Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Quảng Nam: Hướng đi hiệu quả của hợp tác xã nông nghiệp

Như Lan - 18:09, 03/12/2020

Thời gian qua, kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã (HTX) nông nghiệp của Quảng Nam có bước phát triển vượt bậc. Con đường tất yếu là xây dựng những HTX kiểu mới, liên kết mạnh mẽ với doanh nghiệp để hình thành chuỗi giá trị, góp phần bảo đảm hiệu quả sản xuất. Việc củng cố kinh tế tập thể, HTX nông nghiệp góp phần thực hiện Tiêu chí số 13 (hình thức tổ chức sản xuất) trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM).

Phát triển HTX nông nghiệp là yêu cầu khách quan, cấp thiết để đảm bảo cho kinh tế nông nghiệp của tỉnh Quảng Nam phát triển bền vững (Ảnh: TL)
Phát triển HTX nông nghiệp là yêu cầu khách quan, cấp thiết để đảm bảo cho kinh tế nông nghiệp của tỉnh Quảng Nam phát triển bền vững (Ảnh: TL)

Nâng cao hiệu quả hoạt động

Sau khi Luật HTX năm 2012 được ban hành, mô hình HTX kiểu mới đã trở thành lựa chọn của không ít người dân. Đặc biệt, với nhiều cách làm đa dạng và hiệu quả, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều HTX ở Quảng Nam đã có những chuyển biến tích cực. Theo đó, doanh thu và thu nhập của người lao động trong HTX được cải thiện, chất lượng thành viên HTX được nâng lên.

Theo thống kê, toàn tỉnh Quảng Nam có khoảng 400 HTX hoạt động ở các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau với sự tham gia của 228.907 thành viên. Tổng vốn hoạt động hơn 1.892 tỷ đồng. Doanh thu bình quân của mỗi HTX hơn 2,7 tỷ đồng, lãi gộp bình quân của mỗi HTX hơn 550 triệu đồng, thu nhập bình quân của người lao động làm việc thường xuyên trong HTX hơn 48 triệu đồng/năm.

Đáng chú ý, các HTX đã từng bước mở rộng và nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ hữu ích đối với nông nghiệp, nông thôn. Nhiều HTX đã tạo sức cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác, trong đó, làm tốt việc đưa giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng, giá trị cao vào sản xuất. Các HTX sản xuất chuyên ngành chăn nuôi, thủy sản đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, hệ thống chuồng trại tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng, từng bước mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh tăng thu nhập…

Qua 10 năm triển khai chương trình NTM, các HTX đã thực hiện nhiều phần việc và được xem là nhân tố hết sức quan trọng, không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân mà còn làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn trong thời kỳ hội nhập.

Một điển hình của HTX hoạt động hiệu quả, tác động của HTX vào phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương là HTX nông nghiệp Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, nơi có nhiều giải pháp phát triển HTX kiểu mới hiệu quả.

HTX Ái Nghĩa thành lập tháng 9/1979, đã chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012, mở ra nhiều ngành nghề kinh doanh có hiệu quả như sản xuất lúa giống, giết mổ gia súc, làm bánh tráng, dịch vụ vật tư nông nghiệp… đáp ứng nhu cầu của thành viên và tạo viêc làm cho nhiều lao động địa phương.

Mô hình của HTX nông nghiệp Ái Nghĩa hoạt động hiệu quả, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương (Ảnh:TL)
Mô hình của HTX nông nghiệp Ái Nghĩa hoạt động hiệu quả, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương (Ảnh:TL)

Theo đó, hoạt động hiệu quả, lợi nhuận sản xuất, kinh doanh của HTX nông nghiệp Ái Nghĩa tăng đều qua các năm. Năm 2014 đạt 211 triệu đồng, năm 2015 là 241 triệu đồng và năm 2018 là 280 triệu đồng, năm 2019 lợi nhuận đạt lên 300 triệu đồng...

Tạo điều kiện thuận lợi để phát triển

Trong 5 năm gần đây, mặc dù đối mặt với không ít khó khăn, nhưng nhờ sự nỗ lực từ nhiều phía, lĩnh vực kinh tế tập thể của Quảng Nam có bước chuyển mình mạnh mẽ. Hiện nay, trước yêu cầu của sản xuất hàng hóa theo cơ chế thị trường và áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng, người nông dân sản xuất nhỏ lẻ sẽ gặp vô vàn khó khăn. Theo đó, việc phát triển kinh tế hợp tác, HTX mà nòng cốt là HTX nông nghiệp là yêu cầu khách quan, cấp thiết để đảm bảo cho kinh tế nông nghiệp của tỉnh Quảng Nam phát triển bền vững.

Tại Đại hội Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam khóa VI vừa qua, ông Lê Văn Nghị, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam nhấn mạnh: Trong quá trình phát triển, nhất thiết tỉnh Quảng Nam phải xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp, HTX, các hộ nông dân theo chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.

Do đó, thời gian tới, Quảng Nam cần tiếp tục củng cố, đổi mới mô hình HTX nông nghiệp cả về tổ chức, quản lý và hoạt động sản xuất - kinh doanh. Đẩy mạnh việc phát triển các loại hình dịch vụ mới phục vụ sản xuất và đời sống cho thành viên HTX và người dân trên địa bàn như thú y, bảo vệ thực vật, tiêu thụ nông sản, nước sạch nông thôn, vệ sinh môi trường... nhằm đem lại lợi ích cho thành viên, hộ nông dân và không ngừng tích lũy cho kinh tế tập thể, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

Sản phẩm bánh tráng Đại Lộc của HTX Nông nghiệp Ái Nghĩa được công nhận đạt hạng 4 sao OCOP (Ảnh:TL)
Sản phẩm bánh tráng Đại Lộc của HTX Nông nghiệp Ái Nghĩa được công nhận đạt hạng 4 sao OCOP (Ảnh:TL)

Theo mục tiêu đặt ra, từ nay đến năm 2025, Quảng Nam phấn đấu thành lập mới từ 300 - 500 Tổ hợp tác (THT), 180 - 200 HTX, 4 Liên hiệp HTX; Mỗi huyện, thị xã, thành phố xây dựng ít nhất từ 2 - 3 mô hình HTX kiểu mới liên kết sản xuất gắn với chuỗi giá trị hàng hóa; Doanh thu bình quân của HTX tăng khoảng 4 - 5%/năm; thu nhập bình quân của người lao động thường xuyên trong HTX tăng từ 3 - 6%/năm; lãi bình quân của HTX tăng từ 2 - 5%/năm.

Đồng thời, Quảng Nam cũng phấn đấu có ít nhất 20% HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. 100% HTX trong xã đạt chuẩn NTM hoạt động hiệu quả, đảm bảo tiêu chí số 13 trong bộ 19 tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM; có ít nhất 50 HTX tham gia chương trình OCOP... Phấn đấu đến năm 2025 có 85% HTX hoạt động có hiệu quả.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.