Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Phóng sự

Cây lanh trong đời sống của đồng bào Mông

Thanh Huyền - 14:35, 17/07/2020

Từ bao đời nay, người Mông đã truyền nhau câu nói: “Ở đâu có cây lanh, ở đó có người Mông”, để nói về ý nghĩa, tầm quan trọng của cây lanh trong đời sống người Mông. Cây lanh đã ăn sâu vào đời sống tín ngưỡng, tâm linh, trở thành biểu tượng văn hóa của đồng bào Mông.

Cây lanh có vai trò rất quan trọng trong cuộc sống của đồng bào Mông. (Trong ảnh: Phụ nữ Mông xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ đang tạo ra các sản phẩm từ lanh)
Cây lanh có vai trò rất quan trọng trong cuộc sống của đồng bào Mông. (Trong ảnh: Phụ nữ Mông xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ đang tạo ra các sản phẩm từ lanh)

Đối với người phụ nữ Mông, khi sinh ra, lớn lên phải biết trồng lanh, dệt vải. Đến với vùng đồng bào dân tộc Mông ở Quản Bạ (Hà Giang), chúng ta dễ dàng nhận thấy điều này.

Xã Thái An (huyện Quản Bạ) có 561 hộ, trong đó có 97% số hộ là đồng bào Mông. Toàn xã có 20ha cây lanh. Tất cả các hộ gia đình người Mông đều trồng lanh, hộ ít cũng phải có 40 - 50m2 đất trồng lanh. Các hộ trồng lanh với mục đích để tự mình dệt vải may áo, váy. Sợi lanh còn sử dụng nhiều trong cuộc sống hằng ngày, như: Lễ, tết, ma chay, hiếu hỉ… 

Ông Sùng Mý Lùng, Bí thư Đảng xã Thái An chia sẻ: Cây lanh ngoài mục đích chính lấy sợi dệt vải, còn là vật liệu được người Mông sử dụng trong hầu hết các phong tục, tín ngưỡng của đồng bào. Ví dụ như khi làm nhà, người Mông sử dụng những sợi lanh thay thế cho lạt để buộc kèo, xà, cánh cửa, tấm ván ghép... Bởi, sợi lanh sau khi phơi nắng sẽ rất dai và không bị mục. Theo quan niệm của người Mông, cây lanh có sức sống vĩnh cửu, nên họ dùng lanh để buộc với ý nghĩa hy vọng ngôi nhà của mình sẽ được bền vững. 

Trong cưới xin, người Mông có quy định trang phục cưới của cô dâu, chú rể phải là những bộ trang phục làm từ vải lanh, được thêu thùa rất kỳ công. Trong lễ tang, người Mông quy định trang phục từ quần áo cho đến giày, dép của người quá cố phải làm từ vải lanh, như sợi dây kết nối với ông bà, tổ tiên; chiếc trống trong lễ tang cũng buộc bằng vải lanh…

Ngoài ra, cây lanh còn được sử dụng trong văn hóa ẩm thực. Lá lanh thường được người Mông sử dụng như một thứ gia vị, phụ gia để tăng sự hấp dẫn cho món ăn, mang hương vị đặc trưng của đồng bào Mông. 

Phụ nữ Mông luôn gắn với nghề trồng lanh dệt vải. Ảnh: Tư liệu
Phụ nữ Mông luôn gắn với nghề trồng lanh dệt vải. Ảnh: Tư liệu

Tại xã Lùng Tám (huyện Quản Bạ), đồng bào Mông có nghề dệt lanh truyền thống đã được công nhận sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm). Từ tấm vải lanh, qua đôi bàn tay khéo léo, tinh xảo của người phụ nữ Mông đã trở thành những bộ quần áo, váy, khăn túi... mang tính thẩm mĩ cao, phù hợp với đặc điểm địa hình, khí hậu vùng cao.

Bà Vàng Thị Mai, thôn Hợp Tiến, xã Lùng Tám chia sẻ: “Yếu tố quan trọng đầu tiên trong trồng lanh là việc chọn đất. Đất có tốt mới cho chất lượng lanh tốt, năng suất cao. Cây lanh sau khi thu hoạch sẽ được phơi nắng, phơi sương, để vỏ lanh săn lại, mềm và dai. Sau khi phơi xong, lanh được tước sợi. Trải qua 41 công đoạn mới cho ra những sản phẩm từ lanh”. 

Bà Mai còn cho biết, nhờ nghề dệt lanh phát triển, nên những người phụ nữ Mông nơi đây luôn gắn liền với nghề trồng lanh, dệt vải, gắn bó sợi lanh như là vật bất ly thân của họ. Họ duy trì nghề dệt vải, bên cạnh lợi ích kinh tế, ý nghĩa của các sản phẩm được tạo ra từ lanh còn nhắc nhở về một loài cây mang ý thức của một tộc người, nhắc nhở họ luôn luôn nhớ về cội nguồn.

Trải qua bao thăng trầm, cây lanh đã và sẽ luôn gắn bó với đời sống người Mông như một vật không thể thiếu. Chính vì vậy mà cây lanh còn đi vào thơ ca, trở thành biểu tượng của tình yêu, niềm khát khao hạnh phúc… của người Mông: “Giá thân em là sợi lanh, sợi tơ/ Anh quấn vào người để sợi cùng anh ở/ Giá mình em là sợi lanh sợi chỉ/ Anh sẽ cuốn vào người để sợi cùng anh đi”…

Tin cùng chuyên mục
Những cuộc di cư bất đắc dĩ vì... sạt lở đất

Những cuộc di cư bất đắc dĩ vì... sạt lở đất

Thành lệ, mỗi khi có mưa kéo dài, nhiều hộ gia đình vùng miền núi Nghệ An lại tất tả di cư để bảo vệ tính mạng. Những cuộc di cư bất đắc dĩ ấy, lại khởi đầu cho một cuộc sống mới khó khăn, vất vả hơn khi mà chốn ở cũ đã bị núi sụt, lũ quét vùi lấp.