Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Thăng trầm cùng đá

Hồng Phúc - 09:59, 05/08/2020

Hàng chục năm nay, chợ đá quý Lục Yên, thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên (Yên Bái) trở thành chợ đá quý nổi tiếng mà dân buôn đá quý, người sành ngọc, khách du lịch khắp nơi tìm đến. Ở đây, ngoài những viên đá quý lên đến cả trăm triệu, cả tỷ đồng, còn có những chuyện kỳ thú, những quy tắc ngầm trong phiên chợ đá này cũng khiến người kinh doanh bên ngoài, hay khách đến mua phải ngỡ ngàng.

Chợ đá quý Lục Yên
Chợ đá quý Lục Yên

Quy tắc ngầm của chợ

Lần đầu đến phiên chợ đá quý Lục Yên, tôi cảm giác, khu chợ này được họp cũng giản dị đúng như một chợ nông sản miền núi. Không kể ngày nắng hay mưa, chợ đá quý đều họp từ khoảng 8h30 đến 11h30 sáng. 

“Đồ nghề” của những người bán hàng ở chợ đá quý Lục Yên trong mỗi phiên chợ chỉ gọn nhẹ là một chiếc hộp nhựa và chiếc điều khiển quạt máy. Người bán cũng tứ phương, có người quê ở Lục Yên, có người ở tỉnh khác, đến đây sống hòa thuận trong góc chợ nhỏ này. 

Với hơn 30 sạp hàng, những bà chủ ngồi san sát nhau ở những ô của mình, ranh giới giữa các hàng với nhau chỉ là một thanh thép, thế nhưng tất cả các người bán ở đây đều khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng, ở đây chưa bao giờ xảy ra mất trộm. Có khi không có mặt hàng xóm ở đấy, họ còn tư vấn hộ, chứ không chụp giật mà “cướp” khách bao giờ. Đó là quy tắc ngầm của chợ này. 

Vừa nhẹ nhàng lấy đá từ những túi Zip ra bày trên ô, chị Phùng Thị Chỉnh vừa nói với tôi: “Chợ Lục Yên này chẳng mất cắp bao giờ. Chúng tôi đoàn kết lắm, ai mà chẳng biết vất vả thế nào mới sở hữu được một viên đá, thế nên còn vô tư trông hàng giúp nhau khi người kia bận việc riêng. 

Trên mỗi sạp hàng là hàng chục viên đá đủ loại: Ruby, Saphia, thạch anh, Tuocmani… Ở chợ này, có người chuyên bán đá đã chế tác thành các hình khối, mặt nhẫn… người thì chuyên đá gốc, đá thô. Mỗi loại hàng chục viên lớn, nhỏ hay kích thước na ná nhau, chỉ khác số lượng cạnh, cách mài hay vài dấu vết mà chỉ họ mới biết. Bảo rằng sở hữu bộ não “siêu việt” khi nhớ giá từng viên một, họ chỉ cười: “Trời sinh ra mỗi người một việc mà”. 

Thăng trầm theo đá 

Dù có kinh nghiệm mấy, nhưng người bán đá ở đây cũng chẳng ít lần ngậm trái đắng mặc dù đã “soi” từng ly. Đó là khi viên Ruby thô dính “vệt cháo, vệt cước”, là lỗi màu tạp và các tinh thể dạng kim Rutil, ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị của viên đá đó.

Bà Trần Xuân (51 tuổi) đã có hơn 30 năm buôn bán ở chợ ngọc Lục Yên. Giở viên Ruby có giá gần 20 triệu đồng cho tôi xem, bà Xuân nói vẫn chưa phải loại thượng hạng. 

“Buôn bán đá có được một viên Ruby hoàn mỹ là một may mắn trong cuộc đời. Cuộc đời chúng tôi cũng thăng trầm theo đá vậy, lúc lên lúc xuống, có khi được giá, có khi lại mất, có người mất cả nghiệp, có người lại lên đời. Nhưng mà đã gắn bó với cái nghiệp đá này thì khó bỏ lắm”, bà Xuân chia sẻ. 

Dễ thấy, 100% các chủ tiệm đá ở Lục Yên này đều là nữ. Một gia đình ở đây thông thường chồng đi thu mua đá ở các mỏ, các bãi còn vợ thì đem ra chợ bán. Nhìn cách họ xoa dầu bóng tóc lên các viên đá rồi nâng niu, khách cũng không nỡ mà nặng tay. Kẻ mua, người bán đều xuýt xoa, trầm trồ và dè dặt ngưỡng vọng những viên ngọc đỏ - báu vật trời đất ưu ái ban tặng riêng cho vùng đất này. 

Buôn bán vừa vui vừa có tiền, lúc thì vài trăm, vài triệu hay vài chục triệu đồng hoặc là mất cả. Nhưng hơn hết, những người ở đây đều cố gắng giữ gìn nét văn hóa của chợ đá Lục Yên như một bản sắc không đâu có được của vùng đất ngọc. 

Tin cùng chuyên mục
Kiến trúc di sản nhà rường Huế trong dòng chảy hiện đại

Kiến trúc di sản nhà rường Huế trong dòng chảy hiện đại

Trong kiến trúc xây dựng xưa cũ, nhà rường Huế là một phần quan trọng, độc đáo của văn hóa Huế. Trong dòng chảy hiện đại, kiến trúc di sản nhà rường Huế với tuổi đời gần 400 năm đã xuất hiện những xu thế tích cực, phù hợp với mục đích và công năng sử dụng mới.