử dụng tiếng Việt, kỹ năng tính toán, mà các học viên còn được tham dự Ngày hội giao lưu Toán, Tiếng Việt để vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn… Đây là cách làm sáng tạo trong công tác xóa mù chữ đã và đang lan tỏa, góp phần nâng cao chất lượng công tác xóa mù chữ cho đồng bào DTTS vùng sâu, vùng xa, biên giới Lạng Sơn.