Hàng loạt dự án phát triển vùng DTTS
Huyện Như Thanh có 14 xã, thị trấn, trong đó 2 xã và 17 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Là 1 trong 11 huyện miền núi của Thanh Hóa đang đẩy mạnh triển khai Chương trình MTQG 1719, trong 3 năm qua, huyện đã triển khai 9/10 dự án, với tổng vốn đầu tư hơn 60 tỷ đồng, “bao trùm”, đi sâu vào các lĩnh vực đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Từ năm 2021 - 2023 trên địa bàn huyện đã thực hiện 42 công trình, với tổng kinh phí ngân sách Trung ương hỗ trợ là 37 tỷ 363 triệu đồng, trong đó có 11 công trình đường giao thông, 2 công trình nước sinh hoạt tập trung, 21 nhà văn hóa thôn; 5 trường học, 2 công trình tràn giao thông; 1 công trình đường điện chiếu sáng. Các công trình cơ bản đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả, tạo thuận lợi cho việc giao thương giữa các địa phương, nâng chất lượng cuộc sống của người dân.
Ngoài ra, các tiểu dự án, dự án thuộc Chương trình MTQG 1719 đã và đang được huyện Như Thanh tích cực triển khai thực hiện. Trong đó, từ năm 2021 - 2023, từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 đã hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 622 hộ, hỗ trợ nhà ở cho 31 hộ; tổ chức 13 lớp đào tạo nghề dưới 3 tháng cho 455 học viên; tổ chức 29 lớp tập huấn truyền thông hướng nghiệp tại các xã, thị trấn và các trường THCS trên địa bàn huyện...
Bên cạnh cơ sở hạ tầng, Chương trình MTQG 1719 còn hỗ trợ sinh kế bền vững cho nhiều hộ dân khó khăn. Đến nay, 31 hộ đã được hỗ trợ xây dựng nhà ở, hơn 600 hộ có nước sinh hoạt ổn định. Bà Quách Thị Dứ, xã Mậu Lâm là một trong những hộ nghèo được hỗ trợ xây nhà cho biết: “Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, tôi mới có cơ hội được ở ngôi nhà kiên cố. Từ nay, gia đình tôi không còn lo lắng mỗi khi mùa mưa bão tới”.
Bà Lê Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Thanh, chia sẻ: Nhờ thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719, tình hình kinh tế - xã hội của huyện đã có nhiều thay đổi tích cực. Khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố vững chắc, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển toàn diện. Nhờ đó, huyện Như Thanh luôn đứng đầu trong các lĩnh vực giảm nghèo với kết quả ấn tượng: tỷ lệ hộ nghèo chung từ 11,8% năm 2021 giảm xuống còn 3,7% vào năm 2023; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm từ 14,08% xuống còn 4,17% trong cùng thời kỳ.
Tạo nên những chuyển biến tích cực
Triển khai Chương trình MTQG 1719 tại huyện Lang Chánh cũng đang mang lại những chuyển biến tích cực. Trong đó, hiệu quả rõ rệt nhất là triển khai thực hiện Dự án 4: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất và đời sống của đồng bào DTTS.
Trong năm 2022, từ Dự án 4, huyện Lang Chánh được phân bổ trên 10 tỷ đồng bao gồm vốn đầu tư và vốn sự nghiệp. Từ nguồn vốn này, nhiều tuyến đường giao thông liên xã được kiên cố hóa, trong đó: Tuyến đường giao thông từ thôn Chiềng Khạt (xã Đồng Lương) đến thôn Tân Tiến (xã Tân Phúc) có tổng mức đầu tư 4,8 tỷ đồng được giải ngân hoàn toàn với 100% kế hoạch...
Trong năm 2023, huyện tiếp tục được phân bổ hơn 1 tỷ đồng vốn sự nghiệp của Dự án 4 để duy tu, bảo dưỡng các công trình giao thông quan trọng. Các dự án này đã được thực hiện và giải ngân 100% kế hoạch. Điển hình như: duy tu, bảo dưỡng đường giao thông bản Ngày, xã Lâm Phú; đường giao thông bản Tân Bình, xã Tân Phúc; đường giao thông thôn Chiềng Lằn, xã Giao Thiện. Các dự án này không chỉ tạo điều kiện cho sản xuất và giao thương, mà còn đóng góp vào công tác giảm nghèo, nâng cao thu nhập và cải thiện điều kiện sống cho người dân vùng DTTS và miền núi.
Theo ông Đỗ Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh, Chương trình 1719 đã giúp cải thiện đáng kể cuộc sống của người dân. “Tỷ lệ giảm nghèo nhanh, từ 30,62% vào năm 2021 xuống còn 18,97% vào năm 2023. Lang Chánh đặt mục tiêu đến năm 2025, 75% đường thôn bản sẽ được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, giảm tỷ lệ hộ nghèo ít nhất 6% mỗi năm”.
Ông Mai Xuân Bình, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa khẳng định: Chương trình MTQG 1719 đã giúp cải thiện đáng kể đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS. Theo ông, đến hết năm 2023, nhiều chỉ tiêu đã hoàn thành sớm so với kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025, điển hình là giảm tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS và miền núi xuống còn 14,75%, đạt mục tiêu giảm trung bình trên 3% mỗi năm. Cùng với đó, trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường, và tình hình an ninh trật tự xã hội trong vùng được duy trì ổn định.
Ông Bình nhấn mạnh, điểm nổi bật trong thành công của Chương trình MTQG 1719 giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 là sự phát triển hạ tầng vùng miền núi. Các tuyến đường, cầu, hệ thống điện, nước được hoàn thiện không chỉ giúp người dân thuận lợi hơn trong sinh hoạt hằng ngày mà còn mở ra cơ hội phát triển sản xuất.
Chương trình MTQG 1719 cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa vùng DTTS và miền núi với các khu vực khác trong tỉnh và cả nước. Bằng các hỗ trợ cụ thể về giáo dục, y tế và văn hóa, Chương trình đã góp phần cải thiện rõ rệt chất lượng đời sống của bà con, giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Ông Bình cho biết, trong thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình MTQG 1719, tập trung vào các dự án sinh kế và phát triển hạ tầng thiết yếu.