Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Người có uy tín ở Quảng Nam - "Điểm tựa" của đồng bào DTTS

T.Nhân - H. Trường - 19:06, 13/11/2024

Quảng Nam có 386 Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS. Trong những năm qua, đội ngũ này đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình trên các mặt công tác và được xem là lực lượng quần chúng đặc biệt, là “điểm tựa” của đồng bào DTTS.

Già Hồ Trường Sinh là Người có uy tín ở mẫu mực đối với đồng bào ở Bắc Trà My.
Già Hồ Trường Sinh là Người có uy tín tiêu biểu ở Bắc Trà My

Những tấm gương mẫu mực trong cộng đồng DTTS

Không chỉ đi đầu trong làm kinh tế giỏi, ông Hồ Trường Sinh, Người có uy tín ở xã Trà Giang, huyện Bắc Trà My còn được người dân địa phương quý mến bởi sự nhiệt huyết trong công việc và tấm lòng thơm thảo của ông đối với cộng đồng. Trước đây, thấy hoàn cảnh chị Hồ Thị Bé mồ côi cha mẹ, không nơi nương tựa, ông Sinh đã nhận làm con nuôi, cho ăn học đến nơi đến chốn rồi gả chồng. Ông còn cắt bớt đất của gia đình để cho chị Bé làm nhà, ổn định cuộc sống. Hiện nay, ông cũng đang nhận đỡ đầu cho hai anh em ruột dân tộc Co bị mồ côi, ăn học đến khi trưởng thành.

Ông cũng là người tiên phong trong việc vận động đồng bào thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong phát triển kinh tế xã hội, góp phần làm khởi sắc bản làng người Co ở Trà Giang. Năm ngoái, khi địa phương có chủ trương làm đường dân sinh, ông đã đứng ra vận động nhiều hộ dân hiến đất để đẩy nhanh tiến độ. Để dân tin và nghe theo, gia đình ông đã tự nguyện hiến hơn 120m2 đất, nhờ đó con đường bê tông đã hoàn thành nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu đi lại, sản xuất của bà con.

Ở xã Phước Mỹ, huyện Phước Sơn, ông Hồ Văn Ly (70 tuổi) được xem là “cây cao bóng cả” của cộng đồng người Ca Dong. Nhờ sự khéo léo trong giao tiếp, ứng xử, các phong trào hoạt động do già Ly phát động như làm đường bê tông nội thôn, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc... đều được bà con trong thôn đồng thuận, tích cực hưởng ứng.

Trăn trở trước thực trạng đời sống người dân trong xã còn gặp nhiều khó khăn, sau khi tìm hiểu kỹ từ những chuyến đi học tập kinh nghiệm làm kinh tế, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, ông Ly cùng lực lượng Người có uy tín ở địa phương đã tuyên truyền cho người dân chuyển đổi mô hình sản xuất, một số hộ dân đã áp dụng đạt hiệu quả khả quan.

Ông Hồ Văn Ly - Người có uy tín ở Phước Sơn phát huy tốt vai trò của mình đối với cộng đồng.
Ông Hồ Văn Ly - Người có uy tín ở Phước Sơn phát huy tốt vai trò của mình đối với cộng đồng

Theo già Ly, để tuyên truyền, vận động người dân hiệu quả, việc đầu tiên là phải phát huy vai trò nêu gương. Thật vậy, từ 3 con bò được hỗ trợ từ Chương trình MTQG 1719, đến nay, gia đình ông đã sở hữu đàn bò lên đến 15 con, trị giá hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, gia đình ông còn phát rẫy, trồng được 5ha keo, nuôi hơn 100 con gà, với thu nhập mỗi năm từ 400 - 500 triệu đồng. Sắp tới, ông dự định sẽ trồng thử nghiệm sầu riêng trên đất rẫy.

Đối với đồng bào Cơ Tu ở Đông Giang, già Cơlâu Nhím (77 tuổi) được ví như người giữ hồn văn hóa truyền thống của đồng bào. Từng là cán bộ ngành điện ảnh, già Cơlâu Nhím có kinh nghiệm trong hoạt động nghệ thuật, nhất là trình diễn văn hóa truyền thống miền núi. Mỗi lần già xuất hiện với chiếc khèn trên tay, cả núi rừng như bước vào hội.

