Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nuôi bò vần công ở buôn Hiao - Chuyện tưởng nhỏ nhưng không nhỏ

Ksor H’Yuên - 20:39, 12/10/2021

Tại buôn Hiao (xã Chư Băh, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) có một tổ chăn nuôi bò do Hội Nông dân xã khởi xướng, hoạt động rất hiệu quả. Với 15 hội viên đều là người dân tộc Gia Rai tham gia mô hình, 4 năm nay, Tổ chăn nuôi bò đã phát triển đàn bò lên 70 con.

Các hộ thành viên trong Tổ chăn nuôi bò tại buôn Hiao luân phiên nhau chăn thả, trông coi đàn bò
Các hộ thành viên trong Tổ chăn nuôi bò tại buôn Hiao luân phiên nhau chăn thả, trông coi đàn bò

Theo chị Nay H’Blen, Chủ tịch Hội Nông dân xã Chư Băh- người khởi xướng mô hình Tổ chăn nuôi bò ở buôn Hiao cho biết: “Nhận thấy việc chăn nuôi bò ở các hộ gia đình chiếm khá nhiều thời gian, công sức, ảnh hưởng đến thời gian đầu tư sản xuất, trồng trọt nên tôi đã tìm hiểu và nảy ra sáng kiến vần công chăn nuôi bò cho các hộ dân ở buôn Hiao. Sau khi nghe phân tích cái hay, cái được của hình thức nuôi bò đổi công, nhiều hội viên rất đồng tình, ủng hộ đăng ký tham gia ngay”.

Tổ chăn nuôi bò có 15 thành viên tham gia, chị Ksor H’Nin được bầu làm tổ trưởng. Tổ trưởng có trách nhiệm phân chia lịch đổi công chăn nuôi cho các thành viên trong tổ, đồng thời theo dõi, nhắc nhở, thông báo lịch đổi công cho các thành viên nắm và thực hiện. Việc phân công lịch vần  công diễn ra linh hoạt theo nhu cầu, khả năng đảm nhận công việc của các hộ thành viên. Theo đó mỗi tuần, 2 hộ thành viên chịu trách nhiệm chăn thả, quản lý đàn bò của cả 15 hộ, hết phiên sẽ chuyển cho 2 hộ tiếp theo. Cứ thế xoay vòng, luân chuyển hằng tuần. Tuy nhiên, trong những trường hợp đột xuất, bất cứ thành viên nào có việc gấp cần giải quyết đều có thể báo cáo với tổ trưởng để phân công, chuyển đổi lịch chăn thả giúp nhau.

Tham gia tổ chăn nuôi bò, mỗi hộ thành viên có số lượng đàn bò khác nhau, có hộ nuôi từ 5 đến 8 con, có hộ chỉ có 2-3 con. Để tránh tình trạng so bì giữa các thành viên, tổ thống nhất tăng số ngày công đối với những hộ có số lượng bò nhiều hơn. Đối với những thành viên có điều kiện kinh tế khá giả sẽ có trách nhiệm hỗ trợ, giúp đỡ các thành viên hoàn cảnh gia đình khó khăn hơn, qua đó phát huy tinh thần “tương thân, tương ái”, cùng nhau tạo lập cuộc sống tốt hơn.

Mô hình đổi công chăn nuôi bò đã giúp các gia đình có thời gian để tập trung làm các việc khác như trồng trọt, chăm sóc cây trồng (mì (sắn), mía, điều, lúa nước…), nâng cao năng suất lao động, tăng thêm thu nhập. Anh Nay Krôh- thành viên tổ chăn nuôi bò bôn Hiao chia sẻ: “Trước đây, gia đình mình gặp nhiều khó khăn trong việc cân đối, sắp xếp thời gian trồng mì và chăn nuôi bò. Nhất là vào vụ làm mì thì tìm người nhờ chăn thả bò rất khó. Từ khi tham gia tổ chăn nuôi bò, gia đình mình không còn phải lo công chăn thả, vì đã có thành viên khác trong tổ hỗ trợ đổi công, mình vừa có thể gieo trồng lúa, mì đúng thời vụ, chăm sóc vụ mùa được kỹ càng hơn”.

Già làng Ksor Weo, Bí thư Chi bộ bôn Hiao, thành viên Tổ chăn nuôi chủ động chăm sóc đàn bò trong mùa vụ
Già làng Ksor Weo, Bí thư Chi bộ buôn Hiao, thành viên Tổ chăn nuôi chủ động chăm sóc đàn bò trong mùa vụ

Còn già làng Ksor Weo, Bí thư Chi bộ buôn Hiao, thành viên Tổ chăn nuôi bò cũng khẳng định: “Với trách nhiệm Bí thư Chi bộ, tôi thường xuyên phải đi họp, dự hội nghị và các việc khác ở xã, ở huyện nên không có thời gian chăm sóc đàn bò. Tham gia vào tổ chăn nuôi bò, tôi vừa hoàn thành tốt việc Đảng, lại trọn vẹn việc nhà, thuận lợi biết mấy!”.

Vào thời điểm vụ mùa, các hộ dân đều canh tác trên đất rẫy, ruộng nên việc chăn thả tập trung đàn bò gặp nhiều khó khăn. Để duy trì hoạt động đổi công nuôi bò, các thành viên thống nhất tạm thời chuyển từ chăn thả đàn bò sang nuôi nhốt tập trung, phân công nhau luân phiên trồng cỏ, cắt cỏ, cung cấp thức ăn cho đàn bò. Với hình thức nuôi nhốt tập trung, đàn bò được đội ngũ thú y của xã chủ động tiêm phòng đầy đủ, không bị phân tán hoặc thiếu sót.

Mô hình Tổ chăn nuôi bò của buôn Hiao trong 4 năm qua đã thực sự phát huy hiệu quả, tạo ra sự lan tỏa về  ý thức xây dựng chuỗi liên kết phát triển trong chăn nuôi, sản xuất của người nông dân. Thời gian qua, nhiều hộ dân tại các buôn lân cận như Chư Băh A, buôn Bir đã sang buôn Hiao học hỏi kinh nghiệm để triển khai thành lập tổ chăn nuôi bò, ổ chăn nuôi dê đổi công... như mô hình của buôn Hiao.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.