Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Trang địa phương

Quảng Ninh: Hàng trăm hộ dân sống khốn khổ trong dự án “treo”

Mỹ Dung - 10:06, 08/07/2024

Theo phản ánh của người dân, dự án khai thác đất sét ở thôn Xích Thổ, xã Thống Nhất, TP. Hạ Long (Quảng Ninh) bị “giậm chân tại chỗ” hơn một thập kỷ đã và đang để lại hệ lụy khiến hàng trăm hộ dân trong vùng dự án sống trong cảnh nhà cửa sập xệ, giao thông không được đầu tư.

Hàng trăm hộ dân sống khốn khổ trong dự án mỏ sét “treo”
Hàng trăm hộ dân sống khốn khổ trong dự án mỏ sét “treo”

Dân khốn khổ vì dự án “treo” hơn một thập kỷ

Ông Lê Văn Đoàn, 77 tuổi ở xóm 5, thôn Xích Thổ, xã Thống Nhất xây nhà từ năm 1986. Ông cho biết, căn nhà xây đã gần 40 năm nên bị xuống cấp trầm trọng, nhiều mảng trần đã bị vữa ra, mục nát nhưng không được phép xây, sửa vì nằm trong vùng dự án mỏ khai thác đất sét....Đất thì rộng, bìa đỏ thì có đủ, nhưng không cắt đất cho các cháu làm nhà được.

“Nhà thì nứt trước, nứt sau, mái thì sắp sập, nhưng không ai cho sửa chữa, xây dựng vì lý do nằm trong vùng dự án...Mỗi khi có mưa, bão về là cả gia đình từ già đến trẻ đều lo nơm nớp”, ông Đoàn ngậm ngùi nói.

Cũng trong tình cảnh khó khăn ấy, gia đình ông Phạm Đình Thắng đã nhiều năm nay phải sống trong trong căn nhà thấp, nóng như chảo rang. Mặc dù đất rộng, kinh tế gia đình ngày một đi lên nhưng dù muốn xây mới cũng không được vì nằm trong quy hoạch.

“Dự án kiểu gì mà kéo dài hơn chục năm không thấy đả động gì việc đền bù, giải phóng mặt bằng. Bà con đã kiến nghị đến khắp nơi, nhiều đoàn công tác đến nắm tình hình rồi lại đi. Chẳng ai ngó ngàng gì”, ông Thắng bức xúc cho biết.

Ông Đoàn chỉ vào những vết nứt lớn trên nhà, dưới bếp và chia sẻ nỗi lo khi mùa mưa về
Ông Đoàn chỉ vào những vết nứt lớn trên nhà, dưới bếp và chia sẻ nỗi lo khi mùa mưa về

Bà con ở vùng dự án mỏ sét tại thôn Xích Thổ không chỉ khó khăn trong sinh hoạt, mà việc đi lại cũng rất vất vả. Bởi trong vùng dự án thì ngân sách không đầu tư được công trình giao thông, nên bà con phải tự bỏ tiền ra làm. Tuy nhiên, hiện nhiều điểm đã xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Đặc biệt, chiếc bến dùng để tập kết sản phẩm nằm ở cửa sông đổ ra vịnh Cửa Lục cũng bị doanh nghiệp đầu tư dang dở rồi bỏ không, gây ảnh hưởng đến luồng lạch, rừng ngập mặn...

Bà Hà Thị Thới, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Xích Thổ, xã Thống Nhất, cho biết, trong vùng dự án mỏ sét hiện nay có gần 300 hộ dân sinh sống. Hầu hết các nhà dân đã xây từ lâu, nên đã xuống cấp. Đợt mưa lớn mới đây đã làm một số nhà dân bị sập, may là không thiệt hại về người.

“Chúng tôi đã bao năm kiến nghị cấp có thẩm quyền kiểm tra, xem xét và yêu cầu doanh nghiệp nếu tiếp tục triển khai thì đền bù, giải phóng mặt bằng. Nếu không làm được thì thu hồi để người dân còn ổn định cuộc sống. Như hiện nay, bà con muốn có tuyến đường rộng rãi để đi lại cũng không được phép làm... Hiện có nhiều điểm thường xuyên nguy cơ sạt lở cũng đành chịu vì không có kinh phí xây kè”, bà Thới kiến nghị.

Nhiều hộ gia đình rơi vào cảnh nhà sắp sập mà không được xây, sửa
Nhiều hộ gia đình rơi vào cảnh nhà sắp sập mà không được xây, sửa

Luẩn quẩn chưa tìm ra phương án!

Theo thông tin từ UBND xã Thống Nhất được biết, dự án khai thác sét làm vật liệu xây dựng sản xuất gạch tại thôn Xích Thổ được UBND tỉnh Quảng Ninh ra quyết định phê duyệt ranh giới quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 từ năm 2012 cho Công ty CP Viglacera Hạ Long.

Ban đầu, Dự án được quy hoạch với tổng diện tích 108ha, triển khai trong 5 giai đoạn, mỗi giai đoạn 6 năm, thời hạn cấp phép 30 năm. Đến ngày 13/8/2013, UBND tỉnh cấp giấy phép cho phép Công ty CP Viglacera Hạ Long khai thác khoáng sản, diện tích khai thác thu hẹp còn 94,52ha với trữ lượng 12,3 triệu m3, công suất khai thác 320.000m3/năm, thời gian khai thác 30 năm. Tổng số vốn đầu tư dự án 600 tỷ đồng, bao gồm cả triển khai dự án tái định cư cho các hộ dân.

Tuy nhiên, đến nay sau nhiều năm thực hiện, chủ đầu tư mới giải phóng mặt bằng được 5,02ha trong tổng diện tích 94,52ha được cấp có thẩm quyền có quyết định cho thuê đất để khai thác sét làm nguyên liệu sản xuất gạch ngói. Do dự án không thuộc danh mục thu hồi đất 3 theo điều 62, Luật Đất đai năm 2013, đến nay chủ đầu tư vẫn chưa thỏa thuận, giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích 89,5ha còn lại.

Trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, bà Phan Thị Hải Hường, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hạ Long, cho biết: Nội dung này cử tri đã nhiều lần có ý kiến. UBND Thành phố cũng có ý kiến gửi lên tỉnh, đưa nội dung chất vấn vào kỳ họp Hội đồng Nhân dân tỉnh trong kỳ họp sắp tới để có câu trả lời rõ ràng cho cử tri.

"Ngoài ra, tỉnh cũng cần kiểm tra lại khả năng của doanh nghiệp có đủ năng lực thực hiện dự án không, nếu không cần có giải pháp dứt điểm để bảo đảm quyền lợi, sự an toàn cho người dân", bà Hường đề xuất.

Tin cùng chuyên mục
Cà Mau: Chú trọng thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Cà Mau: Chú trọng thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) đã và đang phát huy hiệu quả trên nhiều lĩnh vực về đời sống kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS tỉnh Cà Mau. Minh chứng như việc triển khai hiệu quả Dự án 1 của Chương trình, đã góp phần giải quyết cơ bản việc thiếu đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt trong vùng đồng bào DTTS ở địa bàn khó khăn.