Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Bảo tồn trò chơi dân gian của đồng bào DTTS ở Sơn La: Khơi nguồn truyền thống trong nhịp sống hiện đại

Khánh Thư - 11:30, 13/11/2024

Thực hiện Dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Sơn La đã và đang triển khai phục dựng, phát triển các trò chơi dân gian của đồng bào DTTS. Điều này góp phần không nhỏ để bảo tồn nét đẹp văn hóa của dân tộc trong nhịp sống hiện đại, khuyến khích phong trào luyện tập và thi đấu thể dục thể thao trong Nhân dân.

(BÀI CĐ SƠN LA) Bảo tồn trò chơi dân gian của đồng bào DTTS ở Sơn La: Khơi nguồn truyền thống trong nhịp sống hiện đại
Cùng với văn hóa truyền thống đặc sắc thì mỗi dân tộc ở Sơn La lại có những trò chơi, môn thể thao riêng. (Trong ảnh: Ném pao là trò chơi dân gian truyền thống, đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông ở Tây Bắc nói chung và ở Sơn La nói riêng)

Trò chơi gắn kết cộng đồng

Tỉnh Sơn La có nền văn hóa truyền thống độc đáo, đa dạng của cộng đồng 12 dân tộc anh em. Cùng với văn hóa truyền thống đặc sắc thì mỗi dân tộc ở Sơn La lại có những trò chơi, môn thể thao riêng.

Đơn cử, với đồng bào dân tộc Thái, khi đến Sơn La dịp lễ, tết, ngày hội văn hóa, ngày đoàn kết toàn dân, mừng nhà mới, đám cưới,... không khó để bắt gặp hình ảnh đồng bào chơi “tó mák lẹ” (bắn quả lẹ) đông vui trên sân nhà, ngoài ngõ xóm.

Tại Giải vô địch đẩy gậy toàn quốc lần thứ 17 và Giải vô địch kéo co toàn quốc lần thứ 11 - năm 2023 được tổ chức tại thị xã Cửa Lò (Nghệ An), Đoàn thể thao tỉnh Sơn La có 38 vận động viên tham gia, dành 2 Huy chương Vàng đẩy gậy và 3 Huy chương Vàng môn kéo co.

Là người thường xuyên tham gia thi đấu “tó mák lẹ” tại các mùa Lễ hội hoa ban của TP. Sơn La, ông Lò Văn Yên, phường Chiềng Cơi cho hay: Trong tiếng Thái, “tó” nghĩa là “chọi” hoặc “đánh”; còn “mák lẹ” là hạt của một loại quả mọc trên rừng, thuộc họ dây leo, có hình tròn, mầu nâu đậm, chắc. 

Cách chơi “tó mák lẹ” đơn giản, ai cũng có thể tham gia, không phân biệt già trẻ, đàn ông hay phụ nữ. Sân chơi là những bãi đất bằng phẳng hoặc có thể ngay dưới gầm sàn.

“Trò chơi này không cần nhiều sức mạnh, nhưng đòi hỏi người chơi có sự khéo léo, tỉ mỉ, dẻo dai, yêu cầu độ chính xác cao. Trò này dễ chơi, dễ tạo tiếng cười vui vẻ cho tất cả mọi người, giúp bà con trong bản gắn chặt tình đoàn kết, tạo không khí vui tươi, sôi nổi, thi đua lao động, sản xuất hiệu quả”, ông Yên chia sẻ.

Cùng với trò “tó mák lẹ”, đồng bào dân tộc Thái ở Sơn La còn có các trò chơi khác như: Ném còn, đi cà kheo,... Bổ sung cho danh mục các trò chơi dân gian trên địa bàn tỉnh còn có các trò chơi độc đáo của các dân tộc khác. 

