Trường hợp em Lô Văn Quy (sinh năm 2004) thôn Vĩnh Lợi, xã Hải Long, huyện miền núi Như Thanh là một ví dụ. Nghe lời dụ dỗ, lôi kéo của một số đối tượng xấu sang Campuchia làm việc trong một cơ sở lừa đảo trực tuyến. Để rồi chỉ hơn 2 tháng sau, gia đình em nhận được thông tin em đã bị mất nơi đất khách.
Bà Ngân Thị Hải - mẹ của em Quy chưa hết bàng hoàng đau xót kể lại: Cuối năm 2022, con trai bà rời nhà đi, gia đình không nắm được tin tức gì, cũng không biết Quy làm ăn ra sao. Đến tháng 1/2023 gia đình mới nhận được hung tin. Hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, phải nhờ đến sự hỗ trợ của chính quyền và Nhân dân, với rất nhiều công sức của các lực lượng chức năng mới đưa được hài cốt con trai về nước.
Cũng như gia đình bà Hải, gia đình ông Đới Xuân Phong, bà Nguyễn Thị Oanh ở thôn Ngọc Diêm 2, xã Quảng Chính, huyện Quảng Xương, có con trai là Đới Xuân Hậu, sinh năm 1992, vừa tử vong khi đi lao động trái phép tại Trung Quốc.
Theo lời kể của gia đình, tháng 8/2020 sau khi tốt nghiệp THPT, Hậu đã nghe theo lời bạn bè, xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê cho một cơ sở cắt kính.
Sau 2 năm làm việc tại đây trong tình trạng công việc vất vả, tiền không có, nên Hậu và một số công dân Việt Nam đã tìm cách “vượt biên” về nước. Trên đường trở về, Hậu và một công dân khác bị lạc trong rừng rồi tử vong.
Bà Nguyễn Thị Oanh - mẹ của nạn nhân Đới Xuân Hậu, buồn rầu kể lại, lúc con trai bà xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc gia đình có biết, nhưng không cản được, bởi ở nhà không có công ăn việc làm. Khi sang bên Trung Quốc, thỉnh thoảng em Hậu có gọi điện về nói cuộc sống bên đấy rất khó khăn, vất vả và thường xuyên bị giới chủ chèn ép, cắt lương, thậm chí bị bạo hành.
Qua thống kê, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có khoảng 2.635 trường hợp đang cư trú, lao động trái phép tại các nước. Phần lớn, những người xuất cảnh đi lao động trái phép ở nước ngoài đều đối mặt với nhiều rủi ro như bị bóc lột, hành hạ, làm không công, nếu không phục tùng còn bị đánh đập tàn bạo gây thương tích, thậm chí là tử vong. Một số người may mắn trốn thoát trở về thì cũng chỉ có hai bàn tay trắng.
Trước thực tế này, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã tăng cường nắm bắt tình hình để có các giải pháp ngăn chặn hiệu quả, kịp thời. Tuy nhiên, thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão, tình trạng các đối tượng xấu lợi dụng dụ dỗ, lôi kéo một bộ phận công dân Việt Nam nhẹ dạ, cả tin vào những lời giới thiệu việc nhẹ, lương cao để rồi theo chúng xuất cảnh sang Campuchia và các nước tiếp tục có những diễn biến phức tạp.
Ngày 12/1 vừa qua, Công an Thanh Hóa đã khởi tố và bắt tạm giam Dương Văn Huy (sinh năm 2004) ở xã Nga Thanh, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa về tội “Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép.
Đặc biệt, trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão, Công an một số huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã củng cố tài liệu, chứng cứ xử phạt hành chính 7 trường hợp, với tổng số tiền 25 triệu đồng về hành vi “Qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh" theo quy định của pháp luật.
Trung tá Nguyễn Thanh Bình - Trưởng phòng An ninh đối ngoại, Công an tỉnh Thanh Hóa, cho biết, thời gian tới, Công an tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân về phương thức, thủ đoạn lừa đảo xuất cảnh trái phép. Hướng dẫn người dân kịp thời phản ánh, tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động xuất cảnh trái phép.
Bên cạnh đó, Công an tỉnh Thanh Hóa cũng chỉ đạo lực lượng Công an thực hiện các biện pháp để ngăn chặn hoạt động xuất cảnh trái phép, trong đó tập trung triệt phá các đường dây môi giới xuất cảnh trái phép.