Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Quảng Trị: Nâng cao giá trị sản phẩm từ Chương trình OCOP

Hồng Minh - 23:43, 06/07/2020

Với 19 sản phẩm được công nhận OCOP cấp tỉnh, kết quả này có tác động quan trọng để tỉnh Quảng Trị thúc đẩy quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm làng nghề, đặc sản vùng miền và các sản phẩm có lợi thế của địa phương.

Chị Nông Thị Hạnh (bên phải) giới thiệu sản phẩm Cà phê Ta Lư tại Hội chợ OCOP tỉnh Quảng Trị.
Chị Nông Thị Hạnh (bên phải) giới thiệu sản phẩm Cà phê Ta Lư tại Hội chợ OCOP tỉnh Quảng Trị.

Gạo sạch Triệu Phong của Hợp tác xã (HTX) Nông sản sạch Triệu Phong, huyện Triệu Phong là một trong hai sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao đầu tiên của tỉnh Quảng Trị. Từ năm 2015, HTX Nông sản sạch Triệu Phong đã triển khai mô hình ứng dụng các chế phẩm vi sinh vào sản xuất lúa gạo sạch ở các xã: Triệu Tài, Triệu Trung, Triệu Trạch, Triệu Sơn, Triệu Thượng thuộc huyện Triệu Phong.

Để sản xuất ra lúa gạo sạch, bà con nông dân phải tuân thủ nguyên tắc “ba không” gồm: Không sử dụng các loại phân bón hóa học, không sử dụng thuốc trừ sâu và không sử dụng thuốc diệt cỏ mà thay vào đó là các chế phẩm thảo mộc do tự tay họ làm ra. Lúa sản xuất theo phương pháp này có giá trên 12.000 đồng/kg, cao hơn gấp đôi so với lúa thường. Khi mới thực hiện mô hình này, chỉ có 70 hộ nông dân tham gia, hiện nay đã có gần 145 hộ tham gia sản xuất 30ha lúa sạch.

Tương tự, với sản phẩm cà phê Ta Lư của hộ kinh doanh dịch vụ sản xuất nông, lâm nghiệp Ta Lư, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, nhờ Chương trình OCOP mà sản phẩm đã có nhiều cơ hội tiêu thụ ngoài thị trường. Chị Nông Thị Hạnh, chủ hộ kinh doanh cho biết: “Sản phẩm chủ lực của chúng tôi là cà phê. Sau hơn một năm hoạt động, thương hiệu cà phê Ta Lư đã đạt đủ các tiêu chí và được phân hạng OCOP 3 sao. Nhờ gắn vào Chương trình OCOP mà sản phẩm cà phê của hộ kinh doanh đã có nhiều cơ hội tiêu thụ ra thị trường hơn. Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, cà phê Ta Lư vẫn được người tiêu dùng lựa chọn thông qua kênh bán hàng Online”.

Theo báo cáo kết quả Chương trình OCOP năm 2019 của tỉnh Quảng Trị, hiện toàn tỉnh có 19 sản phẩm được công nhận OCOP cấp tỉnh, 2 sản phẩm đạt mức phân hạng 4 sao và 17 sản phẩm đạt mức phân hạng 3 sao.

Tất cả các sản phẩm sau khi công nhận được sử dụng nhãn hiệu OCOP và thứ hạng sao đạt được in và dán trên bao bì sản phẩm. Với hình ảnh này sẽ tạo điều kiện để sản phẩm của tỉnh Quảng Trị có chỗ đứng vững vàng trên thị trường trong và ngoài nước, đặc biệt là tạo niềm tin đối với người tiêu dùng.

Để làm được điều này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị đã đào tạo, tập huấn kiến thức chuyên môn quản lý sản xuất, kinh doanh và tham gia triển khai thực hiện Chương trình OCOP cho khoảng 400 cán bộ quản lý cấp huyện, xã và 100% lãnh đạo doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh tham gia Chương trình.

Trong thời gian tới, UBND tỉnh Quảng Trị sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp, HTX và hộ kinh doanh nghiêm túc thực hiện việc sử dụng, in, dán nhãn hiệu OCOP và thứ hạng sao lên bao bì sản phẩm được công nhận theo đúng quy định. Đối với các doanh nghiệp, HTX và hộ kinh doanh có sản phẩm được công nhận, xếp hạng sẽ hoàn thiện sản phẩm bảo đảm chất lượng theo quy định của sản phẩm OCOP và tiến tới đạt mức phân hạng cao hơn.

Chương trình OCOP là nội dung trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới Quảng Trị giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến 2030. Thực hiện Chương trình OCOP, tỉnh Quảng Trị kỳ vọng sẽ mang lại nhiều thay đổi trong tái cơ cấu nghành Nông nghiệp, đồng thời nâng cao thương hiệu giá trị các sản phẩm đặc thù của địa phương và không ngừng nâng cao thu nhập cho người dân.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.