Nhiều diện tích rừng chết khô
Theo người dân địa phương, không biết vì nguyên nhân gì mà thời gian gần đây, hàng loạt cây bần, cây mắm có tuổi đời từ vài chục năm tuổi, thậm chí hàng trăm năm năm bỗng dung chết khô. Ghi nhận của Phóng viên cho thấy, dọc theo ven sông Trường Giang, hàng loạt cây rừng ngập mặn bị chết khô, trơ ra thân và nhánh như củi mục. Bên dưới nhếch nhác với rác thải bủa vây, bốc mùi hôi thối.
Ông Nguyễn Minh Vương, ở thôn thôn Đông Bình, xã Tam Giang chia sẻ: Từ lúc nhỏ, tôi nhìn thấy cánh rừng xanh tốt, nhiều cây lớn. Nhưng giờ chỉ còn một số cây lớn còn sống, còn đa phần đều chết khô mà không rõ nguyên nhân. Người dân cũng rất mong muốn cánh rừng được phục hồi, tôm cá lại về trú ngụ như xưa.
Một người dân khác nói: Trước đây, rừng bạt ngàn nhiều cây lớn sống theo từng mảng, tạo môi trường rất tốt cho các loài tôm, cá sinh trưởng. Nhưng, kể từ sau cơn bão cuối năm 2020, hàng ngàn cây trong hệ sinh thái rừng ngập mặn chết dần và chưa có dấu hiệu dừng lại. Kéo theo đó, số lượng tôm, cá và một số loài hải sản khác cũng giảm đi nhiều so với trước.
Việc rừng ngập mặn chết hang loạt không chỉ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái trong khu vực mà việc giảm số lượng tôm, cá cũng khiến cho cuộc sống của người dân gặp khó khăn. Bà Võ Thị Luật, thôn Đông Bình cho biết: Trước đây, nhiều người dân ở thôn Đông Bình sinh sống được nhờ đánh bắt cua, cá ở rừng ngập mặn, mỗi ngày có thể kiếm từ 300.000-400.000 đồng. Tuy nhiên, trong hai năm gần đây, ô nhiễm môi trường và bão đã làm cây rừng chết đi, thuỷ sản bắt đầu khan hiếm. Nay, mỗi ngày gia đình chỉ kiếm được khoảng 100.000 đồng. Nhiều người bỏ ghe để làm việc khác, hoặc xin vào làm công nhân ở các xí nghiệp.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Vinh – Phó Chủ tịch UBND xã Tam Giang, cho hay: Tổng diện tích rừng ngập mặn tại địa phương khoảng 25ha. Ngoài chức năng phòng hộ, rừng còn là nơi trú ngụ, sinh sản của nhiều loài tôm, cua, cá. Từ năm 2020 đến năm 2021, sau đợt bão mạnh đã khiến cho hơn 5ha rừng bị chết khó hồi phục. Đến thời điểm hiện tại, nhiều cây vẫn bị khô héo và đang chết dần. “Địa phương cũng có kế hoạch trồng cây lại khu vực này, nhưng kinh phí hạn hẹp nên chưa thể thực hiện được. Xã cũng mong các cấp chính quyền quan tâm, bố trí nguồn kinh phí để sớm hồi sinh cánh rừng quý”, ông Vinh bày tỏ.
Tìm cách hồi sinh rừng ngập mặn
Về vấn đề khôi phục lại rừng ngập mặn ở xã Tam Thanh, ông Ngô Đức An, Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành, cho biết: Xác định việc bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn ở xã Tam Giang là rất quan trọng, từ năm 2015 chính quyền đã triển khai dự án khôi phục rừng ngập mặn với tổng diện tích hơn 27ha. Trong đó, diện tích trồng rừng 23,9ha; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung 3,55ha; loài cây trồng rừng và khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung là cây đước, với mật độ trồng 6.666 cây/ha, khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung 2.500 cây/ha.
“Cùng với dự án trên, chính quyền cũng vận động người dân trồng lại một số diện tích rừng ngập mặn. Nhờ đó, cánh rừng ngập mặn ở địa phương dọc theo tuyến đê qua 4 thôn Đông An, Đông Bình, Đông Xuân và Hòa An, thuộc xã Tam Giang được phục hồi. Tuy nhiên, sau một thời gian, cây đã chết dần. Đến nay, rừng ngập mặn Tam Giang có khoảng 7ha rừng bị chết khô. Huyện cũng đã báo cáo với UBND tỉnh cũng như các sở, ngành liên quan để tìm nguồn kinh phí trồng lại diện tích rừng này”, ông An thông tin thêm.
Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiến hành quan trắc, đánh giá nguyên nhân rừng ngập mặn chết để có giải pháp cụ thể. Các phương án được đưa ra là triển khai trồng rừng phục hồi phần diện tích cây chết, chuyển đổi sang các loại cây trồng khác phù hợp hơn. Ngoài ra, có thể chuyển cây sang các vị trí khác để triển khai trồng rừng cho phù hợp hơn, đồng thời xử lý vấn đề môi trường tại khu vực bị ô nhiễm môi trường.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Quảng Nam đã thành lập đoàn kiểm tra, rà soát, đánh giá hiệu quả các dự án trồng rừng ngập mặn, tìm nguyên nhân và khẩn trương khắc phục tình trạng nhiều diện tích rừng bị chết khô. “Các cây tại rừng ngập mặn như cây mắm, cây đước, cây bần bị chết do thường xuyên bị ngập mặn và ngập sâu. Ngoài ra, do sự gia tăng bất thường của lượng chất hòa tan trong nước, các trầm tích lắng đọng trong suốt quá trình sinh trưởng làm cây bị chết. Còn có tác động vật lý, ví dụ gió bão mạnh quá thì cây bị lay gốc, lâu ngày cây chết”, ông Phạm Viết Tích, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam thông tin.