Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tại các tỉnh Tây Nguyên

Ngọc Thu - 18:22, 10/02/2023

Sáng 10/2, tại đầu cầu tỉnh Gia Lai, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với các tỉnh vùng Tây Nguyên về kết quả thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Tập trung vào những khó khăn, vướng mắc và giải pháp tháo gỡ, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chỉ đạo các giải pháp cần thực hiện để triển khai hiệu quả các Chương trình MTQG
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chỉ đạo các giải pháp cần thực hiện để triển khai hiệu quả các Chương trình MTQG

Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các ban, bộ, ngành và lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên: Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng. Về phía Ủy ban Dân tộc có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh tham dự.

Theo báo cáo tại Hội nghị, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021 - 2025 về: Phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào DTTS và miền núi; xây dựng nông thôn mới (NTM); giảm nghèo bền vững đang được Đảng, Chính phủ đặc biệt quan tâm. Từ đầu năm 2022 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, Công điện, Thông báo kết luận và tổ chức các hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương để đôn đốc tiến độ thực hiện 3 Chương trình MTQG. 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu tại Hội nghị
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu tại Hội nghị

Tây Nguyên là địa bàn đặc thù, có ý nghĩa quan trọng về địa chính trị, quốc phòng, an ninh với diện tích rộng lớn, chiếm khoảng 1/6 diện tích cả nước nhưng chỉ có khoảng 6,3 triệu người sinh sống (chiếm tỷ lệ 6% dân số cả nước), trong đó đồng bào người DTTS chiếm 36,5%. Đời sống Nhân dân tại một số khu vực vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn; số xã đạt chuẩn NTM bình quân của vùng năm 2022 đạt khoảng 52%, thấp hơn bình quân chung của cả nước (khoảng 72%); thu ngân sách còn hạn chế, cần hỗ trợ nhiều từ ngân sách Trung ương…

Việc triển khai thực hiện tốt, hiệu quả 3 Chương trình MTQG là nhiệm vụ quan trọng, nặng nề và có ý nghĩa to lớn đối với Nhân dân các tỉnh Tây Nguyên.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, Trung ương giao tổng vốn đầu tư phát triển cho 5 tỉnh Tây Nguyên là 11.731,505 tỷ đồng, chiếm 11,73% tổng nguồn vốn đầu tư phát triển cho các địa phương trên cả nước. Năm 2022, ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện 3 Chương trình MTQG cho Vùng Tây Nguyên là 3.878,700 tỷ đồng (bao gồm cả vốn năm 2021 được chuyển sang năm 2022. Tính đến ngày 31/12/2022, các tỉnh Vùng Tây Nguyên giải ngân được 1.348,732 tỷ đồng, đạt 34,77% kế hoạch cấp có thẩm quyền giao, thấp hơn 2,96% so với bình quân chung của cả nước (37,73%).

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho biết: Hiện nay, cơ chế chính sách và các hướng dẫn còn chưa đầy đủ, nên việc triển khai thực hiện các Chương trình MTQG tại các địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Mục tiêu của chuyến công tác này thu thập những thông tin vướng mắc, lắng nghe ý kiến của các địa phương để họp bàn phương án tháo gỡ.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đã nêu những vướng mắc trong việc thực hiện Quyết định của Thủ tướng chính phủ về hỗ trợ 6 nội dung nhà ở, đất ở, đất sản xuất, đầu tư công trình thủy lợi, điện tháp sáng, nước sinh hoạt. Một số nội dung của chính sách sách dân tộc giai đoạn 2021 - 2030 còn thiếu đồng bộ, chưa có định mức hỗ trợ cụ thể đối với các đối tượng thụ hưởng. Cùng với đó, văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi của một số bộ, ngành chưa rõ, hướng dẫn chưa cụ thể, chi tiết gây khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện ở địa phương…

Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc kiến nghị Chính phủ ban hành cơ chế giao nguồn vốn sự nghiệp của Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi cho cả giai đoạn 2023 - 2025; nghiên cứu tham mưu ban hành cơ chế cho phép địa phương điều chỉnh mức vốn đầu tư theo nhu cầu thực tế và được phép điều chuyển nguồn vốn sự nghiệp của Chương trình giữa các dự án cho phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Nguyễn Hữu Tháp kiến nghị cần tổng hợp, hợp nhất các văn bản quản lý… để địa phương dễ dàng nghiên cứu, áp dụng triển khai hiệu quả các Chương trình MTQG
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Nguyễn Hữu Tháp kiến nghị cần tổng hợp, hợp nhất các văn bản quản lý… để địa phương dễ dàng nghiên cứu, áp dụng triển khai hiệu quả các Chương trình MTQG

Về phía các tỉnh Tây Nguyên, lãnh đạo các tỉnh cũng đã nêu một số vướng mắc cụ thể. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch cho rằng: Hiện nay, Chính phủ chưa ban hành định mức về hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất và công trình nước sinh hoạt tập trung, nên các địa phương gặp khó khăn trong triển khai thực hiện. Cùng với đó, theo quy định thì không cho phép sử dụng kinh phí hỗ trợ mua đất sản xuất, nên các địa phương không còn quỹ đất sản xuất để hỗ trợ hộ nghèo gặp rất nhiều khó khăn.

