Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Thuận Châu (Sơn La): Cuộc sống đồng bào DTTS đổi thay nhờ Chương trình MTQG 1719

Tiến Mạnh - 06:12, 12/11/2024

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), huyện Thuận Châu (tỉnh Sơn La) đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, quan tâm tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho Nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Lãnh đạo huyện Thuận Châu (Sơn La) kiểm tra tuyến đường bản Huổi Lọng - Quyết Thắng, xã Nong Lay.
Lãnh đạo huyện Thuận Châu (Sơn La) kiểm tra tuyến đường bản Huổi Lọng - Quyết Thắng, xã Nong Lay

Thuận Châu là một trong những huyện còn nhiều khó khăn của tỉnh Sơn La. Trên địa bàn huyện Thuận Châu có 29 xã, thị trấn, trong đó 24 xã vùng III đặc biệt khó khăn, có 6 dân tộc cùng sinh sống. Để chăm lo, ổn định đời sống cho đồng bào DTTS trên địa bàn, huyện Thuận Châu đã thực hiện hiệu quả các chính sách đầu tư của Nhà nước, triển khai hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi và công cụ sản xuất; quan tâm đào tạo nghề, hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Khai thác tiềm năng, lợi thế vùng, huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất gắn xây dựng thương hiệu sản phẩm, truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Tạo điều kiện cho các hộ dân được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, phát triển sản xuất. Đến nay, huyện đã hình thành vùng sản xuất tập trung.

Bên cạnh đó, huyện còn lồng ghép các chương trình, dự án, như: Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, Chương trình MTQG 1719; sử dụng các nguồn vốn tín dụng ưu đãi, vốn bổ sung từ ngân sách tỉnh, ngân sách Trung ương... phục vụ cho nhu cầu phát triển.

Nhờ vậy, Nhân dân trong huyện được cải thiện về đời sống, nhà ở và điều kiện sinh hoạt. Giai đoạn 2019-2023, huyện đã hỗ trợ máy móc, nông cụ sản xuất cho 390 hộ nghèo; hơn 900 hộ nghèo thiếu đất sản xuất được vay vốn chuyển đổi nghề. Hỗ trợ cá giống, bê giống cho 646 hộ đồng bào dân tộc La Ha ở 4 xã Nong Lay, Chiềng La, Chiềng Pha, Liệp Tè, tổng kinh phí hơn 6,6 tỷ đồng. Tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức phát triển sản xuất và sinh kế cho 504 hộ gia đình dân tộc La Ha. Có 5.959 hộ gia đình được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, với tổng dư nợ 822 tỷ đồng.

Hiện nay, diện mạo đô thị, nông thôn mới của huyện Thuận Châu có nhiều khởi sắc. Đường, điện, trường, trạm được đầu tư xây dựng, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 72,9% số bản, tiểu khu có đường bê tông; 99% số hộ có điện lưới quốc gia; 100% dân số được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Huyện đã có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Sự nghiệp giáo dục, y tế được quan tâm; phong trào xây dựng đời sống văn hóa được đẩy mạnh. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn giữ vững, ổn định.

Ngoài ra, huyện có gần 4.300ha cây ăn quả các loại; sản lượng năm 2023 đạt trên 22.500 tấn. Có 10 mã số vùng trồng; trong đó, 2 mã vùng xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, EU, Úc, Đu Bai, Nhật Bản; 8 mã vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, với tổng diện tích 182ha; có 11 chuỗi liên kết sản xuất, 8 sản phẩm OCOP. Chăn nuôi phát triển cả về số lượng, quy mô và cơ cấu đàn; bước đầu hình thành các mô hình trang trại, với trên 135.000 con gia súc, hơn 735.000 con gia cầm các loại. Nhân dân các xã vùng lòng hồ Thủy điện Sơn La nuôi trên 650 lồng cá; sản lượng thủy sản nuôi và khai thác đạt 1.300 tấn/năm. Đời sống Nhân dân được nâng lên, đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 22,77%.

Huyện Thuận Châu cũng đã phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội cấp xã, bản và Nhân dân tập trung giám sát tiến độ, chất lượng công trình. Qua đó, góp phần nâng tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được bê tông hóa hoặc nhựa hóa đạt 100%; gần 80% số bản có đường giao thông đến bản được cứng hóa; trên 99% số hộ được sử dụng điện từ lưới điện quốc gia; 100% dân số nông thôn được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh...

Một góc Trung tâm huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La
Một góc Trung tâm huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La

Bên cạnh việc hỗ trợ hoàn thiện cơ sở hạ tầng, trong tháng 10/2024, huyện Thuận Châu cũng đã cấp phát 818 bồn chứa nước cho hộ nghèo vùng đồng bào DTTS thuộc diện khó khăn về nước sinh hoạt trong toàn huyện, tổng kinh phí hơn 2,3 tỷ đồng.

Việc hỗ trợ bồn chứa nước sẽ giúp các hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS ở thôn, bản, xã đặc biệt khó khăn có thêm dụng cụ chứa nước sạch phục vụ sinh hoạt. Nhất là về mùa khô và tránh được một số loại dịch bệnh do sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh gây ra, góp phần đảm bảo sức khỏe cho người dân, giúp người dân từng bước khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ông Lê Hồng Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu, cho biết: Từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, huyện Thuận Châu đã triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống vùng đồng bào DTTS. Nhiều công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện.

"Hiện nay, huyện đang tập trung rà soát, điều chỉnh vốn đối với các dự án, tiểu dự án đã hết đối tượng, cho các dự án, tiểu dự án còn đối tượng. Đối với các công trình đã hoàn thành nhưng bị hư hỏng do mưa lũ, tiếp tục lập phương án duy tu, bảo dưỡng, đảm bảo phục vụ đời sống, sản xuất cho Nhân dân", ông Lê Hồng Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu cho biết thêm.

Huyện Thuận Châu xác định phấn đấu nhiều hơn nữa, để mỗi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, để huyện hoàn thành thoát nghèo vào năm 2025 và trở thành huyện phát triển khá của tỉnh.

Tin cùng chuyên mục
Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Năm 2022, Nghệ An được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đây là tiền đề quan trọng để địa phương tiếp tục có những bước đi vững chắc trong công tác xóa mù chữ. Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, địa bàn cách trở… đang là những trở ngại đối với công tác xóa mù chữ, đòi hỏi tỉnh Nghệ An có những giải pháp phù hợp.