Sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình anh Sử thu lãi từ 40 đến 45 triệu đồng. Nhờ nguồn thu nhập từ nuôi bò vỗ béo, đến nay gia đình anh không chỉ thoát nghèo mà còn có tích lũy.
Không chỉ gia đình anh Sử mà hiện nay, mô hình nuôi vỗ béo bò đã giúp nhiều hộ ở Mèo Vạc thoát nghèo bền vững. Trong thời gian vỗ béo từ 4-6 tháng, trừ tất cả các chi phí người chăn nuôi có thể thu lãi khoảng 1,5 triệu đến gần 2 triệu đồng/con/tháng, số tiền này rất có ý nghĩa đối với nông dân miền núi, nhất là hộ nghèo.
Mô hình nuôi bò nhốt chuồng vỗ béo ở huyện Mèo Vạc phát triển khá mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện. Hiện mô hình này đã được nhân rộng ra 5/18 xã, thị trấn trên địa bàn.
Theo thống kê, toàn huyện Mèo Vạc hiện có khoảng 78 nghìn con trâu bò, trong đó đàn bò gần 27 nghìn con. Nhờ có các chính sách hỗ trợ người dân như cho vay không lãi suất từ ba đến 5 năm, chính sách hỗ trợ trồng cỏ... cho nên sản phẩm của chăn nuôi đã trở thành hàng hóa góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Trong năm 2017, toàn huyện đã có 945 hộ thoát nghèo, kéo tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xuống còn 53,97%.
Có thể thấy, phát triển chăn nuôi bò theo hình thức nhốt chuồng vỗ béo đã tạo ra một bước chuyển biến lớn trong phát triển kinh tế của huyện Mèo Vạc. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục vận động người dân nhân rộng cách làm này để xóa đói, giảm nghèo.
TÙNG NGUYÊN