Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Chính sách dân tộc

Quỹ phòng, chống thiên tai: Không thể bỏ, nhưng phải sửa

Sỹ Hào - 10:16, 24/06/2020

Quỹ phòng, chống thiên tai (PCTT) được xác định là nguồn lực tài chính quan trọng để hỗ trợ Nhân dân ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Tuy nhiên, sau 6 năm thực hiện, nhiều vướng mắc trong thu - chi khiến nguồn lực của Quỹ gần như đang “đóng băng”. Vì vậy, có ý kiến đề xuất bãi bỏ chính sách này.

Các địa phương miền núi có nhu cầu sử dụng Quỹ PCTT, nhưng nguồn thu hằng năm thường thấp. (Ảnh minh họa)
Các địa phương miền núi có nhu cầu sử dụng Quỹ PCTT, nhưng nguồn thu hằng năm thường thấp. (Ảnh minh họa)

Thu khó, chi càng khó!

Quỹ PCTT được thành lập theo Nghị định 94/2014/NĐ-CP, ngày 7/10/2014 của Chính phủ (gọi tắt là NĐ 94). Theo báo cáo của Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai (ƯPVKPHQTT) - Tổng cục PCTT (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến hết tháng 5/2020, đã có 60/63 tỉnh, thành phố trên cả nước tiến hành thu Quỹ PCTT. Có 3 địa phương dù đã thành lập Quỹ nhưng chưa tổ chức thu là Lai Châu, Quảng Bình và Bạc Liêu.

Cũng theo báo cáo của đơn vị này, sau 6 năm thu Quỹ PCTT, tổng kinh phí thu được tại 60/63 địa phương là 3.164 tỷ đồng. Số tiền thu được này là quá ít so với định mức đề ra trong NĐ 94.

Chỉ tính riêng nguồn thu từ các tổ chức kinh tế hạch toán độc lập, theo quy định thì mỗi năm, một đơn vị có nghĩa vụ đóng tối thiểu 500.000 đồng, tối đa 100 triệu đồng. Nếu thu đủ, thì nguồn thu về cho Quỹ PCTT là vô cùng lớn. Như TP. Hồ Chí Minh, theo danh sách của Cục Thuế Thành phố thì trên địa bàn có 140.545 tổ chức kinh tế hạch toán độc lập, số tiền thu về cho Quỹ là 292,3 tỷ đồng/năm.

Đó là chưa kể, theo NĐ 94, cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức, lực lượng vũ trang hưởng lương, cán bộ quản lý trong các doanh nghiệp nhà nước đóng 1 ngày lương/người/năm theo mức lương cơ bản; người lao động trong các doanh nghiệp đóng 1 ngày lương/người/năm theo mức lương tối thiểu vùng; người lao động khác đóng 15.000 đồng/người/năm.

Việc thu quỹ đã khó, việc chi quỹ còn khó và phức tạp hơn. Theo báo cáo của Cục ƯPVKPHQTT, trong 6 năm qua, các địa phương trên cả nước mới sử dụng 1.480 tỷ đồng và Quỹ PCTT tồn dư 1.684 tỷ đồng. Cá biệt, có 7 địa phương chỉ thu chứ không chi Quỹ (Điện Biên, Hải Dương, Hà Nam, Ninh Bình, Quảng Ngãi, Lâm Đồng).

Lãng phí nguồn lực

Cũng theo báo cáo của Cục ƯPVKPHQTT, hiện có nhiều địa phương có thu, nhưng số tiền sử dụng rất thấp, không đạt 10% so với số thu. Như Bắc Kạn thu 15 tỷ đồng thì chỉ chi 37 triệu đồng; Kon Tum thu 10,6 tỷ đồng, chi 800 triệu đồng; Gia Lai thu 13,4 tỷ đồng, chi 662 triệu đồng…

Việc sử dụng quỹ qua các con số trên cho thấy, một nguồn lực xã hội đang bị đóng băng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất bỏ chính sách thu Quỹ PCTT.

Tuy nhiên, việc đề xuất bãi bỏ chính sách này là không phù hợp. Bởi thực tế, thiệt hại do thiên tai ngày càng lớn, tạo áp lực trong điều tiết ngân sách. Chỉ tính trong năm 2019, trong điều kiện ngân sách rất khó khăn, Chính phủ đã phải chi trên 10.300 tỷ đồng để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai và xử lý sự cố đê điều, hồ đập, sạt lở, di dời dân…

Do đó, việc duy trì, phát triển Quỹ PCTT là hết sức cần thiết để huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ công tác PCTT. Nhưng để việc thu - chi Quỹ đạt kết quả cao, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân và toàn thể xã hội về nộp Quỹ, các địa phương cần xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu thu Quỹ hằng năm, triển khai thu bảo đảm tiến độ về thời gian, chi đúng mục đích, yêu cầu.

Đặc biệt, cần có cơ chế điều tiết Quỹ giữa các địa phương. Thực tiễn PCTT cho thấy, ở các địa phương thiên tai xảy ra nhiều thì nhu cầu sử dụng Quỹ này lớn nhưng nguồn thu của Quỹ lại thấp; ngược lại một số địa phương ít có thiên tai thì lại có kết dư Quỹ lớn. Do đó, nếu không điều tiết được thì sẽ dẫn đến tình trạng tồn dư Quỹ như thời gian qua, không bảo đảm được nguyên tắc hoạt động cơ bản của Quỹ là kịp thời, hiệu quả.