Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Bình Định: Người dân dưới chân núi Cấm thấp thỏm trước mùa mưa bão

T.Nhân-N.Quỳnh - 19:43, 09/10/2023

Mùa mưa lũ năm 2023 đã cận kề với dự báo diễn biến rất khó lường. Tuy nhiên, đã 2 năm sau vụ núi Cấm, thôn Chánh Thắng, xã Cát Thành, huyện Phù Cát (Bình Định) bị sạt lở uy hiếp hàng trăm hộ dân sống dưới chân núi, chủ trương di dời dân của UBND tỉnh Bình Định vẫn chưa được thực hiện. Tính mạng người dân vẫn đang bị đe doạ vì sự chậm trễ của chính quyền địa phương.

Khoảng 117 hộ dân ở khu vực núi Cấm vẫn nơm nớp lo sạt lở khi mùa mưa đến
Khoảng 117 hộ dân ở khu vực núi Cấm vẫn nơm nớp lo sạt lở khi mùa mưa đến

Nơm nớp lo sạt lợ khi mùa mưa đến

Ngay sau khi xảy ra vụ sạt lở ở núi Cấm, UBND tỉnh Bình Định đã công bố tình khẩn cấp về sạt lở đất và có chủ trương di dời, cũng như bố trí tái định cư cho khoảng 117 hộ dân, nhưng vì nhiều nguyên nhân, đến nay vẫn chưa thực hiện được. Điều này, khiến các hộ dân sống trong cảnh nơm nớp lo sợ khi mùa mưa lũ gần kề.

Thống kê của các ngành chức năng, sau trận sạt lở đất cho thấy, do mưa lớn bắt đầu từ ngày 15/11/2021 đã khiến cho khoảng 35.000 m3 đất, đá từ trên đỉnh núi Cấm bị sạt lở, chảy vào nhà và sân vườn của gần 50 hộ dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài sản và tính mạng của hơn 100 hộ dân trên địa bàn. Hiện trường vụ sạt lở đất cách khu cư chừng 30m. Chính quyền địa phương sau đó đã giăng dây phong toả, phân công lực lượng để túc trực đảm bảo an toàn cho người dân không đến khu vực nguy hiểm.

Vụ sạt lở cuối năm 2021, khiến hàng chục ngàn khối đất, đá từ núi Cấm ập xuống, chảy vào nhà dân
Vụ sạt lở cuối năm 2021, khiến hàng chục ngàn khối đất, đá từ núi Cấm ập xuống, chảy vào nhà dân

Những ngày giữa tháng 10, chúng tôi trở lại xóm 1, thôn Chánh Thắng, xã Cát Thành, nằm sát chân núi Cấm. Đến bây giờ, nhiều người dân nơi đây, vẫn còn ám ảnh khi nhớ về trận lở đất xảy ra gần 2 năm. Nhất là khi những cơn mưa đầu mùa bắt đầu đổ xuống, nước từ trên đỉnh núi Cấm cuồn cuộn chảy, khiến cho nỗi lo của người dân càng lớn hơn. Bà Lê Thị Lấn (72 tuổi, thôn Chánh Thắng) cho biết: Sắp vào mùa mưa nên người dân ở gần khu vực núi Cấm cảm thấy thấy rất lo lắng. 

Mặc dù 2 năm trôi qua, nhưng bà vẫn còn nhớ như in vụ sạt lở vào năm 2021, đất đá từ trên núi trôi xuống làm vỡ tường rào và trôi vào nhà bà. “Cứ vào mùa mưa, nhất là khi xảy ra mưa lớn kéo dài gia đình tôi không dám ở trong nhà vì lo sạt lở. Năm trước, gia đình tôi được thông báo thuộc diện di dời, tái định cư ở nơi khác an toàn hơn nhưng đến nay, vẫn chưa được di dời”, bà Lấn buồn bã nói.

Tương tự, bà Mai Thị Huệ (64 tuổi, thôn Chánh Thắng) cho hay: Điểm sạt lở chỗ núi Cấm rất gần với nhà các hộ dân, rất nguy hiểm mỗi khi mưa gió đến. Do đó, người dân ở đây rất mong muốn các cấp chính quyền sớm bố trí chỗ ở mới cho các hộ dân để họ yên tâm làm ăn, bớt lo lắng mỗi khi mùa mưa tới. “Tôi lớn tuổi rồi, cứ thấy mưa là ôm đồ chạy đến chỗ khác, không dám ở nhà. Mong chính quyền sớm có biện pháp để hỗ trợ di dời người dân đến nơi an toàn”, bà Huệ nói thêm.

Cần sớm tái định cư cho người dân

Được biết, ngay sau xảy ra sạt lở, UBND tỉnh Bình Định đã ban công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai, chỉ đạo các ngành chức năng khẩn trương khắc phục hậu quả sạt lở tại núi Cấm và xây dựng khu tái định cư khẩn cấp cho 117 hộ dân sống trong vùng sạt lở tại này. 

