Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Làm giàu từ nuôi bò giống "nội" của một HTX vùng cao

Hoàng Quý - 18:08, 13/09/2021

Nhiều năm qua, các nông hộ thuộc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Thanh Phong, xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên (Lào Cai) phát triển nghề chăn nuôi bò vàng vùng cao mang lại thu nhập ổn định, từng bước thoát nghèo, nâng cao đời sống. Các mô hình nuôi bò sinh sản không còn mới, nhưng cách làm của HTX mang lại hiệu quả kinh tế cao, chủ động được việc phòng, chống dịch bệnh...

Đàn bò của HTX Thanh Phong được nuôi nhốt tập trung
Đàn bò của HTX Thanh Phong được nuôi nhốt tập trung

Trong một chuyến công tác tại Lào Cai, chúng tôi có dịp ghé thăm trang trại của HTX Nông nghiệp Thanh Phong, để tìm hiểu về mô hình chăn nuôi bò đã góp phần giúp các thành viên HTX ổn định cuộc sống. Điều làm chúng tôi bất ngờ nhất là HTX không chọn nuôi các giống bò lai, bò ngoại, như: Bò 3B, bò lai Sind, bò Brahman... đang là xu hướng thịnh hành, mà lại chọn giống bò ta (hay còn gọi là bò vàng) để phát triển chăn nuôi.

Theo chia sẻ của anh Phạm Văn Chung, thành viên HTX, mặc dù sản lượng thịt của bò ta không cao bằng các giống bò lai, bò ngoại, nhưng bò ta rất dễ nuôi, lại ít gặp dịch bệnh. Bên cạnh đó, chất lượng thịt của bò ta cũng ngon hơn so với bò lai. Chính vì vậy, HTX Nông nghiệp Thanh Phong đã lựa chọn giống bò ta để chăn nuôi.

Lý giải thêm về lợi ích của việc nuôi bò vàng, anh Chung nói: “"Bò vàng có khả năng sinh sản tốt. Nuôi khoảng 18 - 24 tháng tuổi bò đã động dục và có khả năng phối giống, 30 - 34 tháng tuổi đẻ lứa đầu, nhịp đẻ năm một (1 năm 1 lứa) và 3 năm 2 lứa là phổ biến. Khả năng sinh sản tốt là đặc điểm có ích lớn nhất của bò vàng. Chính bởi vậy, HTX đã lựa chon giống bò vàng để nuôi sinh sản"

Hệ thống máy cắt cỏ cho bò của HTX Thanh Phong
Hệ thống máy cắt cỏ rất thuận tiện trong việc đảm bảo nguồn thức ăn kịp thời cho đàn bò.

Hiện trang trại của HTX Nông nghiệp Thanh Phong đang chăn nuôi gần 100 con bò sinh sản, trong hệ thống chuồng trại rộng 500m2. Để nâng cao chất lượng chăn nuôi, HTX còn đầu tư lắp hệ thống quạt xung quanh chuồng, xây dựng nhà nuôi giun, mở rộng diện tích trồng cỏ khoảng 10ha để bảo đảm dư nguồn thức ăn quanh năm cho đàn bò.

Cùng với đó, công việc hàng ngày của các thành viên HTX còn được quy định cụ thể như: Buổi sáng tiến hành vệ sinh chuồng trại và cho bò ăn; buổi chiều đi cắt cỏ chuẩn bị cho bữa tối và sáng hôm sau cho đàn bò. 

Ngoài thức ăn cỏ tươi, các thành viên trong HTX thường trộn men vi sinh cùng với cỏ tươi, sau đó ủ chua để làm thức ăn cho đàn bò. Nhờ phương pháp này, HTX đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí, trong khi đó, đàn bò được tăng cường sức đề kháng, khỏe mạnh và hạn chế được dịch bệnh.

Nhờ đó, đàn bò phát triển tốt, lớn nhanh và mang về cho các thành viên trong HTX thu nhập từ 70 - 100 triệu đồng/năm. Từ chăn nuôi bò, các thành viên đều ổn định được cuộc sống, người xây dựng được nhà khang trang, người  mua sắm thêm được xe máy, tivi, tủ lạnh phục vụ cuộc sống... và có tiền nuôi con cái ăn học đầy đủ.

Thành viên HTX Thanh Phong ủ thức ăn cho đàn bò
Thành viên HTX Thanh Phong ủ thức ăn cho đàn bò

Theo ông Phạm Thanh Xuân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Nông nghiệp Thanh Phong, không giống như các mô hình khác, nhà nào nuôi tại nhà đó, mỗi nhà đều có chuồng trại riêng, nuôi nhốt lẻ tẻ, tại đây, bò của các thành viên trong HTX được nuôi nhốt tập trung, bảo đảm việc quản lý, chăm sóc và phòng chống dịch bệnh.

Ông Phạm Thanh Xuân chia sẻ: “Hàng ngày, các thành viên của HTX đều tập trung ở trang trại để làm việc, không chỉ nâng cao tinh thần đoàn kết của hàng xóm, láng giềng mà mọi người còn có thể cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng trong chăn nuôi bò”.

Được biết, ngoài việc nuôi gần 100 con bò sinh sản, sắp tới đây, HTX sẽ mua thêm bò thương phẩm để chăn nuôi. Đây sẽ là động lực  lớn để các thành viên trong HTX Nông nghiệp Thanh Phong cùng nhau phát triển kinh tế.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.