Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Pù Mát đang lỡ hẹn…

An Yên - 10:10, 12/04/2024

Được xác định là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An do UNESCO công nhận, Pù Mát (huyện Con Cuông) có hệ động thực vật phong phú, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, cùng bản sắc văn hóa đồng bào DTTS phong phú, đặc sắc… Nhưng, bấy nhiêu vẫn chưa đủ, để nơi đây “cất cánh”, trở thành điểm đến hấp dẫn trên hành trình du lịch. Chúng tôi cứ mãi băn khoăn về một nỗi niềm, Pù Mát dường như đang lỡ hẹn quá lâu để có thể vươn tầm, xứng với tiềm năng sẵn có.

Dòng sông Giăng như dải lụa xanh chảy giữa Vườn quốc gia Pù Mát
Dòng sông Giăng như dải lụa xanh chảy giữa Vườn Quốc gia Pù Mát

Con Cuông là huyện vùng núi thấp, rất được thiên nhiêu ưu đãi về khí hậu và các điều kiện đối với phát triển du lịch. Như có nhiều thắng cảnh thiên nhiên nguyên sơ như thác Khe Kèm, khe Nước Mọc, đập Phà Lài, du thuyền Sông Giăng, Điểm du lịch Thắm Nàng Màn, Khu du lịch sinh thái Tạ Bó…; rừng nguyên sinh với hệ thống động, thực vật phong phú của Vườn quốc gia Pù Mát.

Thiên nhiên đã vậy, đất và người Con Cuông cũng rất mời gọi. Nếu lựa chọn loại hình du lịch cộng đồng, tham quan những di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng, thì phải kể đến Khu di tích nhà cụ Vi Văn Khang - nơi thành lập Chi bộ Đảng miền Tây đầu tiên, hang Ốc, bia Ma Nhai; rồi làng nghề dệt thổ cẩm, nghề nấu rượu cần, rượu men lá và trải nghiệm cuộc sống thường nhật với đồng bào Thái địa phương. Những địa chỉ du lịch cộng đồng như, bản Khe Rạn, bản Xiềng, bản Nưa… chính là những điểm đến hấp dẫn trong hành trình trải nghiệm của du khách.

Nổi bật nhất là địa danh Vườn Quốc gia Pù Mát, song địa danh này chưa phát huy được tiềm năng trong lĩnh vực phát triển kinh tế. Từng có người đã từng ví von: Vườn quốc gia Pù Mát như nàng công chúa ngủ quên trong rừng.

Nhìn trên bản đồ, Vườn Quốc gia Pù Mát với hệ động thực vật phong phú, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, chỉ là một nét phác thảo nhỏ về không gian rộng lớn của Khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An - vành đai xanh lớn nhất Đông Nam Á như UNESCO công nhận từ năm 2007.

Vườn quốc gia Pù Mát được ví như nàng công chúa ngủ quên trong rừng
Vườn Quốc gia Pù Mát được ví như nàng công chúa ngủ quên trong rừng

Vườn Quốc gia Pù Mát trong phạm vi quản lý có diện tích lên tới hơn 94.000 ha, trải rộng trên 3 huyện Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương. Điều nổi bật nhất trong rừng Pù Mát, là vùng rừng cây sa mu ngàn năm tuổi, trong đó có cây cao 70m, đường kính lên tới 5,5m, được xếp hạng cây di sản số 1 Việt Nam. 

Còn hệ động thực vật, cũng rất đa dạng khi sở hữu trên 2.494 loài thực vật, trong đó có 68 loài nằm trong Sách Đỏ Việt Nam. Pù Mát còn có hơn 132 loài thú, thuộc 11 bộ, 30 họ, trong đó có 42 loài thú lớn, 39 loài dơi và 51 loài thú nhỏ; tiêu biểu là các loài voi, hổ, sao la, vượn đen má trắng, chà vá chân nâu, khỉ đuôi lợn, mang trường sơn…

Chưa hết, Vườn Quốc gia Pù Mát còn có 324 loài chim, trong đó có 10 loài đặc biệt quý hiếm, như: Trĩ sao, công, gà lôi trắng, gà tiền; có khoảng 86 loài lưỡng cư và bò sát, 83 loài cá, 459 loài bướm và 78 loài kiến…

Giữa Vườn Quốc gia Pù Mát, khí hậu rất đỗi trong lành, mát mẻ. Đã từng có rất nhiều du khách ưa trải nghiệm mạo hiểm đã vượt thuyền trên sông Giăng để đến với vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát. Những thác, ghềnh tung bọt trắng xóa giữa màu xanh ngút ngàn… đã mang đến bao cảm giác mới lạ cho khách phương xa. Giữa vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát là “lãnh địa” của tộc người Đan Lai (dân tộc Chứt) - một tộc rất ít người, có tục ngủ ngồi kì bí, nhuốm màu liêu trai.

Những động vật quý hiếm trong rừng
Những động vật quý hiếm trong rừng

Từ năm 2015, Con Cuông đã được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt Đề án xây dựng thành thị xã theo hướng đô thị sinh thái, trong đó xác định tập trung khai thác du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Pù Mát; đầu tư xây dựng những khu du lịch sinh thái thác Kèm; đập Phà Lài, Văn phòng Vườn Quốc gia Pù Mát; khe Nước Mọc…; đầu tư xây dựng tương xứng các bản làng du lịch cộng đồng, khách sạn, trung tâm thương mại…

Nhưng, ngót một thập kỉ rồi, nơi đây đã có những gì?

