Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình MTQG 1719 góp phần thu hẹp dần khoảng cách về mức sống cho người dân huyện Tương Dương

An Yên - 13:30, 13/11/2024

Trao đổi với Báo Dân tộc và Phát triển về kết quả thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, Chủ tịch UBND huyện Tương Dương (Nghệ An) Đinh Hồng Vinh khẳng định: Chương trình đã góp phần thay đổi tích cực đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào vùng DTTS và miền núi. Nhìn chung, các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình cơ bản đã đạt so với kế hoạch đề ra.

Mô hình trồng cà chua múi tại bản Phòng, thị trấn Thạch Giám
Mô hình trồng cà chua múi tại bản Phòng, thị trấn Thạch Giám

Nhiều chỉ tiêu cơ bản đạt so với kế hoạch

Tổng nguồn vốn giai đoạn 2021 - 2025, huyện Tương Dương được phân bổ để thực hiện 10 dự án của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), là hơn 700 tỷ đồng.

Nhìn từ tiêu chí thu nhập bình quân đầu người, hiện tại là khoảng 37 triệu đồng/năm, dự kiến hết năm 2025 là 39 triệu đồng/năm. Đối với tỷ lệ hộ nghèo theo kế hoạch là giảm hơn 3%/năm, thì hiện tại địa phương đã đạt mức hơn 27%, dự kiến đến hết 2025 chỉ còn 23%.

Mức sống của người dân được cải thiện hơn thông qua nhiều chỉ số “sát sườn” được nâng lên. Cụ thể, huyện Tương Dương phấn đấu tỷ lệ đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh là 90%, thì nay đã đạt 99,8%; tỷ lệ người dân sử dụng điện lưới sinh hoạt đạt 99%, thì nay đã đạt 100%; tỷ lệ đồng bào tham gia BHYT đạt 98%, thì nay đã đạt 99%; tỷ lệ thôn có đội văn hóa văn nghệ đạt 50%, thì nay đã đạt 100%...

Lĩnh vực hạ tầng cơ sở có nhiều khởi sắc nhờ được đầu tư nhiều hạng mục công trình quan trọng. Tính đến nay, đã có 51 công trình xây dựng từ nguồn vốn đầu tư được thực hiện, gồm 5 công trình đường giao thông, 7 công trình nhà văn hóa, 4 công trình y tế, 12 công trình giáo dục, 2 công trình chợ, 21 công trình hạ tầng khác. Nhờ thế, đã nâng cao tỷ lệ % so với đầu nhiệm kỳ. Hiện nay, tỷ lệ thôn có đường ô tô cứng hóa đến trung tâm xã đạt 86%, trong khi kế hoạch đầu nhiệm kỳ là 70%, tỷ lệ thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng đề ra là 80%, thì nay đã đạt 97%...

Minh chứng như thực hiện Dự án 1, từ nguồn vốn được phân bổ, địa phương đã thực hiện hỗ trợ đất ở cho 10 hộ dân/2 bản, trung bình mỗi hộ 205m2; hỗ trợ 133 nhà ở đáp ứng nhu cầu an cư của người dân vùng miền núi. Để người lao động có nghề, có nghiệp, Tương Dương đã thực hiện hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, mua sắm máy móc cho 1.395 hộ, giúp người dân có thêm cơ hội bám làng, bám bản. 

Trong giai đoạn 2022 - 2024, đã có 4 công trình nước sinh hoạt tập trung được đầu tư tại các xã Lưu Kiền, Hữu Khuông, Nga My, Tam Quang; 567 hộ gia đình được hỗ trợ công trình nước sinh hoạt phân tán…

Mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng ở bản Coọc, xã Yên Hòa
Mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng ở bản Coọc, xã Yên Hòa

Một trong những dự án mang lại "cơm áo" cho người dân vùng miền núi Tương Dương, là Dự án 3, về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Theo đó, tổng diện tích hỗ trợ bảo vệ rừng, khoán bảo vệ rừng của huyện được thực hiện là 93.326,47ha, thì đã hỗ trợ bảo vệ rừng 38.511,09ha cho 5.958 hộ gia đình và hỗ trợ khoán bảo vệ rừng 54.815,38ha cho 160 tổ cộng đồng.

