Chị Vàng A Dế, xã Mường Lý cho biết, nhà chị cách trung tâm huyện hơn 20km, đường sá đi lại khó khăn, hơn nữa quanh năm làm nương rẫy, hiếm khi chị Dế được xuống thị trấn. Tết Độc lập 2/9, cũng là ngày lễ lớn mà cả nhà chị mong chờ. Vì đây là dịp tất cả mọi người được nghỉ ngơi, ăn mặc đẹp để xuống chợ, đi chơi. Vui nhất trong dịp này có rất nhiều đặc sản, sản phẩm của bà con từ khắp nơi được đưa xuống chợ để bán, trao đổi hàng hóa tiêu dùng, nên mọi người tha hồ lựa chọn.
Những năm trước, như thông lệ, ngay chiều ngày 31/8, ngoài đồng bào Mông huyện Mường Lát, còn có rất đông những chàng trai, cô gái Mông đến từ các bản xa xôi như Mùa Xuân, Xía Nọi, xã Sơn Thủy, bản Ché Lầu, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn và đồng bào Mông huyện Quan Hóa, họ vượt hàng chục, cả trăm km đường rừng đến với trung tâm huyện Mường Lát để vui chơi trong ngày tết Độc lập.
Riêng với những chàng trai, cô gái, trong dịp chung vui tết Độc lập còn là dịp để gặp gỡ, làm quen và nên duyên với những người mình yêu. Nhiều người nên vợ, nên chồng cũng từ những cuộc vui dịp tết Độc lập.
Theo ông Lương Minh Thông, nguyên Bí thư Huyện ủy Mường Lát, ý nghĩa của tết Độc lập gắn liền với lịch sử đấu tranh và cuộc sống của người Mông qua nhiều thập kỷ. Trước đây, người Mông chỉ sống trên những ngọn núi cao hoặc trong rừng sâu, họ cứ men theo các con suối lên những ngọn đồi cao để lập bản, làng sinh sống. Đồng bào Mông không giao lưu với các dân tộc khác mà sống biệt lập đời này sang đời khác. Từ ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập 2/9, người Mông mới thay đổi nhận thức, họ xuống núi giao lưu với các dân tộc khác. Đó được xem như một cuộc cách mạng giải phóng về tư tưởng và ý thức hệ trong đồng bào dân tộc Mông.
Ngoài lễ, hội truyền thống, trong một năm, đồng bào Mông ở Thanh Hóa đón hai cái tết lớn, là tết Nguyên đán và tết Độc lập. Nhưng đồng bào Mông đón tết Độc lập to hơn cả. Đặc biệt, những năm gần đây, đồng bào được thụ hưởng nhiều chương trình, dự án, chính sách dân tộc, cuộc sống ngày càng phát triển, no ấm nên việc ăn tết Độc lập càng được bà con quan tâm, chuẩn bị chu đáo hơn. Trẻ con cũng được cha mẹ, ông bà mua quà bánh và quần áo mới.
Ông Sung Văn Pó, bản Chim, xã Nhi Sơn cho biết, dịp này, các gia đình thường mổ lợn, trâu, gà… làm lễ cúng mời ông bà tổ tiên. Trước đó, đồng bào ở nhiều bản còn góp gà, lợn, gạo, rau củ, mở tiệc cùng nhau ăn mừng, múa hát suốt một ngày đêm. Sau đó, sẽ cùng nhau đi chơi phố huyện, chơi chợ hoặc đi thăm hỏi bà con, họ hàng ở xa.
Để có sân chơi cho đồng bào vui chơi đón tết Độc lập, hằng năm, huyện Mường Lát đều tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao như: Đẩy gậy, ném còn, kéo co, đánh bóng chuyền… Ngoài ra, để cuộc vui thêm phần thú vị, ban tổ chức còn tổ chức thi nấu thắng cố, giao lưu văn nghệ để phục vụ đồng bào.
Ông Vi Văn Hùng, Chánh Văn phòng UBND huyện Mường Lát cho biết, năm nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nên huyện hạn chế tổ chức các hoạt động vui chơi cộng đồng như những năm trước. Tuy nhiên, người dân địa phương không bị cấm đi lại, bà con vẫn tự tổ chức ăn tết Độc lập 2/9 theo cách riêng để bảo đảm phòng dịch.