Các dịch vụ đi kèm phục vụ cho hoạt động du lịch ở Pù Mát đã có những gì? Quá sơ sài và đơn điệu từ các dịch vụ vui chơi nghỉ dưỡng tại những điểm đến nơi đây và kể cả các khu vực lân cận trong phạm vi huyện Con Cuông.

Dẫu rằng, Tập đoàn Mường Thanh đã đầu tư một cụm khách sạn - siêu thị rất tiện nghi, nhưng vị trí đặt tại trung tâm huyện, thuộc xã Bồng Khê, nhưng bấy nhiêu cũng chỉ đảm bảo nhu cầu ăn - nghỉ như các khách sạn trong cùng hệ thống. Còn lại, chưa thể đáp ứng điều du khách mong muốn, đó là được thụ hưởng không gian nghỉ dưỡng sinh thái và những nhu cầu khác, khi khách du lịch đặt chân đến xứ sở được công nhận là Vườn Quốc gia Pù Mát, là Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An.

Du khách chèo thuyền trên sông Giăng vào vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát
Du khách chèo thuyền trên sông Giăng vào vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát

Những năm qua, cũng vì nhận thấy tiềm năng du lịch từ Vườn Quốc gia Pù Mát, huyện Con Cuông đã đề nghị, bố trí ổn định chỗ ở cho những hộ dân Đan Lai còn lại trong lõi rừng tại 2 bản Búng và Cò Phạt (vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát, thuộc xã Môn Sơn) để phát triển du lịch sinh thái.

 Theo đó, trên hành trình từ đập Phà Lài vào vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát, sẽ là Tuor du thuyền vượt thác ghềnh trên sông Giăng - khe Khặng. Tại 2 bản làng của người Đan Lai sẽ có các hoạt động văn hóa ẩm thực, khai thác tối ưu đặc trưng văn hóa của người Đan Lai, như: Múa cồng chiêng, bắn cung tên, trèo cột, ném còn…; sản xuất hàng lưu niệm từ vật liệu thiên nhiên là song, mây, mét và dệt thổ cẩm.

Nhưng, do suất đầu tư quá lớn, nên dự định, đề án này vẫn còn bỏ ngỏ. Mãi cho tới khi việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, dành những đầu tư, quan tâm cho tộc người Đan Lai ở vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát, thì một số công trình, hạ tầng vào 2 bản Búng và Cò Phạt mới được khởi công.

Nói như thế là để thấy, việc biến tiềm năng, lợi thế của Vườn Quốc gia Pù Mát vào mục đích kinh doanh, phục vụ du lịch là không hề dễ dàng.

Lợi thế khác của Vườn Quốc gia Pù Mát, là có cộng đồng bản Thái sinh sống hàng bao đời xung quanh, với nhiều nét văn hóa đậm đà bản sắc. Có những điểm du lịch bản Nưa, Khe Rạn, bản Xiền, khe Kèm, Phà Lài… từ lâu đã có chỗ đứng trong du khách. Đó chẳng phải là thêm một điểm nhấn khi du khách lựa chọn cho hành trình về với Con Cuông, về với Pù Mát hay sao?

Du khách trải nghiệm các hoạt động văn hóa với người dân bản Thái ở vùng đệm Vườn quốc gia Pù Mát
Du khách trải nghiệm các hoạt động văn hóa với người dân bản Thái ở vùng đệm Vườn Quốc gia Pù Mát

Con Cuông hiện là địa phương dẫn đầu tỉnh Nghệ An về tỷ lệ độ che phủ rừng, hiện nay là 82%. Điều đó cho thấy, công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên là rất hiệu quả. Nhưng, bảo vệ, đi liền với phát huy các lợi thế về đa dạng sinh học, danh lam thắng cảnh của Vườn Quốc gia Pù Mát để đa dạng hóa các loại hình sản phẩm du lịch giúp Con Cuông phát triển kinh tế - xã hội, trở thành đô thị du lịch sinh thái, như Đề án đã được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt năm 2015,  thì sẽ hay biết bao nhiêu. Khi ấy, không chỉ rừng cũng được bảo vệ, mà từ rừng là sinh kế cho bà con Đan Lai ở vùng lõi, bà con bản Thái sống trong vùng đệm Vườn quốc gia Pù Mát.

Ở tầm vĩ mô, Bộ Chính trị đã có hẳn Nghị quyết 39 ngày 18/7/2023 về phát triển kinh tế, xã hội miền Tây Nghệ An. Đó chắc chắn sẽ thêm một động lực lớn, mở ra vận hội mới để miền Tây nói chung, Con Cuông nói riêng hiện thực hóa khát vọng của mình.

Con Cuông không thể mãi như thế này. Vườn Quốc gia Pù Mát cũng sẽ chuyển mình, để không thể chỉ mãi là "nàng công chúa ngủ quên trong rừng". Mà muốn thế thì cần phải phải hành động thật nhanh. Hành lang pháp lý để khai phá Vườn Quốc gia Pù Mát phục vụ cho hoạt động du lịch là rất rộng lớn, chỉ có điều, những con người nhận trách nhiệm thực thi, sẽ làm như thế nào nữa mà thôi.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.