Mỗi lần đi, gặp gỡ những người bạn có cùng đam mê nhạc cụ truyền thống là mỗi lần già sưu tầm thêm cho mình những kiến thức mới. Những kiến thức đó lại được già Cơlâu Nhím tâm huyết truyền dạy cho thế hệ trẻ Cơ Tu như một cách tri ân cộng đồng.

Ngoài có duyên với nhạc cụ truyền thống, già Cơlâu Nhím còn có niềm đam mê đặc biệt trong việc chế tác những dụng cụ truyền thống, phục vụ trong đời sống của người  Cơ Tu như khèn, đàn, gùi... và chế tác phù điêu trang trí nhà Gươl. Hiện nay, ông cũng đang truyền nghề đục đẽo tượng và phù điêu cho người trẻ với mong muốn họ tạo ra những sản phẩm độc đáo, góp phần phát triển du lịch cộng đồng.

Tiếp tục phát huy vai trò của Người có uy tín

Ông Sinh, ông Ly, ông Cơlâu Nhím là một trong những lát cắt tiêu biểu trong hàng trăm Người có uy tín ở địa phương trong phát huy vai trò của mình đối với cộng đồng, địa phương. Trong giai đoạn 2023 – 2027, Quảng Nam có 386 Người có uy tín trong cộng đồng các DTTS. Với trách nhiệm, nhiệt huyết của mình, trên nhiều lĩnh vực, lực lượng này đã có đóng góp không nhỏ trong việc tuyên truyền, phổ biến các chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân.

Già Mạc Văn Min nổ lực sưu tầm, bảo tồn nói lý, hát lý ở đồng bào Cơ Tu.
Già Mạc Văn Min nỗ lực sưu tầm, bảo tồn nói lý, hát lý của đồng bào Cơ Tu

Một trong những người góp công sưu tầm các nét đẹp văn hóa dân tộc Cơ Tu, trong đó có điệu hát lý, nói lý ở Đông Giang không thể không nhắc đến ông Mạc Văn Min (77 tuổi, thôn Tống Cóoi, xã Ba). Lo sợ trước nguy cơ mai một, già đã lặn lội nhiều nơi để sưu tầm và trao truyền lại cho những người trẻ. Mỗi lần tiếp thu được kiến thức mới, già đều ghi chép cẩn thận vào vở, sau đó tập hợp lại để phổ biến mỗi khi có hội làng hoặc dịp tổ chức văn nghệ.

Hay tại xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, ông Bríu Thiện, Bí thư Chi bộ thôn Bhơ Hôồng cũng là một trong những Người uy tín được người dân quý mến. Dù đã ngoài 70 tuổi, nhưng ông vẫn luôn nhiệt huyết với công việc, gương mẫu trong đời sống. Ngoài việc tuyên truyền đồng bào Cơ Tu thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, già Thiện còn góp công rất lớn trong việc bảo tồn nghề đan lát truyền thống.

Theo Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam, Người có uy tín ở địa phương có những đóng góp quan trọng vào kết quả thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Họ tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương, làm tốt công tác tuyên truyền vận động, xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy đảng, chính quyền và người dân.

Quảng Nam nổ lực thực hiện các chính sách cho Người có uy tín.
Quảng Nam nỗ lực thực hiện các chính sách cho Người có uy tín

Trong thời gian qua, các chính sách dành cho Người có uy tín trong đồng bào DTTS được quan tâm. Người có uy tín được thăm hỏi lúc ốm đau, tặng quà trong những dịp lễ, Tết truyền thống... Bên cạnh đó, việc triển khai Tiểu dự án 1 - Dự án 10 Chương trình MTQG 1719, các cấp cũng định kỳ biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của Người có uy tín. Các chính sách như tập huấn, cung cấp thông tin, ấn phẩm báo cho lực lượng Người có uy tín được thực hiện đều đặn.

Ông A Lăng Mai, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam cho biết: Việc thực hiện tốt các chế độ, chính sách đã kịp thời động viên, khích lệ, tạo điều kiện cho Người có uy tín phát huy vai trò, tiếng nói của mình, có nhiều đóng góp thiết thực hơn trong việc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, góp phần củng cố niềm tin, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tin cùng chuyên mục
Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Năm 2022, Nghệ An được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đây là tiền đề quan trọng để địa phương tiếp tục có những bước đi vững chắc trong công tác xóa mù chữ. Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, địa bàn cách trở… đang là những trở ngại đối với công tác xóa mù chữ, đòi hỏi tỉnh Nghệ An có những giải pháp phù hợp.