Tổng kế hoạch vốn thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Tủa Chùa năm 2022 gần 83 tỷ đồng (gồm ngân sách Trung ương hơn 66,1 tỷ đồng; vốn sự nghiệp hơn 12,3 tỷ đồng và vốn đối ứng 4,5 tỷ đồng) thực hiện 7 dự án và các tiểu dự án (do nguồn vốn phân bổ muộn nên được kéo dài sang năm 2023). Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, huyện Tủa Chùa thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia cấp huyện, ban hành quy chế làm việc và phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên. Xây dựng, ban hành các nghị quyết chuyên đề, chương trình, kế hoạch, đề án thực hiện các chương trình.
Xác định việc hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội có vai trò quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, huyện Tủa Chùa triển khai các giải pháp thực hiện đầu tư xây dựng và duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng, đảm bảo tiến độ, chất lượng đáp ứng nhu cầu của người dân, phù hợp với tiêu chí của chương trình. Từ nguồn vốn sự nghiệp, UBND các xã, thị trấn đã được bố trí hơn 1,9 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội. Đến nay đã hoàn thành 100% nguồn vốn được giao.
Bên cạnh đó, huyện chú trọng triển khai xây dựng, phát triển, nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, nguyên liệu sản xuất, vật tư, công cụ, máy móc, thiết bị; xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường, liên kết phát triển sản xuất. Từ nguồn vốn sự nghiệp bổ sung, UBND huyện giao cơ quan chuyên môn hơn 2,1 tỷ đồng thực hiện hỗ trợ 5 dự án cho 192 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Đồng thời, bố trí hơn 3,3 tỷ đồng cho các xã, thị trấn để thực hiện hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ 176 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo mua cây, con giống, máy móc nông nghiệp phục vụ hoạt động sản xuất.
Trong lĩnh vực phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn, UBND các xã, thị trấn đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức mở 15 lớp đào tạo nghề cho 515 học viên học nghề trên địa bàn; tổ chức tuyên truyền cho 421 cán bộ cơ sở và đưa 3 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. UBND các xã, thị trấn đã phối hợp với Ủy ban MTTQ huyện thực hiện hỗ trợ xây mới 366 căn nhà cho các hộ nghèo, với tổng số tiền huy động hỗ trợ hơn 20,2 tỷ đồng. Các dự án như: Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá chương trình; hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp; truyền thông về giảm nghèo đa chiều... được triển khai có hiệu quả.
Để thực hiện có hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023 trên địa bàn, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, tiểu dự án thành phần; hoàn thành các thủ tục đầu tư dự án cơ sở hạ tầng huyện nghèo, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm dịch vụ việc làm đảm bảo đúng quy định; đảm bảo điều kiện bố trí và giải ngân kế hoạch vốn theo từng danh mục dự án. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về mục tiêu giảm nghèo bền vững với phương pháp và cách làm phù hợp, tạo sự đồng thuận, chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Huyện cũng xác định huy động tối đa mọi nguồn lực gắn với triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo bền vững, chú trọng công tác trợ giúp đột xuất khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh. Xây dựng, đề xuất nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; kết hợp giải quyết tốt các chính sách giảm nghèo bền vững. Triển khai thực hiện lồng ghép chương trình giảm nghèo bền vững với chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.