Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Quảng Ngãi: Bảo tồn ngôn ngữ các DTTS bằng cơ sở dữ liệu điện tử

T.Nhân-H.Trường - 06:13, 22/04/2024

Có thể nói, ngôn ngữ là “hồn cốt” của mỗi dân tộc. Hầu hết các dân tộc đều có ngôn ngữ riêng, nhiều dân tộc có chữ viết riêng. Tuy nhiên, một vấn đề đáng lo ngại là ngôn ngữ của DTTS trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đang có nguy cơ bị mai một. Vì vậy, việc bảo tồn, gìn giữ ngôn ngữ các DTTS là vấn đề cấp thiết.

Khuyến khích học sinh DTTS sử dụng "tiếng mẹ đẻ" trong giao tiếp là một cách để bảo tồn ngôn ngữ
Khuyến khích học sinh DTTS sử dụng "tiếng mẹ đẻ" trong giao tiếp là một cách để bảo tồn ngôn ngữ

Ngôn ngữ, chữ viết của đồng bào DTTS có nguy cơ mai một

Tỉnh Quảng Ngãi có hơn 200 nghìn đồng bào DTTS (khoảng 15% dân số của tỉnh), trong đó có 3 DTTS có đông dân số là Hrê, Cor và Ca Dong. Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát huy mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Nhờ đó, đời sống người dân ngày được nâng cao, các giá trị văn hoá truyền thống được bảo tồn và phát huy. Song, mối lo lớn nhất hiện nay là đồng bào DTTS ít sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình.

Một trong những nguyên nhân khiến cho ngôn ngữ của đồng bào DTTS bị mai một là việc hình thành, lưu truyền bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS từ xưa tới nay, phần lớn thông qua tiếng nói và truyền miệng. Bên cạnh đó, quá trình phát triển, hội nhập kinh tế, giao thoa văn hóa diễn ra nhanh chóng đã tác động mạnh mẽ đến đời sống đồng bào DTTS. Nhiều người là DTTS ít sử dụng “tiếng mẹ đẻ” của mình trong giao tiếp hằng ngày. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều người DTTS, nhất là thanh, thiếu niên không nghe, nói được “tiếng mẹ đẻ”.

Ngoài ra, chính sách về việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của DTTS trong các cơ sở giáo dục chưa được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Do chưa có giáo trình dạy tiếng dân tộc trong nhà trường, cũng như chưa có giáo viên dạy tiếng DTTS đạt yêu cầu theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Để gìn giữ ngôn ngữ của các DTTS trên địa bàn tỉnh, Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi đã phối hợp với Trường Đại học Phạm Văn Đồng tổ chức các lớp giảng dạy tiếng đồng bào DTTS (Hrê và Co) cho cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên, nhất là những người đang công tác tại các huyện miền núi.

Đáng mừng là hiện nay, trên địa bàn các hiện miền núi có một số người tâm huyết đã dành nhiều công sức giữ gìn “tiếng mẹ đẻ”. Điển hình là ông Rô Đăm Bình, ở thị trấn Ba Tơ, huyện Ba Tơ đã dầy công nghiên cứu và đóng góp công sức vào xuất bản cuốn “Tài liệu đào tạo, bồi dưỡng tiếng Hrê dành cho cán bộ, công chức công tác ở miền núi và làm công tác dân tộc tỉnh Quảng Ngãi”. Đây đang là tài liệu duy nhất, chính thức sử dụng phục vụ giảng dạy tiếng Hrê ở các huyện miền núi trong tỉnh Quảng Ngãi.

Truyền dạy văn hoá truyền thống, kết hợp sử dụng "tiếng mẹ đẻ" cũng là cách làm hay để bảo tồn ngôn ngữ
Truyền dạy văn hoá truyền thống, kết hợp sử dụng "tiếng mẹ đẻ" cũng là cách làm hay để bảo tồn ngôn ngữ

Học tiếng Hrê, Co bằng cơ sở dữ liệu điện tử

Tỉnh Quảng Ngãi đang thực hiện Đề tài khoa học: “Xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử tiếng đồng bào DTTS Việt - Hrê, Việt - Co”. Được biết, Đề tài khoa học này do Thạc sỹ Trần Duy Linh, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh làm Chủ nhiệm Đề tài. Đồng Chủ nhiệm đề tài là Thạc sỹ Trần Văn Mẫn, Giám đốc Sở Xây dựng, nguyên Trưởng ban Dân tộc tỉnh.

