Những tín hiệu đáng mừng
Bà Rịa – Vũng Tàu được coi là thủ phủ đánh bắt thủy hải sản của vùng Đông Nam bộ với hơn 5.800 tàu cá, trong đó có 3.000 tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ, đồng thời là nơi tập trung nhiều tàu cá trong và ngoài tỉnh về neo đậu tại 12 cảng cá, 3 khu neo đậu tránh trú bão. Từ năm 2019 trở về trước, Bà Rịa – Vũng Tàu luôn nằm trong “tốp đầu” những địa phương có số lượng tàu và ngư dân đánh bắt trái phép bị nước ngoài bắt giữ.
Thời gian qua, thực hiện các khuyến nghị của EC, ngành NN&PTNT tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn về Luật Thủy sản, các văn bản hướng dẫn và công tác chống khai thác bất hợp pháp cho cán bộ quản lý thủy sản các địa phương, các Ban quản lý cảng cá, cơ sở đóng sửa tàu thuyền, doanh nghiệp thủy sản và bà con ngư dân, nhất là các địa bàn trọng điểm thường xuyên có tàu cá, ngư dân vi phạm. Đồng thời phối hợp với lực lượng biên phòng kiểm tra, kiểm soát tại các đồn, trạm, tổ chức cho các chủ tàu cá, thuyền trưởng ký cam kết không đưa tàu cá, ngư dân sang vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản. Vì vậy tình trạng này đã giảm đáng kể.
Ngư dân Trà Văn Hoành, chủ tàu cá BV 92244 TS (ấp Phước Lộc, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) cho biết, nhờ được các cơ quan chức năng của tỉnh hướng dẫn, giải thích về các quy định trong đánh bắt trên biển, chỉ rõ trên bản đồ, nơi nào ngư dân Việt Nam không được phép đánh bắt nên mỗi năm, phương tiện của ông ra khơi đánh bắt 2 lần, mỗi lần kéo dài từ 3 - 5 tháng nhưng chưa lần nào vi phạm các quy định của pháp luật.
Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chia sẻ, yếu tố then chốt mà ngành NN&PTNT tỉnh đã và đang quyết tâm thực hiện để ngăn chặn đánh bắt trái phép là việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho các tàu cá trên địa bàn tỉnh. Đến nay, đã có 2.504/2.910 tàu cá có chiều dài trên 15m lắp đặt thiết bị giám sát hành trình khi khai thác ở vùng khơi, trong đó nổi bật là đội tàu có chiều dài trên 24m trở lên đã lắp đặt được 274/279 tàu.
Quyết liệt và cứng rắn hơn
Đến thời điểm này, những khuyến cáo của EC về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đã được các cơ quan chức năng, cộng đồng ngư dân trong tỉnh thực hiện quyết liệt và đạt kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn cần được giải quyết để tháo gỡ “thẻ vàng” của EC.
Cụ thể, trên địa bàn tỉnh vẫn còn 406 tàu cá chưa thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Nguyên nhân là do một số tàu hành nghề lưới vây cá cơm, nghề lưới dù có chiều dài trên 15m nhưng là nghề đánh bắt truyền thống, chỉ hoạt động vùng lộng, ven bờ, thời gian đánh bắt trong ngày nên đa số chủ tàu còn trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Trong khi đó, việc truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác chưa bảo đảm yêu cầu; việc đầu tư kinh phí, bố trí nguồn lực, trang thiết bị cho hạ tầng nghề cá để chống khai thác trái phép còn hạn chế.
Bên cạnh đó, thời gian gần đây số lượng tàu cá và ngư dân của Bà Rịa – Vũng Tàu đánh bắt trái phép bị nước ngoài bắt giữ có dấu hiệu tiếp tục tái diễn. Cụ thể, từ tháng 8/2019 đến tháng 3/2020, cơ bản đã chấm dứt được tình trạng tàu cá vi phạm. Tuy nhiên, từ tháng 4 đến tháng 12/2020 xảy ra 11 vụ/23 tàu cá với tổng cộng 201 thuyền viên bị lực lượng chức năng nước ngoài truy đuổi và bắt giữ.
Vừa qua, tại buổi làm việc với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về triển khai các khuyến nghị của EC về chống khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU), bà Phan Thị Huệ, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế - Thanh tra (Tổng cục Thủy sản) cho rằng, Bà Rịa – Vũng Tàu dù đã thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của Chính phủ về IUU, nhưng vẫn cần quyết liệt, cứng rắn hơn nữa trong công tác xử lý đối với các tàu vi phạm vùng đánh bắt hay tự ý tắt thiết bị giám sát hành trình theo quy định.
Còn theo ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, hiện nay việc cấp giấy phép hoạt động đánh bắt trên địa bàn Bà Rịa – Vũng Tàu mới chỉ đạt hơn 50% so với tổng số tàu, việc đăng kiểm cũng chỉ mới đạt khoảng 60%. Do đó, Bà Rịa – Vũng Tàu cần sớm khắc phục hạn chế này bởi theo quy định của EC, việc tàu chưa được cấp giấy phép hoạt động vùng khơi nếu vi phạm sẽ bị xử phạt rất nặng, ở mức 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. Ngoài ra, việc tàu cá ra khơi chưa được đăng kiểm sẽ có nguy cơ cao gây mất an toàn cho cả tàu lẫn ngư dân.