Đến tháng 8/2022, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án xây dựng khu tái định cư di dời khẩn cấp các hộ dân trong vùng sạt lở núi Cấm và giao UBND huyện Phù Cát làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư dự án 32 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn đầu tư công của tỉnh Bình Định hỗ trợ 70% chi phí xây dựng; vốn đầu tư công huyện Phù Cát và các nguồn vốn hợp pháp khác chi trả.

Khu vực tái định cư cho người dân đến nay vẫn còn đang dang dở
Khu vực tái định cư cho người dân đến nay vẫn còn đang dang dở

Quy mô dự án gồm các hạng mục: Chỉnh trị dòng chảy thoát nước lưu vực núi Cấm; san nền mặt bằng khu tái định cư với diện tích 27.603 m2; đường giao thông, hệ thống thoát nước mưa, cấp nước sinh hoạt cho các hộ dân tái định cư. UBND tỉnh Bình Định giao huyện Phù Cát thực hiện các hạng mục này trong thời gian 2 năm (từ năm 2022-2023). Tuy nhiên đến nay, chủ đầu tư và các nhà thầu mới thực hiện cơ bản hoàn thiện phần chỉnh trị dòng chảy thoát nước lưu vực núi Cấm, còn phần khu tái định cư vẫn dở dang, nhà thầu mới đổ được một ít đất nền.

Trao đổi với phóng viên về tiến độ thực hiện dự án, ông Phạm Dũng Luận, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát cho biết: Nguyên nhân chậm hoàn thành khu tái định cư cho người dân vùng sạt lở núi Cấm là do vướng mỏ đất san lấp. Hiện địa phương cùng nhà thầu tập trung tháo gỡ các vướng mắc để sớm thi công hoàn thiện công trình.

Cũng theo ông Luận, hiện các thủ tục đấu thầu đã xong, nhà thầu đang thi công. Tuy nhiên, sau khi trúng thầu, nhà thầu mới đi tìm mỏ đất, việc làm thủ tục liên quan đến mỏ đất san lấp mất nhiều thời gian nên triển khai khu tái định cư chậm. Khả năng bố trí tái định cư cho người dân vùng sạt lở trong năm nay không kịp. Do đó, phương án tạm thời, là khi có mưa lớn, kéo dài sẽ di dời một số hộ dân có nguy cơ cao, đưa ra trụ sở thôn hoặc trường mẫu giáo thôn Chánh Thắng, xã Cát Thành để trú tránh, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.

Một số ngôi nhà của người dân sát khu vực núi Cấm
Một số ngôi nhà của người dân sát khu vực núi Cấm

Vào giữa tháng 9/2023, Tổ Kiểm tra số 2 công tác phòng chống thiên tai của UBND tỉnh Bình Định, đã kiểm tra công tác phòng chống thiên tai và tình hình sạt lở tại khu vực núi Cấm. Qua kiểm tra, ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh Bình Định cho biết: Hiện những khu vực sạt lở, cây đã lên chồi xanh. Huyện Phù Cát đã làm một mương thoát nước nhằm thay đổi dòng chảy từ điểm sạt lở xuống khu dân cư. Việc này cơ bản hạn chế được một lượng lớn đất đá đổ xuống khu dân cư nếu xảy ra mưa lớn kéo dài.

Ông Chương đề xuất, trong thời gian chưa hoàn thiện khu tái định cư, huyện Phù Cát phải có phương án đảm bảo an toàn cho người dân vào mùa mưa, đặc biệt là công tác di dời dân và sử dụng lực lượng tại chỗ để ứng phó thiên tai. Núi Cấm sau khi sạt lở thì đến nay, địa chất đã dần ổn định theo thời gian. “Chúng tôi cũng đã phối hợp cùng huyện Phù Cát, tạo một mương thoát nước phía núi để khi có nước mưa thì thoát về mương đó tạo ổn định cho khối trượt. Khu tái định cư thì huyện Phù Cát cũng đang tiến hành xây dựng. Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo địa phương chủ động sơ tán dân khi có mưa lớn”, ông Chương thông tin thêm.

Tuy các ngành chức năng tỉnh Bình Định đã triển khai phương án đảm bảo an toàn cho người dân. Nhưng nguyện vọng lớn nhất của người dân, vẫn là được di chuyển đến nơi ở mới an toàn. Mong rằng, UBND tỉnh Bình Định sẽ quyết liệt chỉ đạo các ngành chức năng tháo gỡ những vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ dự án, đáp ứng nguyện vọng của người dân. Việc này không chỉ giúp các hộ dân yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống mà còn thể hiện trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với người dân.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.