Khi trời trở lạnh, báo hiệu mùa đông – mùa Tết đang đến thật gần, dường như chợ phiên Mèo Vạc cũng trở nên đông đúc hơn, dồi dào hàng hóa hơn. Huyện Mèo Vạc có 3/4 diện tích là núi đá, với cư dân chiếm đa số là người Mông, sinh sống chan hòa cùng cộng đồng các dân tộc khác như Dao, Kinh, Lô Lô, Giáy...
Chợ phiên có từ bao giờ chẳng rõ, chỉ thấy đến nay vẫn cứ nguyên phong vị mộc mạc, dân dã như thời xa xưa: cái gì cũng có, không chèo kéo, không nói thách, quý nhau là giảm giá nhiệt tình, đôi khi hàng hóa được bà con trao đổi mà không dùng đến tiền mặt. Mua bán, gặp gỡ, thăm hỏi, kết giao, đây cũng là một dịp quan trọng của sinh hoạt văn hóa cộng đồng.
Từ tinh mơ còn chưa tỏ mặt người, dân từ các xã, huyện lân cận đổ về thị trấn Mèo Vạc trên những con đường đèo dốc quanh co. Đặc biệt, chị em phụ nữ đều mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình, rất cầu kỳ và sặc sỡ. Đó cũng là một điều hấp dẫn tạo nên đặc trưng của chợ phiên. Chỉ riêng thỏa thuê ngắm các bà các cô xúng xính xuống chợ, tìm hiểu về trang phục và ngôn ngữ các dân tộc khác nhau thôi, cũng đã là một cái thú không dễ gì có được. Bước chân vào đầu chợ, thấy đủ loại nông sản địa phương như lợn, gà cắp nách, cá suối, măng, ngô, ngoai, mật ong, các loại rau rừng, lá thuốc…
Một góc khác lại quy tụ nhu yếu phẩm và đồ gia dụng như giày dép, ghế mây, dao rựa, pin, đồ chơi trẻ con. Cũng có người tưởng rằng chợ phiên miền núi thì ở đâu cũng giống nhau, nhưng không phải vậy. Mỗi nơi lại có những đặc sản, bản sắc riêng.
Đến với chợ phiên Mèo Vạc, để được hòa mình vào bức tranh vùng cao rực rỡ và sống động giữa miền đá xa xôi của biên cương Tổ quốc.