Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Lạng Sơn: Dạy tiếng DTTS cho đội ngũ giáo viên

NGHĨA HIỆP - 11:29, 07/10/2019

Thực hiện Nghị định số 82/2010/NĐ-CP của Chính phủ về việc “dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên”, những năm qua, tỉnh Lạng Sơn đã sử dụng nguồn kinh phí của tỉnh tổ chức truyền dạy tiếng DTTS cho đội ngũ giáo viên trên địa bàn. Nhờ vậy, khoảng cách ngôn ngữ giữa thầy và trò được thu hẹp lại, mối liên kết giữa nhà trường với phụ huynh học sinh cũng trở nên gần gũi hơn.

Tiết học Giáo dục pháp luật bằng tiếng dân tộc thiểu số tại Trường THPT&THCS DTNT huyện Lộc Bình.
Tiết học Giáo dục pháp luật bằng tiếng dân tộc thiểu số tại Trường THPT&THCS DTNT huyện Lộc Bình.

Tỉnh Lạng Sơn có trên 83% dân số là người dân tộc thiểu số (DTTS), phần lớn là đồng bào dân tộc Nùng, Tày, Dao, Hoa, Sán Chay và Mông. Việc xây dựng đội ngũ giáo viên, thông thạo tiếng DTTS tại các Trung tâm Giáo dục Thường xuyên, Giáo dục nghề nghiệp, từ lâu đã là một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự phát triển giáo dục tại địa phương.

Ngay từ năm 2015, các lớp dạy-học tiếng nói, chữ viết của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã bắt đầu được tổ chức, thực hiện. Thông qua các lớp bồi dưỡng, nâng cao kiến thức về tiếng DTTS cho giáo viên vùng DTTS, miền núi và vùng có đông đồng bào DTTS nhưng chưa học tiếng DTTS để rút ngắn khoảng cách về ngôn ngữ, thuận tiện hơn trong học tập, công tác, sinh hoạt.

Bà Nguyễn Tú Oanh, Hiệu trưởng Trường THPT và THCS Dân tộc nội trú cho biết: “Những năm đầu tôi mới chuyển về Trường DTNT huyện Lộc Bình, việc giao tiếp với học sinh và trao đổi với phụ huynh còn gặp nhiều khó khăn, nhiều khi cần nhờ đến phiên dịch, vì thế tôi quyết tâm tham gia lớp học tiếng dân tộc để nâng cao kiến thức bản thân cũng như thu hẹp khoảng cách giữa giáo viên-học sinh, nhà trường-gia đình”.

Việc học ngôn ngữ dân tộc không chỉ giúp giáo viên thuận lợi giao tiếp hằng ngày với học sinh, mà còn giúp các thầy cô hiểu thêm về văn hóa, ngôn ngữ của các dân tộc anh em khác trên địa bàn. Ông Lương Văn Thắng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT&THCS DTNT huyện Lộc Bình cho biết: “Nhà trường thường xuyên tổ chức tiết học phổ biến, giáo dục pháp luật cho các em học sinh, trong tiết học giáo viên thường đan xen, những câu chuyện, câu ca dao, tục ngữ bằng tiếng dân tộc do thầy, cô tự sưu tầm để các em dễ hình dung, hiểu nội dung bài và nắm chắc kiến thức tốt hơn”.

Việc các thầy cô giáo nói tiếng dân tộc còn có ý nghĩa rất lớn đối với hơn 400 em học sinh trường DTNT huyện Lộc Bình nói riêng và học sinh các trường DTNT toàn tỉnh nói chung. Em Lương Văn Phản, dân tộc Dao, học sinh lớp 6 cho biết: “Đầu năm học 2019 em xuống nhập trường, do mới xa nhà và chưa quen với môi trường mới nên em rất lo sợ. Tuy nhiên, thầy cô giáo trong trường đã dùng tiếng dân tộc để giao tiếp với em, giúp em cảm thấy được gần gũi và thân thuộc hơn, nhờ vậy em cũng mạnh dạn hơn trong sinh hoạt và học tập”.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), hiện mỗi trung tâm giáo dục thường xuyên-giáo dục nghề nghiệp có tối thiểu 2 giáo viên đủ điều kiện tham gia giảng dạy tiếng DTTS. Mỗi năm, tối thiểu mỗi trung tâm mở được từ 1-2 lớp dạy tiếng DTTS cho 30-40 người. Giai đoạn 2017-2019, đã có trên 3.000 giáo viên của hơn 700 cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn được tham gia học, bồi dưỡng tiếng DTTS và được cấp chứng chỉ của Bộ GD&ĐT. 

Ngoài việc dạy và học tiếng DTTS ở các trung tâm, Sở GD&ĐT tổ chức dạy học tiếng DTTS cho các cán bộ, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú. Theo đó, hầu hết cán bộ quản lý, giáo viên 11/11 trường phổ thông dân tộc nội trú đều biết ít nhất 1 tiếng DTTS. Từ đó, ngoài việc dạy-học văn hóa bằng tiếng phổ thông, học sinh của các trường này còn được cán bộ, giáo viên quan tâm, phổ biến giáo dục pháp luật bằng tiếng dân tộc, lồng ghép dạy tiếng DTTS trong các hoạt động ngoại khóa, văn hóa văn nghệ… qua đó rút ngắn khoảng cách ngôn ngữ, giữ gìn văn hóa dân tộc và nâng cao chất lượng giáo dục.

Năm 2019 là năm thứ 7, Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các đơn vị có liên quan tổ chức Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu.

Đây là sự kiện được tổ chức thường niên nhằm tôn vinh truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam; Đồng thời, biểu dương, khích lệ tinh thần nhằm tạo ra động lực giúp các em tiếp tục nỗ lực, phấn đấu, rèn luyện để cống hiến cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước.

Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS xuất sắc tiêu biểu năm 2019 sẽ được tổ chức vào đầu tháng 11 tại Thủ đô Hà Nội. Lễ Tuyên dương năm nay sẽ có nhiều điểm mới trong khâu chọn lọc đối tượng, cách thức tổ chức cũng như nội dung chương trình.

Để cập nhật thông tin liên quan đến Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS xuất sắc tiêu biểu năm 2019, mời bạn đọc truy cập vào mục Giáo dục Banner Lễ Tuyên dương của Báo theo địa chỉ baodantoc.vn hoặc baodantoc.com.vn

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.