Thiệt hại hơn 100ha hoa màu
Ngay từ chiều 15 đến sáng 16/10, một số đoạn trên tuyến đường trên địa bàn TP. Tam Kỳ như: Phan Chu Trinh, Hùng Vương, Huỳnh Thúc Kháng, Lý Thường Kiệt…bị ngập nước, có đoạn ngập sâu gần 0,5m khiến nhiều phương tiện gặp khó khăn trong lưu thông. Một số đoạn ngập, nhiều người cố đi qua nên xe bị chết máy. Tại các điểm ngập sâu, lực lượng chức năng đã căng dây và đặt biển cảnh báo nguy hiểm, hạn chế qua lại.
Ngoài ra, khu vực chợ Tam Kỳ ngập sâu, ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các tiểu thương và sinh hoạt của người dân trong khu vực. Người dân, tiểu thương đang chủ động dọn hàng, kê cao vật dụng và đóng cửa để giảm thiểu việc hại trong tình huống mưa kéo dài, nước ngập tiếp tục dâng cao. Còn tại con đường dẫn vào khu dân cư tổ 2 và tổ 3 của khối phố 8 (phường An Sơn, TP.Tam Kỳ) cũng bị ngập sâu hơn 0,5m. Ngay từ chiều qua, người dân đã tất tả dọn dẹp đồ đạc, kê cao để hạn chế thiệt hại.
Trên địa bàn huyện miền núi Nam Trà My đã xuất hiện sạt lở, sụt lún kè sân thể thao của nhà văn hóa xã Trà Don với chiều dài kè hư hỏng 32m, sụt lún đất khối lượng 120m3. Hiện tại đang có dấu hiệu tiếp tục sạt lở. Còn tại Quốc lộ 1A qua địa phận xã Tam Đàn (huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) cũng đã bị ngập nước từ 30-50cm khiến cho cho việc đi lại gặp nhiều khó khăn.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam, đến sáng ngày 16/10, mưa lớn những ngày qua đã khiến nhiều nơi bị cô lập, đời sống Nhân dân bị ảnh hưởng rất lớn. Theo đó, lực lượng chức năng đã hỗ trợ, tổ chức di dời, sơ tán xen ghép 102 hộ dân vùng ngập lụt. Trong đó, huyện Đông Giang có 04 hộ tại xã Ba, xã Tà Lu do bị ngập và sạt lở taluy phía sau nhà; Tp.Tam Kỳ có 30 hộ tại Tam Thăng, Hòa Thuận, An Xuân, Phước Hòa do ngập lụt. Tại huyện Tây Giang 5 hộ tại thôn Arooi, xã Gari và thôn Kxeeng, xã Dang nằm trong vùng nguy cơ sạt lở cao. Tại huyện Phú Ninh có 63 hộ tại Tam An, Tam Đàn được sơ tán do ngập lụt…
Ngoài ra, mưa lớn gây ngập, hư hại 118,8 ha lúa nước, hoa màu. Trong đó, huyện Đông Giang 2,5ha, thị xã Điện Bàn 37,3ha; huyện Quế Sơn 69ha; Thăng Bình 10ha. Tại huyện Thăng Bình có 1 người bị thương nhẹ do ngói làm rớt trúng đầu.
Mưa lớn cũng gây sạt lở, hư hỏng và ngập cục bộ nhiều tuyến đường giao thông nông thôn, tuyến đường xã, huyện, tỉnh. Một số tuyến giao thông bị chia cắt gây khó khăn trong công tác thống kê thiệt hại. Đã có hơn 500m bờ biển phường Cẩm An tại TP.Hội An bị sạt lở, hơn 1km bờ biển thôn Trung Phường, xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên bị sạt lở. Mưa lớn làm sập 1 cầu dân sinh ở huyện Thăng Bình.
Hiện nay, đang có 90 tàu cá với 2.529 lao động của tỉnh Quảng Nam đang hoạt động đánh bắt cá trên biển. Trong đó khu vực vùng lộng có 5 tàu/27 lao động; Khu vực Hoàng Sa có 36 tàu/420 lao động; Khu vực Trường Sa: 49 tàu/2.082 lao động. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã thông báo cho các tàu thuyền đang hoạt động trên biển về tình hình vùng áp thấp nhiệt đới và mưa dông, lốc xoáy để chủ động tránh trú an toàn.