Trong đó, dân tộc Mông có đánh Tu lu, bắn nỏ, đánh cầu lông gà, ném pao; rồng ấp trứng... Với quá trình giao thoa, tiếp biến văn hóa, các trò chơi dân gian đã thành tài sản chung của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Đỗ Thế Công, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Sơn La, các trò chơi dân gian của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh vốn dĩ là những hoạt động vui chơi giải trí xuất phát từ lịch sử, lao động và văn hóa đời sống, do cộng đồng các dân tộc sáng tạo và được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Hiện nay, nhiều trò chơi đã được phát triển thành bộ môn thể thao nằm trong danh sách các môn thi tại các giải thi đấu thể thao các cấp, các kỳ đại hội thể dục thể thao cấp tỉnh.

(BÀI CĐ SƠN LA) Bảo tồn trò chơi dân gian của đồng bào DTTS ở Sơn La: Khơi nguồn truyền thống trong nhịp sống hiện đại 1
Khi đến Sơn La dịp lễ, tết, ngày hội văn hóa, ngày đoàn kết toàn dân, mừng nhà mới, đám cưới,... không khó để bắt gặp hình ảnh đồng bào dân tộc Thái chơi “tó mák lẹ”

“Gần đây nhất là giải kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ học sinh tỉnh Sơn La năm 2023 thu hút 360 vận động viên đến từ 20 đơn vị tham gia. Giải thi các môn thể thao dân tộc mừng Đảng, mừng Xuân tỉnh Sơn La năm 2024 diễn ra vào đầu năm nay thu hút 159 vận động viên, thi đấu 37 nội dung của 6 bộ môn: Kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, tung còn, cà kheo, tu lu”, ông Công cho biết.

Ưu tiên bảo tồn các trò chơi có nguy cơ mai một

Theo Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Sơn La, ông Đỗ Thế Công, những năm qua, tỉnh Sơn La đã triển khai nhiều giải pháp, tổ chức các hoạt động nhằm khuyến khuyến việc bảo tồn các trò chơi dân gian có tính khơi dậy tinh thần dân tộc và tình đoàn kết cộng động, phát triển thành các môn thể thao thi đấu ở các giải đấu các cấp.

Trong đó, “Đề án phát triển thể dục thể thao quần chúng giai đoạn 2021-2030” đang được ngành VHTT&DL tỉnh triển khai thực hiện đã tạo động lực để phát triển các môn thể thao dân tộc lên một tầm mới. Đề án được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2580/QĐ-UBND, ngày 26/11/2020.

(BÀI CĐ SƠN LA) Bảo tồn trò chơi dân gian của đồng bào DTTS ở Sơn La: Khơi nguồn truyền thống trong nhịp sống hiện đại 2
Lớp tập huấn Nghiên cứu, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các dân tộc có nguy cơ mai một (bao gồm môn thể thao Tu lu và bắn nỏ của người Mông) tại huyện Bắc Yên năm 2024

“Đề án nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản cả về quy mô và chất lượng của thể dục, thể thao quần chúng trên địa bàn tỉnh. Trong đó, hướng tới đa dạng hóa các hoạt động TDTT quần chúng, các môn thể thao dân tộc, khuyến khích phong trào thể thao trong các cơ quan, đơn vị, trường học, gia đình, góp phần nâng cao thể chất và tinh thần của nhân dân, xây dựng đời sống văn hoá cơ sở”, ông Công cho biết.

Để triển khai đề án, một trong những nguồn vốn được tỉnh Sơn La lồng ghép là từ Dự án 6 thuộc Chương trình MTQG 1719; trong đó ưu tiên bảo tồn, phát triển những trò chơi dân gian có nguy cơ mai một. Trong năm 2024, thực hiện Kế hoạch số 67/KH-UBND ngày 04/3/2024 của UBND tỉnh, Sở VHTT&DL tỉnh Sơn La đã phối hợp với huyện Bắc Yên triển khai nghiên cứu, bảo tồn môn thể thao dân tộc Tu lu và bắn nỏ của đồng bào dân tộc Mông.

