Cực nhọc theo nghềAnh Trần Văn Hải nhớ như in cuối năm 2017 mới “nhập cư” vào xóm chăn bò này. Anh được chủ nhận và giao chăn thuê 20 con bò. Nhưng vì chưa quen địa bàn, bò của gia chủ lại hỗn không chịu ăn theo bầy nên anh đã để một con bò đi thất lạc. Suốt đêm hôm ấy vừa sợ chủ đuổi việc vừa sợ bị bắt đền nên anh đã lùng sục khắp các vùng núi rừng của huyện Chư Sê để tìm kiếm. Gần 2 giờ sáng ngày hôm sau anh mới tìm được bò. Tuy nhiên, chân cũng bị dập mất một ngón do té ngã… Dẫu vậy, anh vẫn phải bám lấy nghề.
Hầu hết những người ở xóm chăn bò là dân từ Bình Định, Quảng Ngãi, Lâm Đồng... hợp lại. Anh Trần Bình Trung (quê Quảng Ngãi), người có thâm niên chăn bò 6 năm ở đây, cho biết: Do hoàn cảnh ở quê nghèo khó, lại không có nghề nghiệp nên mình quyết định lên đây mưu sinh bằng nghề chăn bò thuê. Nghề chăn bò thuê này cũng được bữa đói, bữa no mà thôi. Nếu không may mà làm mất một còn bò thì coi như cả năm ấy không có đồng lương nào gửi về nhà cả.
Anh Trung nhớ lại, trước khi chăn bò thuê cho ông chủ hiện tại, từng chăn thuê cho một người khác, đó là chủ trang trại bò Công Phụng ở xã HBông. Ông chủ trang trại Công Phụng rất khó tính, chỉ vì chưa kịp tìm thấy một con bò đi lạc mà ông ấy chửi người chăn thuê như tát nước vào mặt. Nhiều chủ khác cũng vậy, dù đã tìm thấy bò nhưng vẫn kiên quyết trừ nửa tháng lương của người chăn thuê mới thôi.
Nhiều người chăn bò thuê bộc bạch rằng: nghĩ cũng tủi thân nhưng đành chịu vậy chứ than thở miết cũng chẳng được gì. Chị Lê Thanh Tâm, người bám trụ lâu năm với nghề chăn bò thuê chua chát cho biết: Giữa năm 2016, tôi chăn bò thuê cho ông chủ trang trại bò thịt Đức Hậu. Cũng chỉ vì một chú bò tách bầy đi ăn về muộn mà ông ấy không cho người làm lĩnh lương nửa tháng. Nghề chăn bò này cực lắm, nhất là bò đực đến kỳ động đực là nó đi tìm bạn tình, cứ sểnh là nó đi lạc ngay. Có những lần đi tìm bò trong nỗi lo lắng lẫn sợ hãi mà không còn thấy có cảm giác đói là gì nữa.
Sống trong Gia LaiTiếp tục lần theo con đường lầy lội còn in đậm dấu chân bò, chúng tôi vào nhà chị Lê Thị Thanh và chị Trần Thị Hà ở xóm chăn bò. Gọi là nhà nhưng thực ra đó chỉ là những căn lán tạm bợ được dựng lên bằng ván hoặc các loại vật liệu, vôi vữa thừa được xin về từ các công trình xây dựng. Ngay phía sau của những căn nhà đơn sơ này là trang trại với hàng trăm con bò.
Chị Thanh bảo: Chúng tôi cũng biết sống như thế sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều lắm, vì mỗi khi gió mạnh mùi phân bò thốc vào rất khó chịu. Căn nhà tuy nhỏ vậy nhưng là tổ ấm của gia đình chúng tôi đó. Theo hai chị, cách đây mấy năm, gia đình các chị dắt díu nhau từ vùng quê nghèo ở Quảng Ngãi lên đây và mỗi nhà nhận nuôi thuê gần 100 con bò cho doanh nghiệp Phúc Duy (Gia Lai).
“Ăn ngủ với bò riết rồi cũng quen, cực khổ lắm nhưng chắt chiu thì cũng đủ nuôi gia đình và dành dụm được chút ít cho con sau này ăn học”, chị Thanh cho biết thêm. Cạnh nhà chị Thanh là chị Thùy. Từ sau Tết Mậu Tuất đến nay chị Thùy cứ ốm o, ngày khỏe cũng chỉ ăn được bát cháo. Chị Thùy tâm sự: Do quanh năm ngửi mùi phân bò và xú uế nên sức khỏe ngày càng bị ảnh hưởng, chắc chắn là viêm phổi rồi. Biết thế nhưng không có điều kiện, không có tiền đi khám nên đành chịu. Không chỉ có chị Thùy mà nhiều người phụ nữ khác trong xóm chăn bò này cũng nhiễm các bệnh về đường hô hấp vì triền miên sống quanh các chuồng bò.
Ước vọng chân trời mớiNgoài dân tứ xứ tụ về, ở xóm chăn bò còn có hàng chục gia đình là người đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương cũng nhận chăn bò thuê. Ông Đinh Rít (người Ba Na) cho biết: Mình không có điều kiện thì đi chăn bò thuê để phụ giúp gia đình đỡ cực. Ở xóm chăn bò này chúng tôi cũng yêu thương, đùm bọc nhau lắm.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nghề chăn bò thuê nếu tính chi li so với nghề nông ở một số vùng quê vẫn khá hơn nhưng các bệnh tật từ việc ô nhiễm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cũng nhiều hơn. “Ở quê, ngoài việc đồng áng, vợ chồng tôi chạy chợ buôn bán cả ngày mà cuộc sống vẫn cứ thiếu thốn đủ bề nên khi được người em họ giới thiệu, chúng tôi lên đây chăn bò thuê. Bước đầu chưa quen nên chỉ nhận nuôi 50 con. Tính ra mỗi tháng cũng thu nhập được 3-4 triệu đồng, sau khi trừ chi phí cũng dư được 1,5-2 triệu đồng. Đó là chưa kể tiền bán phân mỗi tháng cũng thêm được khoảng 500.000 đồng”, anh Bùi Văn Hiền (quê Bình Định) cho biết.
Tuy có thu nhập vài triệu đồng/tháng nhưng nghề chăn bò thuê ở xóm chăn bò này lắm gian nan. Suốt cả năm trời, chân phải đạp lên đá núi nhiều khi tứa máu, đau đến phát khóc. Đặc biệt, vào mùa khô phải đi vài km để gánh nước về cho bò uống. Những lúc bò đi lạc phải đi tìm... Hơn nữa, bây giờ việc chăn bò ở đây cũng ngày càng khó do diện tích đồng cỏ đang bị thu hẹp dần vì người dân khai hoang làm nương rẫy.
Với những người làm nghề chăn bò thuê nơi đây, tương lai mới của họ vẫn còn mịt mùng nhưng không thể không hy vọng. Đặc biệt, nhiều đứa trẻ ở xóm chăn bò thuê đã được nhận vào một số trường học ở địa phương. Đó chính là niềm hy vọng cho một tương lai tốt đẹp hơn.
ĐÔNG HƯNG