Năm học 2019 - 2020, Trường THPT Trần Hưng Đạo và THCS Cư Drăm có hơn 400 học sinh dân tộc Nông ở các thôn vùng sâu của xã Cư Drăm. Em nào nhà gần trường nhất cũng cách 10 km, còn ở xa như thôn Cư Dhắt thì gần 30 km.
Do đường xa nên nhiều em phải ở lại. Số lượng học sinh ở lại quá đông, dù đã có khu bán trú được xây dựng tại Trường THPT Trần Hưng Đạo nhưng vẫn có hơn 40 em phải trọ học trong những căn lều tạm bợ, ẩm thấp, chật chội do gia đình thuê đất dựng tạm. Mỗi căn lều chỉ diện tích khoảng 4 m2 nhưng có từ 4 - 6 em (cả nam và nữ) ở; chủ nhà chỉ lắp 1 bóng đèn 10W và chỉ bật sáng đến hơn 8 giờ tối.
Đáng ngại là các em ở một mình, không có sự quản lý của gia đình nên nảy sinh rất nhiều vấn đề phức tạp... Nhiều em ngoài giờ học đi chơi trò chơi điện tử dẫn đến sa đà, nghiện game rồi bỏ học; nhiều nữ sinh bỏ học giữa chừng để lấy chồng; một số gia đình do ở xa không có điều kiện đưa đón nên giao xe máy phân khối lớn cho con khi các em chưa đủ tuổi sử dụng; nhiều em thường rủ nhau đi tắm suối vào ngày nghỉ…
Cũng do nhà xa, hơn 200 học sinh Trường THCS Cư Drăm và Trường THPT Trần Hưng Đạo hằng ngày phải đi về bằng xe buýt. Với những em ở cách trường hàng chục cây số, hằng ngày phải thức dậy từ 4 giờ để ăn uống rồi đi học, học buổi chiều thì phải đi từ lúc 10 giờ, nhiều hôm về đến nhà đã hơn 6 giờ tối.
Do hoàn cảnh khó khăn, nhà ở xa trường, nhận thức của nhiều phụ huynh còn hạn chế nên rất nhiều học sinh THCS, THPT bỏ học giữa chừng. Như hộ ông Giàng Văn Dũng (thôn Nao Huh) thuộc diện hộ nghèo từ nhiều năm nay do thiếu đất sản xuất lại đông con. Ông Dũng có 8 đứa con thì 2 đứa không được đi học, 3 đứa đã bỏ học khi đang học dở lớp 3, lớp 4. Hiện nhà có 2 đứa con đang học tiểu học nhưng cũng có nguy cơ bỏ học vì lực học yếu lại lười học.
Hay ông Vương Đình Quý (thôn Ea Luêh) có 7 đứa con; trong đó 2 đứa con gái đang học lớp 9 thì bỏ học lấy chồng khi mới 15 tuổi. Những đứa hiện còn đi học cũng có nguy cơ bỏ học do gia cảnh khó khăn, đường đến trường lại xa, vất vả.
Ở thôn Cư Dhắt, nhiều gia đình người Mông có con bỏ học giữa chừng cũng vì đông con, hoàn cảnh khó khăn, xa trường. Gia đình ông Giàng Seo Dìn có 7 con thì cả 7 đứa đều bỏ học do gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhà cách xa trường gần 30 km. Hay như gia đình ông Tráng A Dế có 6 đứa con nhưng cũng chẳng có đứa nào tốt nghiệp THPT.
Thiếu thốn về cơ sở vật chất trường học cũng là thách thức lớn đối với công tác giáo dục ở Cư Drăm. Trường THCS Cư Drăm và Trường Tiểu học Yang Hăn có tỷ lệ học sinh/lớp cao nhất huyện Krông Bông. Khi thảo luận biên chế lớp, do học sinh người dân tộc Hmông tăng nên Trường THCS Cư Drăm được Phòng GD-ĐT Krông Bông duyệt tăng từ 14 lên 17 lớp. Tuy nhiên, do huyện thiếu biên chế giáo viên, trường thiếu phòng học nên vẫn chỉ tổ chức được 14 lớp dẫn đến số lượng học sinh một lớp vượt quá 45 em, thậm chí 50 em/lớp.
Còn Trường Tiểu học Yang Hăn hiện có 946 học sinh (đa số là người Mông) ở 2 điểm trường cách nhau hơn 10 km nhưng chỉ có 15 phòng học nên trường chỉ tổ chức được 28 lớp dẫn đến lớp học quá tải vì tỷ lệ học sinh/lớp cao (hơn 35 em/lớp). Để đủ phòng học thực hiện dạy 2 buổi/ngày thì đến năm 2025, Trường Tiểu học Yang Hăn cần xây dựng thêm khoảng 25 phòng học; riêng năm học 2020 - 2021, trường cần xây thêm 4 phòng học cho lớp 1.
Thầy Phạm Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yang Hăn cho hay: “Cơ sở vật chất thiếu thốn nên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới rất khó khăn. Để học sinh lớp 1 năm học tới được học 2 buổi/ngày, nhà trường đang tính đến phương án vận động phụ huynh dựng phòng học tạm để các cháu có chỗ học”.