Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Tạo cơ hội nhiều hơn cho phụ nữ DTTS

Thanh Huyền - 12:46, 08/03/2020

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách quan tâm đến phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS). Tuy nhiên, so với mặt bằng chung, phụ nữ DTTS vẫn ở vị trí yếu thế hơn trong gia đình và ngoài xã hội. Vì vậy, tạo cơ hội nhiều hơn cho phụ nữ DTTS được tham gia các hoạt động chính trị, xã hội sẽ là nội dung được ưu tiên trong việc xây dựng chính sách, chương trình, dự án trong thời gian tới. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển có cuộc phỏng vấn bà Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam.

Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa (bên phải) tại Lễ trao tặng Mái ấm tình thương cho hội viên phụ nữ nghèo DTTS trong Chương trình đồng hành cùng phụ nữ biên cương tại xã A Ngo, huyện Đắk Rông, Quảng Trị (2019).
Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa (bên phải) tại Lễ trao tặng Mái ấm tình thương cho hội viên phụ nữ nghèo DTTS trong Chương trình đồng hành cùng phụ nữ biên cương tại xã A Ngo, huyện Đắk Rông, Quảng Trị (2019).

Thưa bà, để bảo đảm được sự công bằng cho phụ nữ DTTS, thời gian tới, các chính sách sẽ hướng tới những giải pháp gì, đặc biệt là vấn đề cải cách thể chế và tạo cơ hội nhiều hơn cho phụ nữ DTTS?

Theo tinh thần của Kết luận 65-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 88/2019/QH14, để bảo đảm được sự công bằng cho đồng bào DTTS và miền núi nói chung và phụ nữ DTTS nói riêng, các chính sách và vấn đề cải cách thể chế sẽ hướng tới các nhóm giải pháp lớn. Đồng thời, các chính sách phải được thực hiện đồng bộ để đầu tư, phát triển sản xuất, giảm nghèo nhanh, bền vững, cải thiện rõ rệt đời sống của phụ nữ và Nhân dân. Chú trọng lồng ghép các hoạt động nhằm thay đổi tập quán của người dân vùng DTTS, để phụ nữ tham gia một cách chủ động, được học tập, hòa nhập...

Có cơ chế để phụ nữ DTTS tiếp cận tốt hơn dịch vụ công, dịch vụ xã hội thiết yếu. Lồng ghép giới trong các dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, đặc biệt là việc đề xuất đưa các chỉ tiêu về giới, các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới, nhằm bảo đảm lồng ghép giới ở tất cả các giai đoạn của quá trình xây dựng các dự án…

Được biết, trong quá trình xây dựng Chương trình MTQG, vấn đề lồng ghép giới trong phát triển bền vững vùng DTTS và miền núi đã được đề cập đến. Vậy, vấn đề đặt ra ở đây là gì, thưa bà?

Để lồng ghép giới có hiệu quả, vấn đề đặt ra là: Chương trình cần bám sát nguyên tắc lồng ghép giới theo quy định của pháp luật. Trong quá trình xây dựng các dự án thành phần cần có sự đánh giá tác động giới trên 3 lĩnh vực: Tác động thúc đẩy bình đẳng giới với các hoạt động đề xuất được thiết kế có sự tham gia của nam giới, của cán bộ và cộng đồng. Hai là tác động kinh tế, trong đó, xây dựng các mô hình nền tảng về phát triển kinh tế tại chỗ, phát huy nội lực địa phương, phù hợp với trình độ và khả năng của phụ nữ DTTS.

Các hoạt động của Dự án số 8 “Thực hiện bình đẳng giới, giải quyết một số vấn đề xã hội cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng DTTS và miền núi” thuộc Chương trình MTQG, do Hội LHPN Việt Nam chủ trì đang được thiết kế, xây dựng theo các nguyên tắc trên.

Trong bối cảnh thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hợp quốc với nguyên tắc “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Việt Nam sẽ có những nỗ lực gì để chấm dứt bất bình đẳng giới ở vùng DTTS, thưa bà?

Trước hết chúng ta cần tăng cường quản trị bảo đảm bình đẳng giới với sự đầu tư hiệu quả vào nguồn vốn con người; có cơ chế phân bổ vốn dựa trên kết quả và có sự theo dõi đánh giá, có các chỉ tiêu cụ thể làm thước đo các hành động bảo đảm bình đẳng giới trong chính sách, chương trình, dự án nhất là các Chương trình MTQG…

Muốn vậy, cần có lăng kính giới trong công tác điều phối giữa các chương trình ở các cấp khác nhau; tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong bộ máy quản lý địa phương trong thiết kế, triển khai các hoạt động. Tập trung đầu tư cho phụ nữ và trẻ em gái ở các nhóm DTTS phát triển chậm nhất. Ưu tiên tiếp cận chăm sóc sức khỏe; đầu tư phát triển thể chất. Cung cấp kỹ năng theo cách tiếp cận đa ngành. Đầu tư học nghề. Tạo hệ thống thông tin thị trường lao động. Đồng thời, tăng cơ hội kinh tế cho phụ nữ DTTS…

Năm 2020, đất nước có nhiều sự kiện chính trị trọng đại, nhất là Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Bà mong muốn và kỳ vọng gì vào cơ cấu phụ nữ trong cấp ủy, khẳng định vị trí và sự lớn mạnh của phụ nữ Việt Nam nói chung, phụ nữ DTTS nói riêng?

Thời gian qua, Hội LHPN Việt Nam đã tích cực, chủ động, có nhiều điểm mới, sáng tạo trong tham mưu thực hiện nhiệm vụ công tác cán bộ nữ nói chung, cán bộ nữ DTTS nói riêng, góp phần khẳng định vị trí và sự lớn mạnh của phụ nữ Việt Nam. Tỷ lệ nữ cấp ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020 cấp tỉnh đạt 13,3%, cấp huyện đạt 14,3%, cấp cơ sở 19,69%, đều tăng so với nhiệm kỳ trước. Tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cả 3 cấp đều đạt trên 26%. Số lượng nữ ủy viên Bộ Chính trị: 3/18 người là nữ (trong đó có 1 nữ DTTS).

Về ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, có 20/196 ủy viên (cả dự khuyết và chính thức) là nữ, trong đó có 2/20 người là nữ DTTS đều là ủy viên chính thức. Trong Quốc hội khóa XIV có 131 đại biểu nữ/494 đại biểu (chiếm 27,01%); có 41 đại biểu nữ là người các DTTS (chiếm 32,30% tổng số đại biểu nữ)… Tuy nhiên, công tác cán bộ nữ, cán bộ người DTTS trong thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Tỷ lệ nữ cấp ủy viên chưa đạt chỉ tiêu 15% ở tất cả các cấp tại nhiều tỉnh vùng DTTS và miền núi.

Năm 2020, là năm diễn ra Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Hội LHPN Việt Nam tập trung công tác chuẩn bị nguồn nhân sự cán bộ nữ bảo đảm quy định: “Tỷ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên và có cán bộ nữ trong ban thường vụ”.

Trân trọng cảm ơn bà!

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.