Mặt khác, các văn bản hướng dẫn chưa được đồng nhất, dẫn đến các địa phương còn lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện. Tỉnh Gia Lai kiến nghị Chính phủ sớm ban hành quyết định quy định về định mức hỗ trợ về đất ở, nhà ở, đất sản xuất và công trình nước sinh hoạt tập trung để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện…

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Nguyễn Hữu Tháp đề cập những vướng mắc liên quan đến thể chế, chính sách: Công tác phân bổ, giao kế hoạch vốn ngân sách Trung ương thực hiện 3 Chương trình MTQG chậm so với thời điểm giao kế hoạch, dự toán hàng năm của địa phương, gây nhiều khó khăn cho việc cân đối xác định nguồn lực đối ứng từ ngân sách địa phương, huy động nguồn lực hợp pháp để thực hiện các Chương trình; gây khó khăn trong công tác tổng hợp nhu cầu từ cấp trực thuộc để xác định danh mục dự án đầu tư trình HĐND tỉnh.

Quang cảnh Hội nghị tại đầu cầu chính - tỉnh Gia lai
Quang cảnh Hội nghị tại đầu cầu chính - tỉnh Gia lai

Về thực hiện cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các Chương trình MTQG thì kế hoạch, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị đều có thời gian thực hiện từ 2 - 3 năm, trong khi việc giao dự toán ngân sách nhà nước (kinh phí sự nghiệp) theo hàng năm.

“Hiện có quá nhiều văn bản quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện các Chương trình do các cơ quan Trung ương ban hành, hướng dẫn, đề nghị các bộ, ngành chủ quản Chương trình MTQG nghiên cứu, tổng hợp, hợp nhất các văn bản quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện để địa phương dễ dàng nghiên cứu, áp dụng đồng bộ”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum kiến nghị.

Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Đăk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng cũng nêu nhiều vấn đề về triển khai thực hiện, cũng như những khó khăn tồn tại cần sớm được tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình MTQG.

Sau khi lắng nghe báo cáo của các địa phương, các bộ, ngành Trung ương đã phân tích những nguyên nhân tồn tại, đồng thời cũng định hướng các địa phương tháo gỡ một số vướng mắc trong quá trình thực hiện. Trên cơ sở cập nhật kiến nghị của các địa phương để cùng phối hợp tháo gỡ và có hướng dẫn sớm nhất đối với những vấn đề tồn tại, để giúp các địa phương triển khai hiệu quả trong thời gian tới.

Đoàn công tác do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang dẫn đầu chuyến khảo sát thực tế tại làng Đê Kjêng (xã Ayun, huyện Mang Yang)
Đoàn công tác do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang dẫn đầu chuyến khảo sát thực tế tại làng Đê Kjêng (xã Ayun, huyện Mang Yang)

Kết thúc Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đánh giá cao các phần việc mà 5 tỉnh Tây Nguyên đã làm được. Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, cả khu vực Tây Nguyên và miền Trung việc triển khai Chương trình MTQG còn chậm, khó khăn lớn là hệ thống văn bản chưa đồng bộ, cần có sự điều chỉnh.

Việc sử dụng các nguồn vốn chưa hợp lý cho từng loại công trình, chương trình và từng địa phương (nguồn vốn tập trung và nguồn vốn sự nghiệp). Bên cạnh đó, do áp lực giải ngân trong quá trình thực hiện nên có nguy cơ chất lượng công trình còn chưa cao, hồ sơ không đầy đủ…

Phó Thủ tướng Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tặng quà, động viên dân làng Đê Kjêng (xã Ayun, huyện Mang Yang) phát huy tinh thần đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tặng quà, động viên dân làng Đê Kjêng (xã Ayun, huyện Mang Yang) phát huy tinh thần đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế

Để triển khai hiệu quả các Chương trình MTQG, Phó Thủ tướng Chính Phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh: Hiện tại chúng ta đã bước qua năm thứ 2 của nhiệm kỳ 5 năm triển khai 3 Chương trình MTQG mà các quy định còn chưa xong, nên trong 3 năm còn lại sẽ có một khối lượng công việc khổng lồ, kể cả việc phải điều chuyển, sửa đổi những quy định mà chúng ta đã áp dụng. Đồng thời, trong năm 2023 Quốc hội sẽ giám sát 3 chương trình này ở cấp độ cao nhất. Do vậy, đề nghị các địa phương, cấp bộ, ngành cần nỗ lực, cố gắng hơn trong công tác phối hợp triển khai. 

Trong khuôn khổ chuyến công tác tại tỉnh Gia Lai, chiều 9/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cùng Đoàn công tác đã đi khảo sát tình hình thực hiện các Chương trình MTQG tại làng Đê Kjiêng, xã Ayun, huyện Mang Yang và xã A Dơk, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai. Tại nơi đến, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng Đoàn đã lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân, cũng như việc triển khai của chính quyền địa phương để bàn cách tháo gỡ trong thời gian đến. Đồng thời, tặng quà động viên bà con phát huy tinh thần đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.