Sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nông nghiệp, từ nhỏ, anh Đặng Đình Hợp nhen nhóm niềm yêu thích với nghề nông. Anh cho biết, anh thích chăn nuôi từ ngày còn đi học và luôn hào hứng tìm hiểu về nó. Chính vì vậy, sau khi tốt nghiệp cấp 3, anh không chọn theo học đại học như bao người khác, mà lựa chọn đi... chăn bò.
Sau khi đi tham quan, học tập tại các mô hình và tìm hiểu kiến thức trên mạng, anh mạnh dạn xin gia đình nuôi thử một lứa 4 con bò giống 3B, để vừa học vừa làm lấy kinh nghiệm. Anh Hợp chia sẻ, đây là giống bò mới, nên kỹ thuật chăm sóc cũng khác nuôi bò truyền thống, nên thời gian đầu khởi nghiệp gặp nhiều khó khăn, đặc biệt về kiến thức chăn nuôi vì bò 3B.
Quyết tâm không chịu thất bại, chàng thanh niên người Dao đã mày mò nghiên cứu, tự tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôi bò 3B trên sách báo và ti vi; đi tham quan các mô hình ở những khu vực lân cận để áp dụng kinh nghiệm của họ, học hỏi tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi.
Theo đó, anh Hợp đặc biệt quan tâm về vấn đề tỷ lệ các chất dinh dưỡng hằng ngày của bò 3B. Theo anh, việc cân đối lượng thức ăn tinh, thức ăn thô xanh cho bò 3B không những giúp bò lớn nhanh, phát triển tốt, mà còn góp phần quan trọng nâng cao sức đề kháng cho đàn bò.
Vào mùa hè, anh chủ yếu cho bò ăn cỏ, bổ sung thêm bã bia và cám. Vào mùa thu hoạch lúa, anh tích lũy và ủ rơm, thức ăn xanh với urê để dự trữ thức ăn trong những ngày rét và tăng cường thức ăn ủ chua để kích thích bò ăn ngon miệng, tiêu hóa tốt hơn.
Anh tiết lộ, bò 3B là giống bò thích nước và có nhu cầu về nước nhiều hơn bò truyền thống. Bởi vậy, anh làm máng nước tự động, mỗi khi bò uống hết nước trong máng thì nước sẽ tự động đẩy lên. Ngoài ra, bò nhốt trong chuồng sẽ thiếu khoáng chất hơn bò thả ngoài đồng nên anh đã sử dụng "đá liếm" để bổ sung khoáng chất. Còn về phòng bệnh, anh Hợp cho tiêm 2 loại thuốc là tuyết trùng và lở mồm long móng định kỳ 6 tháng/lần.
Cũng theo anh Hợp, dù nuôi bò nói riêng hay chăn nuôi nói chung, khâu xử lý chất thải là một trong những khâu quan trọng, do đó, anh luôn quan tâm vấn đề xử lý chất thải, đồng thời, tìm cách để chất thải trong chăn nuôi có thể bán được để tăng nguồn thu.
Với sự năng động, không ngừng học hỏi, mô hình chăn nuôi bò thương phẩm của gia đình Hợp đã từng bước phát triển. Tính đến năm 2020, gia đình anh nuôi bình quân 20 con bò thịt/ lứa, thu nhập mỗi năm trung bình từ 300 đến 400 triệu đồng. Mục tiêu của anh trong thời gian tới là, tiếp tục mở rộng quy mô chuồng trại, chăn nuôi theo mô hình thân thiện với môi trường và tìm đầu ra ổn định hơn cho chăn nuôi bò.
Bên cạnh đó, anh Hợp còn tận dụng diện tích mặt nước 1.000m2, để nuôi thêm cá trắm, rô phi đơn tính, vịt, ngan… Bình quân mỗi năm, những vật nuôi này mang lại cho anh thu nhập khoảng 300 triệu đồng.
Không dừng lại ở đó, anh còn học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả trong và ngoài địa phương để phát triển kinh tế gia đình. Anh đã quy hoạch lại vườn tạp và tiến hành trồng tập trung 1.500m2 cây bưởi Diễn…
Đến nay, diện tích bưởi đã cho thu hoạch đạt 230 triệu đồng/năm. Ngoài ra, anh Hợp còn đầu tư trồng cây lấy gỗ bản địa trên 1,5ha diện tích đất rừng, mỗi năm cho thu nhập khoảng 80 triệu đồng. Như vậy, trung bình mỗi năm gia đình anh có thu nhập gần 1 tỷ đồng từ mô hình kinh tế tổng hợp.
Chia sẻ về những thành quả đã gặt hái được, anh Hợp cho biết trong mỗi mô hình phát triển kinh tế đều phải có sự tâm huyết và cầu thị, học hỏi. Có được thành công như hôm nay ngoài sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của bản thân và các thành viên trong gia đình, còn là nhờ vào chủ trương, chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp phát triển kinh tế của các cấp bộ Đoàn, chính quyền địa phương. Anh cho biết, luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ những ai muốn phát triển kinh tế tại địa phương để góp phần xây dựng bản làng ngày càng giàu đẹp.
(Bài viết thuộc chuyên đề Khuyến nông với đồng bào DTTS)