Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Tấm lòng của vợ chồng giáo viên vùng sâu

Lê Hường - 22:11, 11/07/2020

Với mong muốn ôn tập kiến thức cho những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, động viên các em không vì học yếu mà chán nản bỏ học, tạo hứng thú học tập, vợ chồng thầy Mai Văn Chuyền và cô Vũ Thị Nhung ở xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar (Đăk Lăk) đã tạo ngôi nhà của mình thành “Ngôi nhà trí tuệ” và mở lớp dạy miễn phí vào buổi tối cho các em học sinh nghèo trên địa bàn.

Tiết học đọc sách của thầy trò Trường THCS Ngô Mây.
Tiết học đọc sách của thầy trò Trường THCS Ngô Mây.

Từ “lớp học yêu thương”

Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Thể dục Thể thao Đà Nẵng, thầy Chuyền về Trường THCS Nguyễn Huệ ở xã Ea M’nang, Cư M’gar công tác. Năm 2015, thầy chuyển công tác sang Trường THCS Ngô Mây, xã Ea M’droh. Đây là xã nghèo nhất nhì huyện Cư M’gar, chủ yếu học sinh người DTTS, các em còn nhút nhát, e dè, khả năng ứng xử còn hạn chế. Tình trạng học sinh nghỉ học thường xuyên xảy ra, nhất là các kỳ nghỉ và vào vụ thu hoạch nông sản.

Để học sinh phát huy sở thích điểm mạnh của bản thân, tự tin, yêu thích tới trường, thầy Chuyền tổ chức nhiều phong trào, sân chơi như Câu lạc bộ (CLB) cờ vua, CLB đẩy gậy, thư viện sách cho học sinh sinh hoạt. Thầy ôn luyện, vận động các em tham gia các cuộc thi học sinh giỏi, hội khỏe Phù Đổng… Đặc biệt, thầy phối hợp cùng Đoàn xã Ea M’droh tổ chức và duy trì lớp học miễn phí mang tên “Lớp học yêu thương” giúp các em học lực yếu tự tin đến lớp, tiến bộ trong học tập.

“Trong quá trình giảng dạy ở trường, thấy học sinh bỏ học nhiều, điều kiện học tập ở nhà thiếu thốn, nhiều em không có góc học tập đầy đủ như bàn học, đèn… nên không có thói quen học bài khiến thầy cô trăn trở. Tôi chỉ muốn tạo môi trường và thói quen học bài, giúp các em học sinh tiến bộ hơn trong học tập, động viên các em không vì học yếu mà dẫn tới chán nản, bỏ học. Năm nay là năm thứ ba lớp học được duy trì và thật mừng vì số lượng học sinh đến lớp ngày càng tăng”, thầy Mai Văn Chuyền chia sẻ.

Đến “Ngôi nhà trí tuệ”

Với mong muốn mang đến một không gian giúp các em nhỏ vừa học vừa chơi, tự do khám phá và tìm được nhiều niềm vui, hơn 2 tháng trước, thầy Mai Văn Chuyền và vợ là cô Vũ Thị Nhung còn tạo ngôi nhà của mình thành “Ngôi nhà trí tuệ”, nhằm cung cấp những lớp học miễn phí cũng như những trò chơi trải nghiệm sáng tạo cho các em thiếu nhi trong xã Quảng Hiệp.

Ngôi nhà trí tuệ là nơi có các lớp học miễn phí như lớp học tiếng Anh, cờ vua… ngày cuối tuần đã thu hút nhiều học sinh tham gia. Đây cũng là nơi có “Tủ sách nhân ái” với hơn 1.000 đầu sách đủ thể loại, để cả học sinh và cả phụ huynh thoải mái đến đọc hoặc mượn mang về. Nhìn sổ theo dõi lượt mượn, trả sách ngày càng dày thêm thầy Chuyền vui vẻ khoe: “Từ khi có “Tủ sách nhân ái” và “Ngôi nhà trí tuệ”, ngày cuối tuần, nhiều gia đình đưa nhau đến đây vừa chơi vừa đọc sách. Nhờ đó mà gắn kết tình cảm gia đình, để con trẻ có thêm sự hiểu biết…”.

Tại “Ngôi nhà trí tuệ”, thầy cô giáo còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian, vận động, trải nghiệm sáng tạo như: Chơi ô ăn quan, Lego, xếp hình khối, nhảy bước… giúp các em sảng khoái, vui vẻ và hào hứng mỗi khi đến lớp.

Ngoài “Lớp học yêu thương”, “Ngôi nhà trí tuệ”, “Tủ sách nhân ái”, vợ chồng thầy Chuyền còn tổ chức nhiều hoạt động thiết thực chăm lo cho thế hệ tương lai như dạy bơi miễn phí, vận động tặng con giống, vận động xây “Nhà khăn quàng đỏ” tặng cho học sinh nghèo... Năm 2020, thầy giáo Mai Văn Chuyền vinh dự nhận Giải thưởng Lý Tự Trọng của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.