Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Thanh Hóa: Phát huy hiệu quả vốn tín dụng chính sách đối với vùng DTTS

Quỳnh Trâm - 09:15, 08/11/2024

Vốn tín dụng chính sách đã trở thành người bạn đồng hành đáng tin cậy, góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng DTTS miền núi của Thanh Hóa. Không chỉ giúp người dân cải thiện đời sống, nguồn vốn này còn đóng vai trò là "bệ đỡ" để các huyện miền núi thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Thoát nghèo từ vay vốn chính sách

Tại Thanh Hóa, với sự hỗ trợ từ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Trung ương và ngân sách địa phương, hơn 847.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách đã được tiếp cận với vốn vay, tổng doanh số cho vay lên đến 32.588 tỷ đồng, với tổng thu nợ đạt 25.173 tỷ đồng, tương đương 77,2% doanh số cho vay. Nhờ vào nguồn lực này, đã có trên 194.000 hộ dân thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống chỉ còn 3,52% vào cuối năm 2023.

Trên địa bàn vùng DTTS và miền núi Thanh Hóa xuất hiện ngày càng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả
Trên địa bàn vùng DTTS và miền núi Thanh Hóa xuất hiện ngày càng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả

Đáng chú ý, năm 2023 và trong 7 tháng đầu năm 2024, nguồn vốn chính sách đã tạo điều kiện cho gần 37.000 lao động có việc làm ổn định, trong đó có hơn 931 lao động được làm việc ở nước ngoài. Thêm vào đó, vốn tín dụng còn hỗ trợ các nhóm đối tượng yếu thế như 350 người chấp hành xong án phạt tù có cơ hội việc làm mới, hơn 4.500 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, và xây dựng gần 98.000 công trình nước sạch, vệ sinh tại các khu vực nông thôn.

Ông Hà Văn Hiệp, ở xã Điền Trung, huyện Bá Thước, là một trong những hộ được thụ hưởng nguồn vốn tín dụng chính sách. Cách đây 5 năm, gia đình ông thuộc diện hộ cận nghèo của xã. Sau khi được Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn bình xét, ông Hiệp đã vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH để đầu tư chăn nuôi trâu giống. Nhờ chăm chỉ và sự hỗ trợ về kỹ thuật, đến nay gia đình ông không chỉ thoát nghèo mà còn có cơ ngơi đáng kể với gần 20 con trâu.

Ông Hiệp chia sẻ: “Được Nhà nước cho vay vốn về chăn nuôi cũng thấy hiệu quả, đời sống khấm khá hơn, đã xây được nhà, tôi rất vui mừng. Đây là kết quả sau nhiều năm tích cóp, đầu tư làm ăn từ nguồn vay chính sách”.

Cũng nhờ nguồn vốn này, xã Điền Trung đã nâng thu nhập bình quân lên 45 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,35%, và đã đạt chuẩn nông thôn mới. Theo ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Điền Trung, tín dụng chính sách không chỉ giúp người dân phát triển kinh tế, mà còn góp phần xây dựng nông thôn mới. Dư nợ tín dụng chính sách của xã hiện đạt trên 30 tỷ đồng, tập trung vào các hoạt động chăn nuôi và phát triển rừng. Nhờ vào việc xét duyệt chặt chẽ, các hộ dân đã sử dụng vốn vay một cách hiệu quả, giúp Điền Trung trở thành một trong 3 xã đầu tiên của huyện Bá Thước về đích nông thôn mới.

Tính đến hiện tại, dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Bá Thước đạt trên 704 tỷ đồng, với hơn 11.300 khách hàng đang vay vốn. Nhờ vào sự phối hợp quản lý chặt chẽ giữa NHCSXH huyện và chính quyền địa phương, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn 17,58%.

Nhờ vay vốn chính sách, nhiều hộ dân ở huyện vùng cao Bá Thước đã phát triển kinh tế và vươn lên thoát nghèo
Nhờ vay vốn chính sách, nhiều hộ dân ở huyện vùng cao Bá Thước đã phát triển kinh tế và vươn lên thoát nghèo

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước, ông Mai Hữu Phúc, tín dụng chính sách đã giúp nhiều hộ dân địa phương cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống và từng bước thoát nghèo. Trong thời gian tới, UBND huyện sẽ tiếp tục rà soát và hướng dẫn các hộ vay sử dụng vốn hiệu quả, góp phần đưa huyện Bá Thước tiến tới phát triển bền vững.

Đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích

Thực hiện đúng và hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, là nhiệm vụ quan trọng mà Ngân hàng CSXH tỉnh Thanh Hóa đã và đang triển khai. Ban đại diện Hội đồng quản trị chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong việc phân bổ vốn vay và đảm bảo đáp ứng nhu cầu vay của các hộ nghèo, cận nghèo.

Công tác kiểm tra, giám sát cũng được đẩy mạnh để kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các tồn tại trong quá trình thực hiện chính sách. Hệ thống các điểm giao dịch cấp xã và các tổ tiết kiệm, vay vốn đã được thiết lập rộng khắp.

Tín dụng Ngân hàng CSXH huyện Quan Sơn đã nhanh chóng lan tỏa kịp thời, đến với người nghèo, cận nghèo
Tín dụng Ngân hàng CSXH huyện Quan Sơn đã nhanh chóng lan tỏa kịp thời, đến với người nghèo, cận nghèo

Tại huyện Quan Sơn, triển khai các chương trình tín dụng chính sách đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, Ngân hàng CSXH huyện đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội tiến hành rà soát nắm bắt nhu cầu vay vốn của từng hộ và tiến hành ủy thác cho vay đảm bảo theo quy định. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi tại các xã, thị trấn, các Tổ tiết kiệm và vay vốn, hộ vay vốn, các tổ chức chính trị nhận ủy thác; quy trình, chế độ nghiệp vụ, bảo đảm vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, phát huy hiệu quả sử dụng vốn đúng mục đích.

Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Quan Sơn Lê Anh Thiện cho biết: Nguồn vốn chính sách đã góp phần quan trọng vào công cuộc giảm nghèo bền vững của huyện, đồng thời giúp bà con tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa, hạn chế “tín dụng đen”. Thời gian tới, để phát huy hiệu quả nguồn vốn chính sách, NHCSXH huyện sẽ tích cực tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Ông Lê Anh Thiện cũng cho hay, đơn vị cũng đang bám sát các chương trình, mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện để triển khai các chương trình tín dụng chính sách, bảo đảm nguồn vốn ưu đãi được thực hiện đúng đối tượng, vốn vay sử dụng đúng mục đích, hiệu quả. Chủ động thực hiện tốt việc huy động, quản lý và sử dụng vốn hiệu quả; duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động các điểm giao dịch tại các xã, thị trấn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người vay vốn hiểu được quyền lợi, nghĩa vụ để sử dụng vốn đúng mục đích. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.

Chính sách hỗ trợ được triển khai giúp HTX, người dân xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả tại huyện Như Thanh
Chính sách hỗ trợ được triển khai giúp HTX, người dân xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả tại huyện Như Thanh

Đến ngày 31/7/2024, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đạt con số ấn tượng là 14.423 tỷ đồng, với tổng dư nợ hơn 14.388 tỷ đồng và gần 251.000 hộ nghèo cùng các đối tượng chính sách khác đang được hỗ trợ vay vốn.

Trong năm 2023 và 7 tháng đầu năm 2024, vốn tín dụng chính sách xã hội đã được sử dụng để hỗ trợ đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho gần 37.000 lao động, bao gồm cả 931 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Ngoài ra, nguồn vốn này cũng giúp 350 người chấp hành xong án phạt tù tìm được việc làm, hỗ trợ hơn 4.500 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn để tiếp tục con đường học tập, xây dựng gần 98.000 công trình nước sạch và vệ sinh tại nông thôn, và xây dựng 811 căn nhà ở xã hội cho các đối tượng chính sách. 

Những con số trên đã cho thấy, hiệu quả và tầm quan trọng của vốn tín dụng chính sách trong việc góp phần cải thiện mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội tại Thanh Hóa.

Tin cùng chuyên mục
Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Năm 2022, Nghệ An được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đây là tiền đề quan trọng để địa phương tiếp tục có những bước đi vững chắc trong công tác xóa mù chữ. Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, địa bàn cách trở… đang là những trở ngại đối với công tác xóa mù chữ, đòi hỏi tỉnh Nghệ An có những giải pháp phù hợp.