Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Bảo tồn nguồn gen bò tót lai quý hiếm ở Phước Bình

Thái Sơn Ngọc - 09:50, 04/03/2024

Chúng tôi có dịp đi cùng đội ngũ văn nghệ sĩ và báo chí tỉnh Ninh Thuận đến với huyện vùng cao Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận. Đây là chuyến đi thu thập nhiều thông tin, nhiều cảm xúc về đất và người quê hương Anh hùng lực lượng vũ trang Pinăng Tắc trên bước đường phát triển. Chúng tôi thật sự ấn tượng với đàn bò tót lai đang được nuôi dưỡng khỏe mạnh tại Vườn Quốc gia Phước Bình. Đàn bò tót lai cũng chính là điểm nhấn thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách đến với vùng đất du lịch sinh thái thượng nguồn sông Cái Phan Rang.

Vườn Quốc gia Phước Bình, nơi giao thoa 3 tỉnh Ninh Thuận - Lâm Đồng - Khánh Hòa.
Vườn Quốc gia Phước Bình, nơi giao thoa 3 tỉnh Ninh Thuận - Lâm Đồng - Khánh Hòa.

Mối giao duyên lý thú

Vườn Quốc gia Phước Bình là đơn vị duy nhất trong cả nước hiện nay đảm nhận việc nuôi dưỡng, chăm sóc chu đáo đàn bò tót lai sinh trưởng khỏe mạnh. Mối giao duyên lý thú giữa bò tót và bò nhà tạo ra những con lai F1 có vóc dáng cường tráng, thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học và du khách.

Vườn Quốc gia Phước Bình có độ cao 200- 1900 mét thuộc địa bàn xã Phước Bình, huyện Bác Ái. Vườn có diện tích 19.814 ha, được các nhà khoa học đánh giá là mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới của Việt Nam đặc trưng cho dạng rừng khô hạn của tỉnh Ninh Thuận. Là địa điểm lý tưởng trong nghiên cứu khoa học, bảo tồn và đa dạng sinh học. Vườn hiện có 327 loài động vật thuộc 94 họ, 28 bộ; trong đó có 69 loài quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam và sách đỏ thế giới. Nơi đây còn quần thể gần 80 con bò tót sinh sống theo bầy đàn. Từ cuối năm 2008, có một con bò tót đực lẻ bầy xuống núi thường xuyên “định cư” tại Tiểu khu 16, thuộc thôn Bạc Ray 2. Con bò tót này có chiều cao 1,7 mét, thân dài hơn 2 mét, nặng khoảng 1 tấn, nhập bầy với đàn bò cái của nông dân địa phương.

Thạc sĩ Nguyễn Anh Tuấn, cán bộ Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế (thuộc Vườn Quốc gia Phước Bình) giới thiệu kỹ thuật chăm sóc đàn bò tót lai.
Thạc sĩ Nguyễn Anh Tuấn, cán bộ Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế (thuộc Vườn Quốc gia Phước Bình) giới thiệu kỹ thuật chăm sóc đàn bò tót lai.

Sau hơn 6 năm “xuống núi”, con bò tót đực này lai tạo với đàn bò cái nhà, sinh sản đàn bê lai với khoảng 30 con có ngoại hình giống bò tót. Theo ghi nhận của cán bộ khoa học Vườn Quốc gia Phước Bình, những con bê lai F1 mau lớn sức vóc cường tráng hơn so với bê nhà cùng độ tuổi. Bê lai không có u vai và yếm rốn, đầu hơi nhỏ, trán rộng và lõm, mặt hình chữ V, sừng nhọn và phát triển sớm. Khi mới sinh, bê lai có lông màu nâu vàng hoặc xám nâu khác biệt so với bê nhà. Sau 3 - 4 tháng tuổi, màu lông bê lai chuyển dần sang nâu đen toàn thân, lông chân từ khuỷu xuống móng có màu trắng. Ngoại hình và màu lông bê lai F1 gần giống với bò tót.

Tuy nhiên, sau đó vào năm 2015, con bò tót đực đã bị chết do già yếu. Tiêu bản gồm có bộ da, cặp sừng và bộ xương con bò tót được trưng bày giới thiệu tại Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ môi trường rừng.

Du khách tham quan tiêu bản bò tót được trưng bày tại Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ môi trường rừng thuộc Vườn Quốc gia Phước Bình
Du khách tham quan tiêu bản bò tót được trưng bày tại Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ môi trường rừng thuộc Vườn Quốc gia Phước Bình.

Từ năm 2013, Dự án nuôi bò tót lai tại Vườn Quốc gia Phước Bình với tổng vốn đầu tư 1.929 triệu đồng, được triển khai tại 2 tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng. Trong đó, tỉnh Ninh Thuận đầu tư 928 triệu đồng, tỉnh Lâm Đồng đầu tư 1.001 triệu đồng. Trong thời gian 3 năm triển khai Dự án, Ban Quản lý Dự án đã triển khai các nội dung công việc như: Mua 10 con bê lai F1 làm đối tượng nghiên cứu giám định gen di truyền giữa bò tót và bò nhà; Nghiên cứu khả năng sinh trưởng của đàn bò lai F1 từ lúc sơ sinh đến 24 tháng tuổi và trưởng thành; Nghiên cứu khả năng sinh sản của đàn bò cái lai F1 để tạo ra đàn bê lai F2 bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo các giống bò đực chuyên thịt cao sản; Nghiên cứu khả năng sinh sản của bò cái nền lai Zê-bu, tạo ra đàn bê lai F2 bằng phương pháp phối giống trực tiếp với bò đực lai bò tót F1; Xây dựng chuồng trại, trồng cỏ, thuê mướn nhân công chăm sóc đàn bò, thuốc thú y…

