Biết có lực lượng dân quân xã đến giúp gia đình làm cỏ vườn hồ tiêu, anh Siu Nguyên (làng Hra, xã Ia Hla) phấn khởi lắm. Có lẽ sau những sai lầm mà bản thân mắc phải, anh cảm thấy bất ngờ khi được mọi người tha thứ và giúp đỡ tận tình đến vậy.
Siu Nguyên kể, tháng 6-2018, vì tin theo lời kẻ xấu xúi giục, anh đã bỏ lại vợ và 2 con để tìm đường
vượt biên. Khi đi, anh còn để lại cho vợ con khoản nợ 20 triệu đồng. Đây là số tiền anh vay mượn của người dân trong làng để mang theo. Đặt chân sang đất Thái Lan, Nguyên mới biết mình bị lừa. Tiền bạc không còn, lại bất đồng ngôn ngữ, anh sống lang thang, đói khát trên đất khách. Anh nhớ lại: “Khi bị bắt vào trại tị nạn, mình chỉ có một suy nghĩ là làm thế nào liên lạc được với gia đình, xin mọi người tha thứ và quay trở về làng để làm lại từ đầu. Tháng 8-2018, mình được trao trả về địa phương”. Nhờ sự giúp đỡ của dân làng và chính quyền địa phương, anh Nguyên đã nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng, yên tâm lao động sản xuất. “Kẻ xấu nói đi để đổi đời, không cần làm vẫn có cuộc sống giàu sang. Nhưng không có đâu, chúng lừa đảo đấy! Bây giờ, mình không tin kẻ xấu nữa. Mình ở lại làng với vợ con, tập trung chăm sóc 1 ha mì, 400 trụ hồ tiêu, 3 con bò”-anh Nguyên cho hay.
Tương tự, anh Rơ Lan Búa (cùng làng) cũng phải trả giá cho ảo tưởng của bản thân bằng gần 6 tháng sống lang thang trên đất Thái Lan. Nếm trải những ngày tháng cơ cực, đói khát nên Rơ Lan Búa luôn trân trọng cuộc sống hiện tại với vợ và 4 đứa con. “Không đâu bằng nhà mình, làng mình hết”-anh Búa chia sẻ. Được các cấp, các ngành hỗ trợ vay vốn 30 triệu đồng, anh đầu tư chăm sóc 800 cây cà phê, 2 sào lúa nước, 5 sào mì và nuôi rẽ bò để từng bước ổn định cuộc sống.
Đặc biệt, sau khi nhận ra sai lầm, cả Rơ Lan Búa và Siu Nguyên đều tích cực tham gia cùng các ban, ngành, đoàn thể địa phương tuyên truyền để bà con hiểu hơn về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. “Tôi kể lại hành trình của bản thân, những ngày tháng bị bỏ đói nơi đất khách để bà con hiểu rõ. Tôi cũng khuyên bà con nên cố gắng lao động, đừng nghe theo lời kẻ xấu xúi giục, lôi kéo, chỉ rước khổ vào thân”-anh Búa nói.
Theo thống kê, từ năm 2016 đến nay, huyện Chư Pưh có gần 50 đối tượng vượt biên, một nửa trong số này hiện đã trở về quê hương. Trước tình hình đó, Ban Chỉ huy Quân sự huyện đã tích cực tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn, xử lý các đối tượng vi phạm. Thiếu tá Phạm Hùng Chi-Chính trị viên phó Ban Chỉ huy Quân sự huyện Chư Pưh-cho biết: Đơn vị cử cán bộ, đặc biệt là cán bộ người dân tộc thiểu số phối hợp với các lực lượng bám nắm địa bàn, nắm thông tin và làm tốt công tác tuyên truyền, vận động; hỗ trợ ngày công lao động giúp các gia đình có người vượt biên trở về phát triển kinh tế, từng bước ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, đơn vị cũng tham mưu, phối hợp cùng chính quyền địa phương kết nối với ngân hàng tạo điều kiện giúp các đối tượng được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
(baogialai.com.vn)