Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Yên Bái: Đổ xô lên núi tìm đá quý từ tin đồn thất thiệt

PV - 11:03, 13/07/2019

Từ những thông tin vu vơ trên mạng vậy mà những ngày gần đây đã có hàng trăm người dân trên địa bàn tỉnh Yên Bái bỏ nhà cửa đổ xô lên bãi Bưởi (thuộc diện tích rừng tự nhiên của thôn Chính Quân, xã Liễu Đô, huyện Lục Yên) để đào đá quý, mong có cơ hội đổi đời.

Hàng trăm người đổ lên bãi Bưởi tìm đá quý. Hàng trăm người đổ lên bãi Bưởi tìm đá quý.

Tan hoang bãi Bưởi

Sau khi vượt núi đá tai mèo, đến một dải đất chạy dọc theo khe núi, bãi Bưởi hiện ra trước mắt chúng tôi với hàng trăm người đang hì hục đào bới đất. Ngừng tay trong giây lát, vợ chồng chị Hoàng Thị Hiền, dân tộc Tày ở thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên thuộc diện hộ nghèo của huyện chia sẻ, những ngày qua, nghe thông tin có nhiều người kiếm tiền tỷ nhờ đào được đá quý, hai vợ chồng chị quyết định nghỉ nương rẫy để lên núi tìm vận may. Thế nhưng, sau nhiều ngày đào bới, chị chỉ toàn thấy đất với đá hộc. Giờ đây tiền mang theo đi đường đã hết, chị cũng chưa biết sẽ xoay xở như thế nào.

Cách đó không xa, anh Nông Văn Thể cùng 5 người ở xã Vĩnh Lạc, huyện Lục Yên rủ nhau lên núi đào đá quý. Sau nửa ngày đào bới, nhóm của anh tìm thấy được vài cục đá. Tưởng chừng như gặp may mắn nhưng khi đập ra chỉ là những viên đá sỉ. Anh Nông Văn Thể cho biết, thấy các trang mạng xã hội chia sẻ là trên núi có đá quý, có người bán được mấy tỷ đồng, anh cũng thử tìm vận may. Thế nhưng, sau nửa ngày đào bới vất vả, nhóm của anh không tìm được viên đá quý nào.

Thông tin bãi Bưởi có nhiều đá quý với giá trị cao xuất hiện từ giữa tháng 6/2019. Chỉ một thời gian ngắn, hàng trăm người dân đã lên núi thử vận may, ngày cao điểm, số người ở trên núi lên đến 500-600 người. Đá quý chưa thấy đâu nhưng đất đã bị cày xới, cây cối bị chặt phá, xuất hiện các hố sâu vài mét; khi khai thác dưới những khe đá lớn và không có trang bị bảo hộ, tiềm ẩn nguy hiểm đến tính mạng. Cùng với đó là nguy cơ xảy ra xô xát, tranh chấp khu vực khai thác.

Tăng cường công tác tuyên truyền

Để xác minh thông tin trên, chúng tôi tìm gặp ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch UBND huyện Lục Yên. Tại buổi làm việc, ông Thịnh khẳng định: “Sau khi có thông tin người dân đào được viên đá quý trị giá 5 tỷ đồng tại khu vực bãi Bưởi, chúng tôi đã cử người tìm hiểu. Thế nhưng qua xác minh thì thông tin trên là không chính xác. Đây chỉ là thông tin xuất hiện vu vơ trên mạng xã hội”.

Thế nhưng sau khi thông tin này xuất hiện, hàng trăm người đổ về địa phương đào xới khắp nơi, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn lao động, mất an ninh trật tự. Để ngăn chặn tình trạng này, UBND huyện Lục Yên đã thành lập Tổ công tác liên ngành và triển khai 3 chốt chặn tại thị trấn Yên Thế (2 chốt), xã Liễu Đô (1 chốt), đồng thời, cử lực lượng lên khu vực núi đá vận động người dân trở về địa phương.

Ông Tăng Văn Thập, Phó Chủ tịch UBND xã Liễu Đô cũng cho biết, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng đã tăng cường tuyên truyền cho người dân về việc tự ý khai thác khoáng sản là vi phạm pháp luật; đồng thời, lập danh sách những người tham gia đào đá để vận động xuống núi. Đồng thời, chỉ đạo thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể huyện tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, nghiêm cấm cán bộ, đảng viên, người lao động không tham gia các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép...

Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều người dân mê muội đến tìm đá quý. Vì vậy, bên cạnh các biện pháp tuyên truyền vận động, chính quyền có thể sẽ áp dụng các biện pháp mạnh tay đối với những người cố tình vi phạm.

ĐÔNG XUYÊN - TUẤN ANH

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.