Kỹ sư Não Duy Pháp, Trưởng Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế thuộc Vườn Quốc gia Phước Bình cho biết mối “giao duyên” giữa bò tót và bò nhà đã tạo nên một hiện tượng khoa học lý thú, hiếm gặp ở Việt Nam. Qua kết quả giám định ADN của các cơ quan chuyên môn cho thấy, các bò tót lai đều có nhiễm sắc thể là 2N = 58; trong khi đó cặp nhiễm sắc thể của bò nhà là 2N= 60; bò tót rừng là 2N = 56. Dù có sự khác biệt với bò nhà và bò tót rừng nhưng với cặp nhiễm sắc thể chẵn của các bò tót lai, các nhà khoa học khẳng định đã có cơ sở để cho lai giống với các giống bò khác, tạo ra thế hệ F2 với nhiều ưu thế vượt trội về tầm vóc, sự thích nghi với khí hậu khô hạn và chống chọi bệnh tật tốt hơn đàn bò nhà.

Cá thể bò tót lai được nuôi dưỡng khỏe mạnh tại Vườn Quốc gia Phước Bình.
Cá thể bò tót lai được nuôi dưỡng khỏe mạnh tại Vườn Quốc gia Phước Bình.

Bảo tồn nguồn gen quý hiếm

Bò tót là động vật hoang dã có vóc dáng to lớn, lưng màu nâu sẫm, gốc sừng màu vàng nhạt, chân trắng. Bò tót có nguy cơ tuyệt chủng cao được Công ước quốc tế CITES xếp vào nhóm IB- nhóm động vật nghiêm cấm buôn bán, khai thác, sử dụng với mục đích thương mại. Các cơ quan chuyên môn trong cả nước tăng cường thực hiện các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt loài bò tót sinh sống tại địa phương.

Tháng 10/2020, trước thông tin đàn bò tót 11 con do Trung tâm Ứng dụng khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng quản lý và nuôi nhốt tại xã Phước Bình gầy ốm do thiếu ăn, các cơ quan chuyên môn đã làm việc, thống nhất bàn giao, lại đàn bò tót lai cho Vườn Quốc gia Phước Bình quản lý chăm sóc. Thời điểm bàn giao, đàn bò tót lai gồm có 10 con bò tót lai F1 (5 con đực, 5 con cái) và 1 con bò tót lai F2 cái. Đến cuối tháng 12/2020, con bò tót F2 tiếp tục sinh con thế hệ F3. Từ tháng 6/2021 đến nay, đàn bò tót đã được di chuyển về nơi ở mới trong khuôn viên rộng khoảng 5 ha tại Vườn thực nghiệm Phước Bình. Đàn bò được chăm sóc chu đáo bằng thức ăn xanh và được tự do đi lại trong môi trường tự nhiên bán hoang dã. Nhờ môi trường nuôi dưỡng gần với tự nhiên, bảo đảm đủ thức ăn, nước uống, đàn bò phục hồi tốt sức lực, lông da mơn mởn.

Những con bò tót lai đang được Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phước Bình nuôi dưỡng.
Những con bò tót lai đang được Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phước Bình nuôi dưỡng

Đàn bò tót lai hiện có 12 con, được Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phước Bình nuôi dưỡng thực hiện Đề án nghiên cứu và bảo tồn nguồn gen bò tót quý hiếm ở Ninh Thuận và phục vụ nhu cầu du lịch. Con bò đực lai trọng lượng khoảng 450- 500 kg, nặng gấp hai lần so với bò nhà. Đa số bò tót lai đều có sừng cong, dài đều 2 bên, lông có màu nâu sẫm, càng lớn thì màu lông càng ngả về màu đen như bò tót cha. Ngoài trọng lượng là điểm nhấn phân biệt nhất là bò tót lai không có u trên lưng và nọng dưới cổ một đặc điểm mà bò nhà thuần chủng nào cũng có. Đồng thời nhiều bò tót lai đã dần lộ ra 4 chân màu trắng, đặc điểm nhận dạng đặc trưng của bò tót.

Ông Nguyễn Ngọc Minh, Phó Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phước Bình cho biết, đơn vị xác định nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới tập trung thực hiện hiệu quả đề tài “Bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen bò tót lai F1 giữa bò cái nhà và bò tót đực, giai đoạn 2021- 2025”, theo Quyết định số 819/QĐ-UBND, ngày 8/5/2021, của UBND tỉnh Ninh Thuận. Quan tâm nuôi dưỡng chăm sóc đàn bò tót lai phát triển tốt về tầm vóc, thể trạng. Đồng thời phối hợp với các nhà khoa học nghiên cứu tổ chức lai tạo các giống bò có chất lượng tốt với đàn bò tót lai F1 nhằm tạo ra những cá thể có tầm vóc to lớn phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, tạo sinh kế nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Đồng thời tạo nét khác biệt thu hút du khách đến trải nghiệm, tìm hiểu đàn bò tót lai khi đến với điểm du lịch sinh thái Phước Bình. 

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.