Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Quyết tâm chạy "nước rút" tháo gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC với thủy sản Việt Nam

Trương Vui - 16:28, 12/03/2023

Trong thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) trong lĩnh vực thủy sản, song vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế đã được Đoàn Thanh tra của EC ghi nhận, đánh giá và khuyến nghị tại đợt thanh tra lần thứ 3. Từ những khuyến nghị đó, Việt Nam đang quyết tâm thực hiện kế hoạch 180 ngày “nước rút” với mục tiêu gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam vào lần thanh tra thứ 4 sắp tới.

Theo Ông Vũ Duyên Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản, nhiều nhiệm vụ đã được đặt ra cho kế hoạch 180 ngày chống khai thác IUU của Việt Nam.
Theo Ông Vũ Duyên Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản, nhiều nhiệm vụ đã được đặt ra cho kế hoạch 180 ngày chống khai thác IUU của Việt Nam.

Chưa thể gỡ “thẻ vàng” sau 3 lần thanh tra

Ngày 23/10/2017, EC cảnh báo “thẻ vàng” đối với hoạt động khai thác khoáng sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) của Việt Nam. “Thẻ vàng” được đưa ra trên cơ sở Việt Nam còn thiếu hệ thống xử phạt để ngăn chặn hiệu quả khai thác IUU, thiếu hành động xử lý tàu IUU vùng nước láng giềng và các quốc đảo; đồng thời hệ thống kiểm soát sản lượng hải sản đưa vào chế biến, xuất khẩu yếu kém. Trước tình hình đó, Việt Nam đã tổ chức triển khai nhiều nhóm giải pháp chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng”.

Tuy nhiên, sau 3 lần thanh tra, EC vẫn chưa gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam. Trên cơ sở kết quả của cuộc Thanh tra lần 3 của EC (tại tỉnh Khánh Hòa) diễn ra vào tháng 10/2022, EC đánh giá cao sự phối hợp tốt giữa các cơ quan chức năng tham gia chống khai thác IUU, khẳng định tình hình chống khai thác IUU tại Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực hơn rất nhiều so với lần thanh tra thực tế lần thứ 2 vào năm 2019 như: Đã hoàn thiện khung pháp lý; công tác theo dõi, quản lý đội tàu, giám sát sản lượng lên bến; thực hiện xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác trong nước và nhập khẩu; công tác thực thi pháp luật, xử phạt vi phạm hành chính đã được cải thiện và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Song dù được ghi nhận những chuyển biến tích cực, đúng hướng, EC cũng chỉ ra các vấn đề những hạn chế chống khai thác IUU của Việt Nam như: Thực thi khung pháp lý còn hạn chế và không đồng đều; số lượng tàu mất kết nối còn cao; hệ thống kiểm soát chưa ngăn chặn hiệu quả thủy sản có nguồn gốc từ khai thác IUU; vấn đề liên quan đến truy xuất nguồn gốc, kiểm soát thủy sản nhập khẩu dưới dạng container; đặc biệt là tình trạng tàu cá Việt Nam bị bắt giữ ở vùng biển các nước láng giềng. EC nhấn mạnh chỉ cần còn 1 tàu vi phạm vùng biển nước ngoài Việt Nam sẽ không thể gỡ được “thẻ vàng”.

Trên cơ sở đó, EC tiếp tục đưa ra 4 khuyến nghị mà Việt Nam cần thực hiện để chấm dứt hoàn toàn hiện tượng khai thác thủy sản IUU gồm: khung pháp lý; hoạt động quản lý đội tàu, theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá; việc xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác; thực thi pháp luật, xử lý vi phạm.

180 ngày chạy đua gỡ cảnh báo “thẻ vàng”

Trước những khuyến nghị của EC, các Ban, Bộ, Ngành Trung ương có liên quan và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển đã tổ chức triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU, gỡ cảnh bảo “thẻ vàng” theo chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, của Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo quốc gia về IUU. Nhờ đó, tính đến nay, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng kể trong thực hiện các khuyến nghị mà EC đã đưa ra tại đợt thanh tra lần thứ 3.

EC nhấn mạnh chỉ cần còn 1 tàu vi phạm vùng biển nước ngoài Việt Nam sẽ không thể gỡ được “thẻ vàng”.
EC nhấn mạnh chỉ cần còn 1 tàu vi phạm vùng biển nước ngoài Việt Nam sẽ không thể gỡ được “thẻ vàng”.

Để chuẩn bị cho cuộc thanh tra lần thứ 4 của EC đối với thủy sản Việt Nam sẽ diễn ra vào tháng 6 sắp tới, tại Hội nghị cung cấp thông tin báo chí định kỳ hàng tháng về chống khai thác IUU diễn ra vào ngày 9/3 vừa qua, ông Vũ Duyên Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT cho biết: Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đang triển khai kế hoạch 180 ngày tập trung cao điểm, quyết tâm chống khai thác IUU của Việt Nam. Nhiều giải pháp, nhiệm vụ đồng bộ đã được đặt ra cho thực hiện kế hoạch này.

Để đạt được mục tiêu nêu trên, kế hoạch 180 ngày đặt nhiệm vụ cho các bộ, ngành và các địa phương liên quan đến tháng 5/2023 phải hoàn thành 100% việc khai đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) theo quy định; cập nhật 100% dữ liệu tàu cá vào Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase); đảm bảo chấm dứt tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Cùng với đó tiến hành kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập bến tại đồn/trạm Biên phòng tuyến biển; kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra, vào tại cảng cá theo đúng quy định đảm bảo thiết bị VMS hoạt động liên tục 24/24 giờ từ khi tàu cá rời cảng đến khi cập cảng; theo dõi, giám sát 24/7 100% tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá.

Về nhóm giải pháp về khung pháp lý, cơ chế, chính sách, ông Hải đề nghị xây dựng quy chế phối hợp giữa các địa phương, kiểm soát 100% tàu cá của tỉnh hoạt động trên địa bàn ngoài tỉnh, tàu cá của tỉnh khác cập cảng làm xác nhận nhưng thực hiện chứng nhận tại tỉnh khác; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ chủ tàu cá mua, lắp thiết bị VMS và cước phí thuê bao vệ tinh để duy trì hoạt động thiết bị VMS; rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật theo khuyến nghị của EC, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Song song với đó, cần đảm bảo 100% hồ sơ các lô hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu (EU) và các thị trường khác có yêu cầu truy xuất được nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác.

Ngoài ra, tiến hành đàm phán, ký kết và tổ chức thực hiện đường dây nóng giữa Việt Nam và Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Trung Quốc để trao đổi thông tin, xử lý các vụ việc về tàu cá, ngư dân hai nước. Chiến dịch thông tin truyền thông cũng cần được thực hiện cả trong nước và trên diễn đàn quốc tế, đảm bảo minh bạch, trung thực về nỗ lực chống khai thác IUU của Việt Nam. Đồng thời đa dạng các hình thức tuyên truyền, tập huấn cho cộng đồng ngư dân và các tổ chức, cá nhân có liên quan quy định về chống khai thác IUU.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, các địa phương cần tập trung nguồn lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như bộ máy, con người; tuyên truyền tới bà con ngư dân, nâng cao nhận thức, đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu và thể hiện quyết tâm cao nhất để tháo gỡ bằng được “thẻ vàng”.

“Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, trở thành một mắt xích trong chuỗi phân phối, cung ứng nông lâm thủy sản toàn cầu. Chính vì vậy, không cách nào khác, chúng ta phải thực thi nghiêm các quy định quốc tế, hướng đến việc khai thác bền vững”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.