Cơ sở dữ liệu điện tử tiếng đồng bào DTTS Việt – Hrê, Việt – Co là sản phẩm phần mềm thuộc Đề tài khoa học công nghệ của tỉnh Quảng Ngãi năm 2023. Đây là từ điển điện tử tiếng đồng bào DTTS Việt - Hrê, Việt - Co và ngược lại nhằm hỗ trợ công tác giảng dạy, học tập, nghiên cứu về tiếng nói, chữ viết của người Hrê, người Co.

Theo đó, cơ sở dữ liệu điện tử có trên 1.120 từ Hrê và 1.650 từ Co, cho phép tìm kiếm, tra cứu từ điển, các từ đều được dịch nghĩa, hướng dẫn phát âm, cung cấp các từ đồng nghĩa, ví dụ minh hoạ, có hình ảnh và các đoạn phim về phong tục, tập quán, văn hoá của đồng bào DTTS Hrê, Co. Giao diện phiên bản thử nghiệm Cơ sở dữ liệu điện tử tiếng đồng bào DTTS Việt – Hrê, Việt – Co. Bên cạnh đó còn có công cụ hỗ trợ gõ tiếng dân tộc (Hrê, Co) trên giao diện; được thiết kế linh hoạt, có chức năng thêm mới, cập nhật, chỉnh sửa từ ngữ, hình ảnh, tiếp nhận phản hồi và tương tác với người dùng…Đồng thời, cho phép khai thác và sử dụng trên nhiều thiết bị khác nhau như: máy vi tính, điện thoại thông minh, máy tính bảng.

Các thành viên hiện Đề tài khoa học: “Xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử tiếng đồng bào DTTS Việt - Hrê, Việt - Co” thảo luận , góp ý kiến hoàn chỉnh Đề tài
Các thành viên thực hiện Đề tài khoa học: “Xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử tiếng đồng bào DTTS Việt - Hrê, Việt - Co” thảo luận , góp ý kiến hoàn chỉnh Đề tài

Tiến sỹ Hoàng Thị Mỹ Lệ, Phó Trưởng khoa Công nghệ số, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng cho hay: Vì một số công việc có thể tiến hành song song mà không phụ thuộc nhau, đơn vị chủ trì và nhóm thực hiện Đề tài đã chủ động đẩy nhanh tiến độ của nội dung công việc, cụ thể là 03 công việc: lập trình xây dựng các mô - đun chức năng của Cơ sở dữ liệu phiên bản web, kiểm thử, hiệu chỉnh Cơ sở dữ liệu điện tử và cập nhật dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu điện tử. Kết quả đã hoàn thành sớm các nội dung công việc này trước 3 đến 4 tháng so với kế hoạch đặt ra.

"Đến thời điểm hiện tại, Tổ chức chủ trì đã tháo gỡ được những khó khăn tại 05 công việc bị chậm tiến độ và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công việc khác, đã có 04 công việc vượt tiến độ. Dự kiến hoàn thành các công việc bị chậm tiến độ trong quý I/2024. Như vậy, các công việc theo kế hoạch sẽ hoàn thành đúng tiến độ trong quý II/2024", Tiến sỹ Hoàng Thị Mỹ Lệ cho biết thêm.

Theo Thạc sỹ Trần Văn Mẫn, Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Ngãi, sự ra đời của Cơ sở dữ liệu điện tử tiếng đồng bào DTTS Việt – Hrê, Việt – Co nhằm hỗ trợ đồng bào DTTS ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc ở địa phương. Mặt khác, giúp cho người đồng bào DTTS học hỏi, nâng cao kiến thức, hòa nhập với sự phát triển chung của tỉnh, của đất nước; đồng thời cũng giúp cho các cá nhân người Kinh đang làm việc với người đồng bào có thể hiểu và giao tiếp thuận lợi hơn, qua đó truyền đạt các kiến thức, các chủ trương, chính sách của chính quyền đến người đồng bào, tiếp thu kinh nghiệm và các vấn đề của người đồng bào được sâu sắc hơn.

“Ngoài ra, Cơ sở dữ liệu điện tử tiếng đồng bào DTTS Việt – Hrê, Việt – Co sẽ là nơi lưu giữ ngôn ngữ, giá trị văn hóa truyền thống, hình ảnh, phong tục, tập quán của các DTTS trên địa bàn tỉnh, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống độc đáo của mỗi dân tộc, cùng hòa vào dòng chảy phát triển chung của đất nước”, ông Mẫn chia sẻ thêm.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.