Cụ thể, từ nay cho đến hết năm 2025, Dự án triển khai giao khoán bảo vệ, chăm sóc và trồng mới với diện tích khoảng 258 ha, trồng mới 7.300 cây ngập mặn phân tán dọc các khu vực bãi triều ven đầm và các ao hồ nuôi trồng thủy sản. Dự án được giao cho Trung tâm Khuyến nông (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thực hiện, tổng kinh phí hơn 496 triệu đồng.
Mục tiêu của Dự án là bảo vệ diện tích rừng ngập mặn hiện có, trồng thêm cây phân tán, thực hiện giao khoán bảo vệ rừng tạo việc làm cho người dân, tăng độ che phủ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, tái tạo và phục hồi nguồn lợi thủy sản các vùng đầm… kết hợp phát triển du lịch sinh thái dưới tán rừng.
Đến nay, toàn tỉnh có hơn 88 ha rừng ngập mặn tập trung và 1.000 ha diện tích cây ngập mặn trồng phân tán. Riêng trong năm 2022, Trung tâm Khuyến nông trồng mới thêm 2.100 cây ngập mặn dọc các bãi triều, bờ bao ở Khu sinh thái Cồn Chim - đầm Thị Nại.
Theo Ts. Nguyễn Đình Thành - Trưởng phòng Nghiên cứu xã hội (Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH tỉnh Bình Định), rừng ngập mặn ở Bình Định chủ yếu tập trung tại vùng đầm Thị Nại, Đề Gi. Tuy nhiên, tại những vùng này do độ mặn, nhiệt độ, thể nền (bùn sét, cát bùn) không phù hợp nên công tác trồng rừng gặp khó khăn, để rừng phát triển được là cả một nỗ lực, bởi vậy tỉnh rất quan tâm công tác bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn. Nhờ đó, vài năm trở lại đây diện tích rừng ngập mặn của tỉnh được phục hồi và phát triển tạo cảnh quan sinh thái du lịch, tạo sinh kế bền vững cho ngư dân.
Tuy nhiên, trước quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, không tránh khỏi việc ảnh hưởng đến diện tích rừng ngập mặn, vì vậy cũng cần nhìn nhận vấn đề này để tính toán hợp lý.