Thực hiện nghiêm các phương án ứng phó mưa lũ
Theo dự báo, từ nay đến ngày 17/10, các địa phương trong tỉnh Quảng Nam tiếp tục có mưa vừa, mưa to, đến mưa rất to. Tổng lượng mưa các địa phương vùng núi phía Bắc phổ biến từ 150 - 300 mm, có nơi trên 350 mm; các địa phương vùng đồng bằng ven biển và vùng núi phía Nam phổ biến từ 200 - 400 mm, có nơi trên 500 mm. Mưa lớn gây ra nguy cơ xảy ra lũ, lũ quét, tại các sông, suối vùng núi, sạt lở đất đá ở sườn dốc, sông, suối nhỏ; gây ngập úng tại các vùng thấp trũng, nơi tập trung đông dân cư.
Cảnh báo từ nay đến ngày 18/10, các sông trên địa bàn tỉnh khả năng xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, biên độ lũ lên ở thượng lưu đạt từ 4 - 7 m, hạ lưu đạt từ 1 - 3 m. Đỉnh lũ trên các sông cụ thể như sau: Trên sông Vu Gia ở mức báo động 2 đến trên báo động 3, trên sông Thu Bồn ở mức báo động 2 đến trên báo động 2, trên sông Tam Kỳ ở mức báo đọng 1 đến báo động 2.
Để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan không được chủ quan, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, tập trung chỉ đạo, chủ động triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp ứng với với thiên tai.
Cụ thể, tập trung kiểm tra, rà soát, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực trên đảo, ven biển, ven sông, cửa sông có nguy cơ ảnh hưởng của sóng lớn, những khu vực được cảnh báo có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân theo Phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai của địa phương, đơn vị.
Bố trí lực lượng canh gác 24/24 giờ, cắm biển cảnh báo và kiên quyết trong việc ngăn cấm người dân đi lại qua các khu vực nguy hiểm (ngầm, tràn, tuyến đường bị ngập sâu, sạt lở,…); tạm dừng hoạt động các đò ngang và không để người dân đánh cá, vớt củi trên sông trong thời gian mưa lũ. Triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất, phòng chống ngập úng khu vực đô thị, khu công nghiệp.
Thông báo cho các doanh nghiệp đóng trên địa bàn có phương án để chủ động ứng phó với mưa lũ; tùy tình hình thực tế diễn biến của mưa lũ, tạo điều kiện cho công nhân, người lao động nằm trong vùng chịu ảnh hưởng của ngập lụt được nghỉ làm việc nhằm đảm bảo an toàn. Sẵn sàng vật tư, phương tiện, hậu cầu theo phương châm “4 tại chỗ” để kịp thời tổ chức ứng phó với thiên tai theo Phương án của địa phương, đơn vị đã được phê duyệt…
UBND tỉnh giao Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải triển khai lực lượng tại các vị trí ngập sâu trên tuyến Quốc lộ 1A và các tuyến giao thông huyết mạch để hướng dẫn, phân luồng, phân tuyến các phương tiện giao thông cơ giới đi lại an toàn; nghiêm cấm các phương tiện tham gia giao thông, đặc biệt các phương tiện chở người qua lại khi có mưa lũ, nhất là các bến phà. Sở Giao thông vận tải phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư kịp thời khắc phục ngay các điểm bị sạt lở đất đá, cây cối ngã đổ trên đường, bảo đảm thông tuyến, đi lại an toàn…
Do tình hình mưa lớn kéo dài đã gây ngập tại một số địa phương, Đà Nẵng đã có thông báo cho học sinh nghỉ học từ hôm nay (16/10). Theo đó, để đảm bảo an toàn cho trẻ mầm non, học sinh, sinh viên, Sở thông báo cho các phòng giáo dục quận, huyện, trường, trung tâm và các trường đại học tư thục nghỉ học ngày từ hôm nay. Sở GD&ĐT TP. Đà Nẵng yêu cầu tổ chức phân công trực ban 24/24 tại đơn vị với phương châm bốn tại chỗ. Thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến tình hình mưa lớn hiện nay, giữ liên lạc qua nhiều kênh thông để chủ động ứng phó an toàn, giảm thiệt hại do mưa lớn gây ra. Tình hình thời tiết còn phức tạp, kéo dài, Sở sẽ có thông báo tiếp theo.
Tương tự, Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Tam Kỳ (Quảng Nam) yêu cầu Hiệu trưởng các trường cho trẻ mầm non, mẫu giáo, học sinh tiểu học, trung học cơ sở nghỉ học để phòng tránh mưa to, ngập lụt. Tam Kỳ có hơn 24.600 học sinh từ mầm non đến trung học cơ sở. Sau ngày 16/10, hiệu trưởng các trường tùy vào tình hình thực tế tại địa phương, nếu xét thấy cần thiết cho học sinh nghỉ học tiếp để đảm bảo an toàn cho học sinh thì báo cáo về phòng.