Ưu tiên công tác tuyên truyền
Thanh Hóa là tỉnh có cơ cấu dân tộc phong phú, trong đó người Kinh chiếm đa số, cùng sự hiện diện của 6 dân tộc thiểu số gồm: Mường, Thái, Mông, Thổ, Dao và Khơ Mú. Các dân tộc này chủ yếu cư trú tại 11 huyện miền núi phía Tây tỉnh, nơi địa hình rộng lớn và đời sống kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn.
Nhằm đảm bảo hoàn thành cuộc điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số (DTTS) năm 2024 đúng tiến độ và đạt chất lượng, Thanh Hóa đã xác định công tác tuyên truyền phải được ưu tiên hàng đầu. Việc này giúp đồng bào dân tộc nhận thức rõ tầm quan trọng của cuộc điều tra, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình triển khai.
Trên cơ sở kế hoạch của tỉnh, huyện Lang Chánh đã xây dựng chương trình tuyên truyền chi tiết và triển khai đồng bộ xuống các xã, thị trấn. Các địa phương đã sử dụng đa dạng hình thức như in băng rôn, khẩu hiệu, phát thông tin qua hệ thống loa truyền thanh và các phương tiện truyền thông khác để lan tỏa thông điệp về ý nghĩa của cuộc điều tra.
Ông Lê Thế Anh, Chi cục trưởng Chi cục Thống kê huyện Lang Chánh, cho biết: “Tính đến 10h sáng ngày 29/7/2024, toàn bộ các địa bàn trong huyện đã hoàn thành thu thập thông tin. Sau đó, Chi cục Thống kê đã tổ chức nghiệm thu kết quả từ đội ngũ điều tra viên cấp xã và huyện, hoàn tất công tác nghiệm thu vào ngày 5/8/2024. Tài liệu điều tra được bàn giao cho Cục Thống kê Thanh Hóa đúng thời hạn, nhận được sự đánh giá cao về chất lượng thông tin thu thập.”
Dù có những thách thức đặc thù như địa bàn rộng, dân cư sống phân tán và việc điều tra chọn mẫu làm kéo dài thời gian di chuyển, nhưng nhờ sự hỗ trợ tích cực từ đội ngũ Người có uy tín, công tác tuyên truyền và vận động đã mang lại hiệu quả rõ rệt. "Sự phối hợp chặt chẽ của bà con đã góp phần quan trọng để cuộc điều tra diễn ra suôn sẻ và đúng tiến độ", ông Thế Anh nhấn mạnh.
Phát huy vai trò Người có uy tín
Là Bí thư Chi bộ kiêm Người có uy tín của thôn Chiềng Khạt, xã Đồng Lương, huyện Lang Chánh, bà Lê Thị Thời luôn đóng vai trò tích cực trong các hoạt động cộng đồng. Khi tham gia công tác tuyên truyền cho cuộc điều tra kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số (DTTS) năm 2024, bà đã trở thành cầu nối quan trọng giữa chính quyền và người dân.
Bà Thời chia sẻ: “Ban đầu, nhiều bà con chưa thực sự hiểu ý nghĩa của cuộc điều tra, một số người e ngại cung cấp thông tin. Tôi cùng các cán bộ xã đã đi từng nhà, giải thích cặn kẽ để bà con nắm rõ rằng, đây là cơ sở để Đảng và Nhà nước xây dựng các chính sách phù hợp, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào DTTS.”
Bằng cách nói chuyện chân thành, sử dụng ngôn ngữ dân tộc gần gũi, bà Thời đã giúp người dân hiểu rõ tầm quan trọng của việc cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác. Không chỉ dừng lại ở việc vận động, bà còn tích cực phối hợp với đội ngũ điều tra viên để giải quyết các khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện tại địa bàn.
