Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Tâm huyết giữ gìn tiếng nói mẹ đẻ

Lý Viết Trường - 16:58, 30/07/2024

Bộ sách “Ngôn ngữ các dân tộc Thái - Kađai ở Việt Nam” là công trình nghiên cứu của Chương trình nghiên cứu Tai-Kadai Việt Nam, trực thuộc Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) nghiên cứu, biên soạn và xuất bản. Bộ sách gồm 5 tập, do PGS.TS Vương Toàn, Chủ nhiệm Chương trình và PGS.TS Phạm Văn Lợi, Trưởng phòng Nghiên cứu Khu vực học đồng chủ biên. Đây là tư liệu quý góp phần bảo tồn và phát triển ngôn ngữ Thái - Kađai ở Việt Nam trong đời sống hiện đại.

PGS.TS Vương Toàn, Chủ nhiệm Chương trình nghiên cứu Tai - Kadai Việt Nam.
PGS.TS Vương Toàn, Chủ nhiệm Chương trình nghiên cứu Tai - Kadai Việt Nam

Chương trình nghiên cứu Tai - Kadai Việt Nam được thành lập vào năm 1989 với mục tiêu bảo tồn và phát huy văn hóa, ngôn ngữ của các dân tộc Thái - Kađai. Bộ sách “Ngôn ngữ các dân tộc Thái - Kađai ở Việt Nam” là một trong những thành quả đáng tự hào nhất của Chương trình này trong thời gian từ năm 2022 - 2024. Bộ sách gồm 5 tập, với tổng cộng khoảng 5.000 trang, ghi chép và hệ thống hóa hệ thống từ vựng cơ bản của các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Thái - Kađai gồm: Thái, Tày, Nùng, Bố Y, Giáy, Lào, Lự và các nhóm Cao Lan (thuộc Sán Chay), Tống (thuộc dân tộc Pà Thẻn)… Điều đặc biệt là mọi nỗ lực biên soạn bộ sách này đều được thực hiện trên tinh thần tự nguyện, không có kinh phí hỗ trợ và không có thù lao cho cả chủ biên lẫn cộng tác viên. Tất cả các nhóm ngôn ngữ đều do chính những người con của dân tộc đó biên soạn, thể hiện sự gắn bó sâu sắc và tình yêu với ngôn ngữ mẹ đẻ.

PGS.TS Vương Toàn, Chủ nhiệm Chương trình nghiên cứu Tai - Kadai Việt Nam không chỉ là người khởi xướng dự án mà còn đóng vai trò đồng chủ biên, huy động cộng tác viên, trực tiếp viết giới thiệu, chỉnh sửa và bổ sung từ vựng để hoàn thành bộ sách quý giá.

Cộng tác viên Tống Đại Hồng (ngoài cùng bên phải) gặp gỡ người dân để biên soạn bảng từ vựng cho tập sách “Ngôn ngữ các dân tộc Thái - Kadai ở Việt Nam”.
Cộng tác viên Tống Đại Hồng (ngoài cùng bên phải) gặp gỡ người dân để biên soạn bảng từ vựng cho tập sách “Ngôn ngữ các dân tộc Thái - Kadai ở Việt Nam”

Dự án khởi thảo từ đầu năm 2022, trong điều kiện nguồn tài chính cực kỳ eo hẹp. Tuy nhiên, với tâm huyết và lòng yêu mến ngôn ngữ, PGS.TS Vương Toàn cùng những người con nhóm ngôn ngữ Thái – Kađai đã kiên trì miệt mài làm việc không ngừng nghỉ. Nhiều hôm, cả nhóm biên soạn phải thức trắng đêm cùng nhau thảo luận, chỉnh sửa và bổ sung từng từ vựng để đảm bảo tính chính xác và đầy đủ của bộ sách.

Cuối năm 2023, ba tập đầu tiên của bộ sách Ngôn ngữ các dân tộc Thái - Kađai ở Việt Nam đã được xuất bản. Ba tập sách gồm: Quyển 1: Từ vựng cơ bản các nhóm địa phương dân tộc Tày, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội (sách dày 712 trang); Quyển 2: Từ vựng cơ bản các nhóm địa phương dân tộc Thái, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội (sách dày 1.011 trang); Quyển 3: Từ vựng cơ bản các nhóm địa phương dân tộc Nùng, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội (sách dày 789 trang). Mỗi cuốn sách trong bộ sách được in 200 bản, phát hành theo chế độ giáo trình đại học.

Hiện nay, hai tập tiếp theo của bộ sách đang tiếp tục được các tác giả biên soạn và dự kiến sẽ xuất bản vào cuối năm 2024. Hai tập sách gồm: Quyển 4: Từ vựng cơ bản các nhóm ngôn ngữ các dân tộc Bố Y, Giáy, Lào, Lự và các nhóm Cao Lan, Thủy, Tống; Quyển 5: Bổ sung một số tiếng địa phương các dân tộc Tày, Thái và Nùng. Sau khi hoàn thành, Chương trình nghiên cứu Tai - Kadai Việt Nam dự kiến sẽ tổ chức một buổi tọa đàm giới thiệu bộ sách này nhằm lan tỏa tình yêu và giá trị của ngôn ngữ Thái - Kađai đến với cộng đồng. Đây sẽ là cơ hội để công chúng hiểu rõ hơn về công trình đồ sộ này cũng như tầm quan trọng của việc bảo tồn ngôn ngữ dân tộc.

3 cuốn sách “Ngôn ngữ các dân tộc Thái - Kađai ở Việt Nam” đã được xuất bản.
3 cuốn sách “Ngôn ngữ các dân tộc Thái - Kađai ở Việt Nam” đã được xuất bản

PGS.TS Vương Toàn, Chủ nhiệm Chương trình nghiên cứu Tai-Kadai Việt Nam chia sẻ: “Bộ sách này mang lại một bức tranh toàn diện về các tiếng địa phương (phương ngữ/thổ ngữ) của 17 ngôn ngữ, được công trình ngôn ngữ học cấp Nhà nước mới nhất (năm 2022) xác định. Đáng chú ý, một số ngôn ngữ đang đứng trước nguy cơ biến mất, như UNESCO cảnh báo tiếng Nùng Vẻn đang rất nguy cấp. Hay như chuyên gia Trần Hữu Sơn cho rằng, khó mà tìm được người còn biết ngôn ngữ Bố Y. Với sự ra đời của bộ sách, tiếng nói và văn hóa của các dân tộc trong hệ ngôn ngữ Thái - Kađai sẽ được lưu giữ và bảo tồn”.

Những nỗ lực không ngừng nghỉ của PGS.TS Vương Toàn và các cộng tác viên đã và đang góp phần quan trọng vào việc bảo tồn và phát triển ngôn ngữ Thái - Kađai. Hy vọng rằng, với sự hỗ trợ và đồng hành của cộng đồng, bộ sách này sẽ được hoàn thiện và lan tỏa, mang lại những giá trị bền vững cho ngôn ngữ và văn hóa của các DTTS.

Tin cùng chuyên mục
Kiến trúc di sản nhà rường Huế trong dòng chảy hiện đại

Kiến trúc di sản nhà rường Huế trong dòng chảy hiện đại

Trong kiến trúc xây dựng xưa cũ, nhà rường Huế là một phần quan trọng, độc đáo của văn hóa Huế. Trong dòng chảy hiện đại, kiến trúc di sản nhà rường Huế với tuổi đời gần 400 năm đã xuất hiện những xu thế tích cực, phù hợp với mục đích và công năng sử dụng mới.