Từ thành phố Cao Bằng để đến được Bảo Lạc phải đi mất nửa ngày (150km-PV), qua những con đường quanh co, đồi dốc, trùng điệp núi cao và những vực sâu hun hút. Đây cũng là điểm hấp dẫn đối với những du khách thích khám phá; đến đây du khách có cơ hội ngắm nhìn những ngọn núi xanh cao ngất và từng áng mây trắng bồng bềnh trôi sà xuống lưng núi và những thửa ruộng bậc thang rực rỡ vàng óng, đẹp như tranh vẽ.
Chợ Bảo Lạc nằm trên một con phố nhỏ giữa trung tâm thị trấn với một bên là bờ sông Gâm, một bên là dãy nhà nhỏ dựa vào vách núi. Ngày áp phiên, không khí nhộn nhịp đã đến từng ngôi nhà, từng ngõ nhỏ. Từ khi mặt trời chưa nhô lên, khi những lớp sương mờ mờ còn quấn quanh các sườn núi, từng tốp người kéo nhau về họp chợ.
Chợ thường được họp vào các ngày mùng 5, mùng 10, 15, 20, 25 và 30 âm lịch hàng tháng. Ngoài việc trao đổi mua bán những sản phẩm như: bó rau rừng, sâu quả…, còn là dịp để phụ nữ Mông, Dao, Lô Lô… diện những bộ váy với đủ màu sắc đến chơi chợ, gặp gỡ người thân, bạn bè...
Ngày nay, chợ phiên Bảo Lạc đã khác xưa, không còn cảnh người ngủ qua đêm chờ trời sáng và không có người trên núi cưỡi ngựa xuống chợ mà thay vào đó đồng bào đến chợ bằng xe máy, hàng hóa cũng đa dạng và phong phú hơn.
Nét độc đáo ở chợ phiên Bảo Lạc không chỉ là sự mua bán, trao đổi tấp nập mà còn là sự gìn giữ bản sắc văn hóa Tày, Mông. Dao, Lô Lô… Cứ đến mỗi phiên chợ là lại ngập tràn màu sắc trang phục của các dân tộc thiểu số nơi đây, hay những mặt hàng nông sản bà con làm ra mang đến chợ bán.
Đặc biệt là hàng ăn uống luôn tấp nập thực khách ghé thăm. Mùi thơm nức mũi của những món ăn dân dã nghi ngút khói xua đi gió rét. Món quà quê thơm ngon như bánh bò, khẩu sli, bánh chưng đen, thịt lợn chua, lạp sườn hun khói… Tuy đơn sơ, mộc mạc nhưng luôn mang đậm văn hóa ẩm thực đa dạng, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của các dân tộc vùng cao.