Tu lu (tiếng Mông là “đánh quay”) là trò chơi thu hút đông đảo người dân tham gia. Đây có thể coi là một môn thể thao dân tộc truyền thống của đồng bào Mông, vì trò chơi thể hiện khá toàn diện tài năng và sức mạnh của thanh niên, đồng thời phô diễn một lối chơi, một kiểu chơi hoàn thiện.

Theo ông Thào A Mua, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên, cộng đồng dân tộc Mông ở huyện nói riêng, trên địa bàn tỉnh nói chung có nhiều trò chơi dân gian; trong đó bắn nỏ và Tu lu là những trò chơi được nhiều người yêu thích. Đây cũng là các môn thể thao dân tộc giúp chàng trai người Mông thể hiện sức mạnh, sự khéo léo, tinh nhanh, phán đoán tốt của mình.

“Tại các sự kiện văn hóa trên địa bàn huyện, trò chơi Tu lu, bắn nỏ cũng như các trò chơi dân gian khác đều được giới thiệu tới du khách gần xa. Các trò chơi tạo nên không khí vui tươi, đoàn kết giữa các thành viên trong cộng đồng thôn bản, góp phần lan tỏa nét đẹp truyền thống của người Mông”, ông Mua cho biết.

Thực hiện Dự án 6 thuộc Chương trình MTQG 1719, từ ngày 04-09/10/2024, Sở VHTT&DL tỉnh Sơn La phổi hợp với UBND huyện Bắc Yên đã tổ chức Lớp tập huấn nghiên cứu, bảo tồn môn thể thao Tu lu và bắn nỏ. Lớp tập huấn có sự tham gia của 50 học viên là những người yêu thích thể thao, trò chơi dân gian dân tộc Mông ở Bắc Yên.

(BÀI CĐ SƠN LA) Bảo tồn trò chơi dân gian của đồng bào DTTS ở Sơn La: Khơi nguồn truyền thống trong nhịp sống hiện đại 3
Tu lu là trò chơi thể hiện khá toàn diện tài năng và sức mạnh của thanh niên dân tộc Mông

Tại lớp tập huấn, các học viên được trao đổi về kỹ năng trong công tác bảo tồn, cách thức chơi môn Tu lu, bắn nỏ của người Mông; cách thức làm cây nỏ, tên nỏ và cách làm quả Tu lu, quảng bá và liên kết phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể trong phát triển du lịch với các chuyên đề bổ ích, sát thực, phù hợp với địa phương.

Theo Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Sơn La, ông Đỗ Thế Công, các học viên tham gia Lớp tập huấn sẽ là nòng cốt tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện Dự án 6 thuộc Chương trình MTQG 1719 ở cơ sở. Thời gian tới, để bảo tồn, phát huy các trò chơi dân gian các dân tộc đạt hiệu quả, Sở VHTTDL tỉnh sẽ phối hợp với các đơn vị, địa phương tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các nhà văn hóa ở khu dân cư, sân tập; chú trọng phát huy vai trò nòng cốt của trưởng bản, Người có uy tín ở cộng đồng, các hạt nhân thể dục thể thao để phát triển các trò chơi dân gian của đồng bào DTTS lên tầm cao mới.

Trong Kế hoạch số 67/KH-UBND ngày 04/3/2024 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình MTQG 1719 năm 2024, tỉnh Sơn La bố trí vốn để xây dựng câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại các bản vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng di dân tái định cư; tổ chức hoạt động thi đấu thể thao truyền thống tại huyện Mai Sơn và Yên Châu; hỗ trợ đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao tại các thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Tin cùng chuyên mục
Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Năm 2022, Nghệ An được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đây là tiền đề quan trọng để địa phương tiếp tục có những bước đi vững chắc trong công tác xóa mù chữ. Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, địa bàn cách trở… đang là những trở ngại đối với công tác xóa mù chữ, đòi hỏi tỉnh Nghệ An có những giải pháp phù hợp.