Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Có đường nhưng... vẫn chưa hết khổ

Mỹ Dung - 06:56, 21/05/2024

Theo phản ánh của người dân, trong những trận mưa lớn vào đầu năm 2024, nước từ đường Đại Dực đi xã Đại Thành cũ theo cống thoát nước, chảy xuống đường dân sinh ra đến đường trục chính của xã Đại Dực, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) làm trôi bùn đất xuống ruộng và Trung tâm Văn hóa xã, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống sinh hoạt của người dân địa phương.

Mưa lớn làm trôi bùn, đất xuống khu vực Trung tâm Văn hóa xã Đại Dực
Mưa lớn làm trôi bùn, đất xuống khu vực Trung tâm Văn hóa xã Đại Dực

Cách trung tâm huyện Tiên Yên khoảng 30km, xã Đại Dực có 7 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào Sán Chỉ chiếm gần 90%. Năm 2020, đề án sáp nhập xã Đại Thành vào xã Đại Dực được thực hiện. Thời điểm đó, để di chuyển từ Khe Lục (trung tâm xã Đại Dực cũ) tới Khe Nà (trung tâm xã Đại Thành cũ), người dân buộc phải vòng vèo trên con đường được làm từ thập kỷ trước, với chiều dài khoảng 50km.

Ngay từ thời điểm sáp nhập Đại Dực và Đại Thành, dự án xây dựng, mở rộng, nâng cấp, nắn tuyến đường giao thông nối từ trung tâm xã Đại Dực đến trung tâm xã Đại Thành cũ cũng được triển khai. Tuyến đường được hoàn thành tháng 10/2023, với chiều dài hơn 7km được coi là con đường mở ra hy vọng phát triển mạnh mẽ cho người dân Đại Dực trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

Anh Nình A Vày, một người dân cho biết, trước khi sáp nhập, Đại Dực - Đại Thành (cũ) dù cạnh nhau, nhưng để đến trung tâm xã phải di chuyển quãng đường khoảng 40km, mất gần 1 tiếng đồng hồ, đường rất xấu, nhỏ hẹp, xuống cấp, bụi vào ngày nắng và trơn lầy vào ngày mưa.

“Khi sáp nhập xã, tuyến đường mới hoàn thành, người dân chúng tôi chỉ mất 10 phút để di chuyển đến QL18C. Không chỉ vậy, hiện nay, tất cả trục đường chính của xã và các thôn đều đã được bê tông hóa. Điều này giúp ích rất nhiều cho người dân trong việc giao thương, phát triển kinh tế, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa Đại Dực và các vùng thấp”, anh Ninh A Vày chia sẻ.

Thế nhưng, trong vài trận mưa lớn xảy ra từ tháng 4/2024, mái taluy dương tuyến đường nối Đại Dực đất yếu, mưa xói vào phía trong nên bùn đất, đá trôi xuống khu dân cư. Thêm vào đó, cống thoát nước dọc tuyến trục chính có khẩu độ nhỏ, không đảm bảo thoát nước, dẫn đến nước tràn lên mặt đường. Tình trạng này đã ảnh hưởng đến cảnh quan, vệ sinh môi trường, cũng như việc sinh hoạt văn hoá, thể thao của người dân tại thôn vùng cao Khe Lục.

Ông Nình Văn Ba, một người dân tại thôn cho biết, trận mưa lớn vừa rồi khiến nước, bùn đất trôi xuống nhiều nên gia đình ông đã đắp be phía trong sân để khắc phục tạm thời mỗi khi trời mưa lớn, hạn chế nước  và bùn đất tràn vào nhà.

“Chúng tôi đã kiến nghị với chính quyền địa phương sớm có phương án giải quyết trong thời gian tới, bảo đảm khu vực này không còn ngập mỗi khi có mưa lớn nữa”, ông Ba nói.

Mưa lớn, nước tràn vào nhà, nên gia đình ông Nình Văn Ba (thôn Khe Lục, xã Đại Dực, huyện Tiên Yên) phải đắp be phía trong sân
Mưa lớn, nước tràn vào nhà, nên gia đình ông Nình Văn Ba (thôn Khe Lục, xã Đại Dực) phải be bờ phía trong sân ngăn nước bùn đất vào nhà

Mặc dù, UBND xã Đại Dực đã khắc phục bằng cách, thay tấm đan rãnh dọc tuyến trục chính bằng các thanh sắt hộp để đảm bảo thoát nước, nhưng vẫn không xử lý được triệt để. Trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển về nội dung này, ông Hoàng Việt Tùng, Chủ tịch UBND xã Đại Dực cho biết: tình trạng này bắt đầu từ khi làm con đường mới nối Đại Dực và Đại Thành, mỗi khi có những trận mưa lớn thì nước chảy nhiều từ trên xuống dưới gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

“Nắm bắt thực tế này, UBND xã Đại Dực đã phối hợp với Ban Quản lý Dự án công trình huyện Tiên Yên khảo sát và đang lên phương án sau khi sửa xong đường Đại Dực ra Đông Ngũ sẽ làm hệ thống cống thoát nước để nước ở trên đường Đại Dực, Đại Thành sẽ không bị tràn xuống nữa. Hệ thống cống sẽ lấy hết nước từ đoạn đường đó chảy xuống suối”, ông Tùng nhấn mạnh.

Hi vọng rằng, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng kịp thời có phương án xây dựng hệ thống thoát nước để giải quyết dứt điểm tình trạng bùn, đất chảy tràn xuống khu dân cư, đảm bảo tình trạng giao thông và ổn định cuộc sống của người dân địa phương, đặc biệt là mùa mưa đang đến rất gần.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Bình: Thành tựu sau 3 năm thực hiện Chương trình MTQG 1719

Quảng Bình: Thành tựu sau 3 năm thực hiện Chương trình MTQG 1719

Quảng Bình bắt tay vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) với một tâm thế chủ động, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Qua 3 năm triển khai thực hiện, nhiều nội dung, tiểu dự án thành phần, Dự án trong Chương trình MTQG 1719 đã đi sâu và tác động tích cực đến đời sống đồng bào các DTTS ở tỉnh Quảng Bình. Để có cái nhìn tổng quát hơn, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển có cuộc trao đổi với ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình về triển khai Chương trình MTQG 1719 tại địa phương.