“Khi thấy tôi cùng chính quyền kiên trì vận động, bà con dần tin tưởng và nhiệt tình hợp tác. Điều này không chỉ giúp cuộc điều tra hoàn thành đúng tiến độ mà còn củng cố niềm tin của người dân vào các chính sách của Nhà nước”, bà Thời tâm sự.
Huyện Ngọc Lặc là một trong những địa phương có quy mô điều tra lớn nhất tỉnh Thanh Hóa, với 87 địa bàn thuộc tất cả các xã, thị trấn trải dài trên các khu vực địa lý đa dạng. Việc tổ chức điều tra tại đây gặp không ít khó khăn, đặc biệt trên địa bàn rộng, với nhiều xã vùng núi cao và vùng núi thấp, nơi dân cư sinh sống rải rác và thưa thớt.
Ông Nguyễn Quang Huyền, Chi cục trưởng Chi cục Thống kê huyện Ngọc Lặc, chia sẻ: “Địa bàn rộng lớn khiến việc di chuyển của điều tra viên và giám sát viên trở nên vất vả, nhiều khu vực phải đi lại với cự ly trên 20km. Đặc biệt, dân cư phân tán đòi hỏi điều tra viên phải có năng lực, kiên nhẫn và tinh thần trách nhiệm cao để đảm bảo thu thập thông tin chính xác.”
Đặc điểm kinh tế, văn hóa, và xã hội khác nhau tại mỗi xã, thị trấn cũng là một thách thức lớn, đòi hỏi đội ngũ điều tra viên linh hoạt trong cách tiếp cận. Để đảm bảo chất lượng dữ liệu, huyện Ngọc Lặc đã thực hiện kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt trong suốt các khâu của cuộc điều tra.
“Bà con ở đây thường đi làm nương rẫy từ sáng sớm và chỉ trở về nhà vào buổi tối. Chúng tôi phải tranh thủ thời gian này để gặp gỡ, thu thập thông tin. Một số hộ dân do nhận thức chưa đầy đủ, lo ngại rằng cuộc điều tra có thể ảnh hưởng đến các chế độ ưu tiên nên e ngại, không khai thật hoặc giấu thông tin. Những lúc như vậy, chúng tôi phối hợp với trưởng bản và Người có uy tín để giải thích, vận động, giúp bà con hiểu rõ ý nghĩa và lợi ích của cuộc điều tra,” ông Huyền chia sẻ.
Theo ông Lê Minh Hành, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, cuộc tổng điều tra kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số (DTTS) năm 2024 là sự kiện quan trọng nhằm đánh giá toàn diện thực trạng kinh tế - xã hội của đồng bào DTTS, từ đó xây dựng chiến lược phát triển phù hợp.
Cuộc điều tra kết hợp giữa điều tra toàn bộ và điều tra chọn mẫu. Điều tra toàn bộ triển khai tại 184 xã, thị trấn, bao gồm 174 xã thuộc các khu vực I, II, III và 10 xã khác có địa bàn DTTS. Đối với điều tra chọn mẫu, Thanh Hóa có 651 địa bàn tại 19 huyện, thị xã, thành phố, trong đó 11 huyện miền núi, với tổng 20.826 hộ tham gia.
Đến ngày 15/8/2024, toàn tỉnh đã hoàn thành cuộc điều tra với khối lượng thông tin lớn và chính xác, nhờ sự phối hợp hiệu quả của các đơn vị và vai trò quan trọng của đội ngũ già làng, Người có uy tín.
“Để cuộc điều tra diễn ra thuận lợi, công tác tuyên truyền được triển khai sớm, đặc biệt chú trọng vai trò của già làng, Người có uy tín. Họ am hiểu tình hình, được bà con tin tưởng, giúp vận động đồng bào DTTS hợp tác cung cấp thông tin chính xác. UBND tỉnh cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan tạo điều kiện tối đa để đội ngũ này tham gia tích cực, góp phần vào thành công của cuộc điều tra.,”, ông Hành chia sẻ.