Được đánh giá có nhiều lợi thế khi triển khai chương trình OCOP, tỉnh Sơn La hiện có gần 200 sản phẩm có giá trị kinh tế, thương mại cao, có thể phát triển thành các sản phẩm OCOP trong tương lai gần. Đặc biệt, những sản phẩm mang tính đặc hữu vùng miền phong phú về chủng loại.
Trước đây, Sơn La có nhiều sản phẩm có thương hiệu nhưng khó lên kệ hàng ở các siêu thị. Ví dụ như sản phẩm mật ong Sơn La, mặc dù đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận Nhãn hiệu tập thể từ năm 2014, nhưng vẫn chủ yếu phân phối qua các kênh bán hàng truyền thống. Sau khi được lựa chọn là 1 trong 20 sản phẩm điểm OCOP của tỉnh, sản phẩm mật ong Sơn La được hỗ trợ bao bì, đóng gói đẹp mắt, hoàn thiện quy trình đóng chai, bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, được quảng bá, giới thiệu rộng rãi đã thu hút khách hàng.
Không có nhiều thuận lợi như Sơn La, huyện Đà Bắc (Hòa Bình) đến nay vẫn chưa có sản phẩm nào đạt tiêu chuẩn OCOP. Trước đó, huyện đã đặt mục tiêu phấn đấu tiêu chuẩn hóa ít nhất 25% sản phẩm hiện có (khoảng 4 sản phẩm) được công nhận, triển khai thực hiện từ 1 - 2 làng, bản văn hóa du lịch. Thế nhưng, hành trình đưa sản phẩm của huyện đạt tiêu chuẩn OCOP vẫn gặp nhiều khó khăn.
Với sản phẩm miến dong - chủ thể là Hợp tác xã (HTX) Đa nghề Yên Lý, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc được đánh giá là sản phẩm có tiềm năng nhất của huyện. Dù sản phẩm đã có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; thị trường tiêu thụ ổn định… nhưng vẫn còn gặp một số khó khăn trong hành trình công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP như, nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất còn mang tính thời vụ, cung cấp chủ yếu tại xã. Bên cạnh đó, HTX cũng gặp khó khăn về vốn để duy trì sản xuất; hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm hạn chế; còn nhiều vướng mắc trong việc làm hồ sơ công nhận sản phẩm.
Là Thủ đô của cả nước, có nhiều điều kiện thuận lợi, thế nhưng TP. Hà Nội cũng không nằm ngoài rào cản từ những khó khăn trong quá trình xây dựng sản phẩm OCOP.
Quá trình triển khai Chương trình OCOP tại Hà Nội cho thấy, việc phát triển sản phẩm còn gặp một số khó khăn, như nhiều sản phẩm còn sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, một số sản phẩm chủ lực của địa phương chưa xây dựng được thương hiệu; sản phẩm tiêu thụ chủ yếu ở dạng thô, giá trị sản phẩm chưa cao.
Để giải quyết được khó khăn trong quá trình triển khai Chương trình OCOP trên toàn quốc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng, cần phải tập trung vào một số yếu như: Đào tạo nguồn nhân lực; huy động nguồn lực đặc biệt là nguồn xã hội hóa; chú trọng giải pháp về xúc tiến thương mại; đẩy mạnh hợp tác quốc tế và phát triển mạng lưới toàn cầu…