.Ngày 15/4, Vườn quốc gia Phước Bình (xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận) cho biết, thông qua việc thiết lập khu vực giám sát các loài động vật nguy cấp, quý hiếm tại đây, nhóm nghiên cứu của Vườn đã ghi nhận dấu vết của loài bò tót và các quần thể động vật quý hiếm khác, như vượn đen má vàng, chà vá chân đen, sơn dương, chồn hương
Cụ thể, thông qua bẫy ảnh, đã ghi nhận được dấu vết của loài bò tót ở 2 tuyến quan trắc là Gia Nhông và Đá Đen, với số lượng ước từ 13 - 17 cá thể.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng phát hiện dấu chân, dấu phân thải và các hoạt động khác của loài như bãi nghỉ, vết cà xước trên cây của các đàn bò tót.
Các địa điểm ghi nhận sự hiện diện của bầy bò tót hoang dã thông qua quan sát trực tiếp và gián tiếp đa phần là sinh cảnh rừng lá kim trên các sườn dông và trảng cỏ nằm xen kẽ các rừng thường xanh. Điều này có thể chỉ ra rằng, đây là những sinh cảnh ưa thích cho các hoạt động của loài bò tót tại Vườn Quốc gia Phước Bình.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu Vườn Quốc gia Phước Bình cũng đã ghi nhận các loại động vật quý hiếm, các loài động vật hoang dã khác, như vượn đen má vàng (Nomascus gabriellae), chà cá chân đen (Pygathrixnigripes), sơn dương (Capricornis sumatraensis), chồn hương (Viverricula indica), nai (Rusa unicolor)…
Những thông tin ghi nhận được từ hoạt động quan trắc lần này sẽ giúp giải thích rõ hơn những biến động về số lượng của loài, để có thể áp dụng các biện pháp quản lý, bảo tồn khác nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo tồn và phát triển các loài động vật quý hiếm.
Năm 2008, một sự kiện hiếm có, khi người dân địa phương phát hiện con bò tót đực cường tráng từ đại ngàn về làng, đuổi theo bò nhà ở khu vực nương rẫy dưới chân núi Tà Nin, thuộc Vườn Quốc gia Phước Bình.
Kết quả của những cuộc giao phối giữa bò tót và bò nhà đã cho ra đời hơn 12 con bò tót lai vượt trội về thể trọng và có các đặc điểm về lông, sừng... rất giống bố.
Để duy trì và phát triển nguồn gien quý hiếm này, đầu năm 2012, Sở Khoa học và Công nghệ của tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng thống nhất mua lại 10 con bò tót lai của người dân và tạo vùng khoanh nuôi phù hợp với môi trường sống của bò tót, để thực hiện đề tài khoa học nghiên cứu giám định di truyền và đánh giá khả năng phát triển của bò lai F1 giữa bò tót và bò nhà tại Vườn Quốc gia Phước Bình.
Đề tài liên tỉnh này được thực hiện với kinh phí hơn 1,9 tỷ đồng. Các kết quả nghiên cứu và tài sản của đề tài nêu trên đã bàn giao cho Trung tâm ứng dụng Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng để tiếp tục kế thừa chủ trì thực hiện đề tài cấp quốc gia "Khai thác và phát triển nguồn gien bò quý hiếm tại vùng giáp ranh 3 tỉnh Ninh Thuận - Lâm Đồng - Khánh Hòa" với tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng; đến tháng 6/2019 thì kết thúc đề tài.