Cũng trong Dự án 3 này, đã có 19 mô hình phát triển sản xuất cộng đồng đã được giao cho 406 hộ tham gia, 2 dự án trồng dược liệu cũng đã có 35 hộ gia đình tham gia góp phần khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế địa bàn miền núi, từng bước ổn định cuộc sống cho người dân địa phương.

Chủ tịch UBND huyện Tương Dương Đinh Hồng Vinh nhấn mạnh: Chương trình MTQG 1719 được triển khai góp phần quan trọng trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, kết nối với các vùng phát triển. Lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa đã có sự phát triển đồng bộ; bản sắc văn hóa được giữ gìn và phát huy…

Nhiều vấn để cần tiếp tục điều chỉnh

Dù đạt được nhiều kết quả quan trọng từ thực hiện các dự án, nội dung Chương trình MTQG 1719, song vùng đồng bào DTTS và miền núi huyện Tương Dương vẫn còn nhiều khó khăn. Cụ thể, cơ sở hạ tầng mặc dù đã có sự đầu tư nâng cấp, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; trình độ dân trí chưa đồng đều giữa các vùng; việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất còn nhiều hạn chế. Đáng chú ý, số hộ nghèo người DTTS còn chiếm tỷ lệ cao so với tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện. Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo người DTTS chiếm 99,19% so với hộ nghèo chung của địa phương.

Cùng với những khó khăn mang tính khách quan, thì quá trình thực hiện Chương trình MTQG 1719 những năm qua cho thấy, công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện một số dự án, tiểu dự án của còn lúng túng; việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ của một số phòng, ngành cấp huyện với cấp xã có lúc chưa nhịp nhàng; chưa kể quá trình kiểm tra, giám sát thực hiện các dự án, tiểu dự án và đánh giá hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ chưa được thường xuyên và kịp thời.

Xây dựng đường giao thông nông thôn ở xã Nhôn Mai
Xây dựng đường giao thông nông thôn ở xã Nhôn Mai

Với mục tiêu nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình MTQG 1719 trong giai đoạn tới, huyện Tương Dương đã đề xuất nhiều vấn đề, nội dung cần sớm sửa đổi, bổ sung trong quá trình thực hiện.

Ông Đinh Hồng Vinh, Chủ tịch UBND huyện Tương Dương chia sẻ: Tại Nội dung số 1, Tiểu dự án 1, Dự án 4 có ghi “Nội dung duy tu, bảo dưỡng công trình”; thì cần quy định rõ hơn, cụ thể hơn nội dung “công trình cơ sở hạ tầng các xã, thôn đã đầu tư từ giai đoạn trước” là công trình như thế nào, có yêu cầu về nguồn vốn đầu tư của công trình là từ nguồn nào không, giai đoạn trước được hiểu là từ khoảng thời gian nào để đảm bảo tính thống nhất trong cách hiểu và thực hiện tại cơ sở. Ở Tiểu dự án 2, Dự án 9, thì cần bổ sung thêm nhóm “người dân trong vùng đồng bào DTTS và miền núi” để đảm bảo hiệu quả thực hiện của dự án được sâu rộng hơn.

Cũng theo ông Vinh, để đảm bảo tính khả thi của từng dự án và hiệu quả sử dụng ngồn vốn cần có lộ trình thực hiện các dự án, nhóm dự án theo mức độ tăng dần, hoàn thiện dần chương trình tránh thực hiện ồ ạt cùng một lúc, một thời điểm khi công tác ban hành văn bản để triển khai chưa đồng bộ, thống nhất, chưa kịp thời dẫn đến nhiều khó khăn, vướng mắc.

"Mặt khác, cấp trên cần xem xét lại cách thức tính điểm cho địa phương một cách hợp lý. Nguồn vốn phân bổ cho địa phương cần dựa trên nhu cầu thực tế của địa phương, tránh tình trạng phân bổ vượt quá nhu cầu và đối tượng thụ hưởng", ông Vinh đề xuất.

Tin cùng chuyên mục
Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai làm việc với Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang

Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai làm việc với Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang

Đoàn công tác tỉnh Lào Cai do ông Lý Seo Vảng - Phó Trưởng Ban cùng công chức Ban Dân tộc và đại biểu Người có uy tín trong đồng bào DTTS tỉnh Lào Cai vừa có chuyến công tác, học tập, trao đổi kinh nghiệm tại tỉnh Bắc Giang.