Kiểm kê khí nhà kính giúp Chính phủ kiểm soát, quản lý và có giải pháp giảm nhẹ, tiến đến Net Zero theo lộ trình đã cam kết.
Trái đất đang ngày càng nóng lên do tác động của hiệu ứng khí nhà kính. Hàng hoá của doanh nghiệp có phát thải khí nhà kính sẽ bị kiểm soát gắt gao, đánh thuế cao khi xuất khẩu đến các thị trường châu Âu, Mỹ. Nếu không có kế hoạch hoặc chậm triển khai giải pháp kiểm kê, giảm phát thải khí nhà kính thì hàng hoá của doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.
Nghị định 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 của Chính phủ quy định: Các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê, lập báo cáo phát thải khí nhà kính là cơ sở có mức phát thải hằng năm từ 3.000 tấn CO2 hoặc tương đương trở lên (1 tấn khí nhà kinh phát thải tương đương 1 TOE tuỳ từng loại năng lượng bị đốt cháy).
Nhằm khuyến khích bảo vệ môi trường bằng việc trồng thêm cây xanh, phát triển rừng và phát huy trách nhiệm xã hội của các nhà sản xuất có phát thải khí nhà kính, Các văn bản pháp quy cho phép sử dụng hạn ngạch (tín chỉ cacbon), giao dịch, chuyển đổi hạn ngạch nhằm giúp doanh nghiệp phát thải cao “cân bằng” khí thải, khuyến khích sản xuất xanh, kinh tế tuần hoàn.
Ngoài ra các giải pháp khoa học cũng giúp kiểm soát, giảm phát thải khí nhà kính bằng cách chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang sản xuất xanh – tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng gió, năng lượng mặt trời và các giải pháp kỹ thuật, công nghệ khác.
Tại Hội thảo, Tiến sĩ Trần Thiện Khánh – Trường Đại học An Giang đã có bài thuyết trình về giải pháp giảm nhẹ khí nhà kính, nêu bật vai trò của truyền thông cộng đồng, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường; sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả… Các nhà khoa học dự Hộị thảo đã tham gia giải đáp các câu hỏi của đại diện doanh nghiệp đặt ra tại Hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Văn Toản, Phó Giám đốc Sở Công thương Trần Thanh Toản đánh giá cao ý nghĩa, giá trị của Hội thảo đối với công tác bảo vệ môi trường và kế hoạch phát triển sản xuất của doanh nghiệp trong xu hướng toàn cầu hoá về chuyển đổi xanh – kinh tế tuần hoàn.
Dịp này Sở Công thương đặt hàng các nhà khoa học nghiên cứu thảo luận đề giải pháp thực hiện “1 triệu hecta lúa chất lượng cao giảm phát thải” được Chính phủ triển khai tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Các loại khí nhà kính phổ biến phát sinh từ quá trình đốt cháy năng lượng hoá thạch (xăng dầu), phân bón, máy làm lạnh không khí gồm: CO2 – carbon Dioxit; Metan – CH4 (phát sinh từ quá trình bón phân hoá học); Nitro Oxit; HFC – Hidro Fluorocarbon; PFC Perfluorocarbon; SF6 – Lưu huỳnh Hexafluorit.