Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 112/2024/NĐ-CPngày 11/9/2024 quy định chi tiết về đất trồng lúa. Trong đó nêu rõ chính sách hỗ trợ sản xuất lúa; đầu tư, hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho vùng quy hoạch trồng lúa chất lượng cao, các dự án sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính…
Theo đó, đất chuyên trồng lúa được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/ha/năm, tại vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao còn được hỗ trợ thêm 1,5 triệu đồng/ha/năm. Ngân sách nhà nước cũng hỗ trợ tối đa 100% kinh phí khi doanh nghiệp thực hiện đầu tư xây dựng công trình thủy lợi, giao thông tại vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao.
Đối với dự án áp dụng quy trình sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính được chứng nhận; dự án áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn; dự án sản xuất hữu cơ được chứng nhận; dự án liên kết sản xuất lúa theo chuỗi giá trị có diện tích 500ha trở lên; dự án chế biến sản phẩm lương thực, thực phẩm; dự án sản xuất chế phẩm sinh học, chế biến nguyên liệu và sản phẩm công nghệ cao từ lúa, gạo và phụ phẩm lúa, gạo đáp ứng theo quy định pháp luật về công nghệ cao có tổng mức đầu tư từ 30 tỷ đồng trở lên cũng sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa 40% nhưng không quá 15 tỷ đồng/dự án để mua sắm dây chuyền, thiết bị, công nghệ, bản quyền công nghệ.
Những quy định này có thể coi là “luồng gió mới” cho sự phát triển của ngành hàng lúa gạo. Bởi ngoài việc tăng mức hỗ trợ sản xuất lúa, đầu tư các hạng mục công trình… thì Nghị định số 112 đã đưa vào nhiều quy định hỗ trợ đầu tư cho các vùng trồng lúa chất lượng cao, tuần hoàn, hữu cơ, phát thải thấp. Đây là cơ sở, là “bàn đạp” góp phần quan trọng thực hiện tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo theo hướng nâng cao giá trị gia tăng. Thực tế, những năm gần đây, ngành lúa gạo đã có sự chuyển hướng mạnh mẽ từ lượng sang chất thông qua việc đẩy mạnh sản xuất lúa và xuất khẩu gạo chất lượng cao.
Kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam không ngừng tăng theo từng năm với giá bán nhiều thời điểm đạt mức cao nhất thế giới. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu gạo cả năm 2024 nhiều khả năng sẽ đạt con số kỷ lục, hơn 5 tỷ USD. Mặt khác, trong điều kiện ngành nông nghiệp đang tập trung triển khai Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, thì những chính sách hỗ trợ đầu tư mới theo Nghị định số 112 sẽ là sự tiếp sức kịp thời, hiệu quả đối với các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Để được hưởng chính sách hỗ trợ, Nghị định cũng quy định vùng trồng lúa giảm phát thải, tuần hoàn… phải có quy mô 500ha trở lên; dự án chế biến phải có tổng mức đầu tư từ 30 tỷ đồng trở lên… Điều này sẽ khuyến khích hình thành các vùng sản xuất lúa gạo quy mô lớn, các cơ sở chế biến hiện đại, thuận lợi cho việc ứng dụng khoa học-công nghệ, đồng thời cũng tạo ra một khối lượng sản phẩm lớn, đồng đều về chất lượng để phục vụ xuất khẩu, nâng cao giá trị gia tăng cho mặt hàng gạo và các sản phẩm chế biến sâu từ gạo của Việt Nam trên thị trường thế giới.