Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Quảng Nam: Đồng bào ở vùng cao, biên giới an cư lạc nghiệp

Mạnh Cường- Tiêu Dao - 08:05, 28/08/2023

Vùng đồng bào DTTS và miền núi là khu vực phên dậu của Tổ quốc, giữ vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, quốc phòng, an ninh của đất nước. Trong suốt chiều dài lịch sử, đồng bào DTTS một lòng giữ trọn niềm tin với Đảng, đóng góp sức mình cho cách mạng cũng như công cuộc đổi mới của đất nước hiện nay.Tại tỉnh Quảng Nam, để giúp đồng bào DTTS và miền núi ở vùng cao biên giới an cư lạc nghiệp, những năm qua tỉnh đã thực hiện quy hoạch sắp xếp dân cư với phương châm “nơi ở mới phải bằng hoặc hơn nơi ở cũ”.

Các khu định canh định cư cho đồng bào vùng cao, biên giới của tỉnh Quảng Nam được xây dựng theo mô hình quần cư.
Các khu định canh định cư cho đồng bào vùng cao, biên giới của tỉnh Quảng Nam được xây dựng theo mô hình quần cư.

Những nóc làng bình yên

Những năm trước 1975, các dân tộc, nhóm dân tộc ở miền núi, vùng cao biên giới ở Quảng Nam như Cơ Tu, Bh’nong (thuộc dân tộc Giẻ Triêng), Xơ Đăng, Cor… đều sống du canh du cư. Từ sau ngày đất nước thống nhất, Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện chiến lược phân bố, quy hoạch lại các vùng dân cư để phát triển hài hòa, cân đối, bền vững và góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia. Nhiều chương trình lồng ghép trong bảo vệ rừng và định canh định cư được triển khai thực hiện, theo đó đồng bào các dân tộc ở miền núi Quảng Nam cũng được đầu tư rất lớn để ổn định cuộc sống.

Khu vực miền núi Quảng Nam gồm 9 huyện Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn, trong đó có 2 huyện biên giới là Tây Giang và Đông Giang có địa hình hầu hết là đồi núi, độ dốc lớn, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai như lũ quét, sạt lở đất. Đặc biệt, những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan liên tục xảy ra đã tác động rất lớn đến đời sống và sản xuất của người dân.

Để người dân vùng đồng bào DTTS và vùng cao biên giới có chỗ ở ổn định, an tâm phát triển kinh tế - xã hội, nhiều năm qua, từ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước như Chương trình 134, 135, 30a, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là CTMTQG 1719), các ngành liên quan cùng chính quyền các địa phương miền núi tỉnh Quảng Nam đã nỗ lực triển khai công tác quy hoạch, sắp xếp, bố trí dân cư vùng.

Đồng bào DTTS vùng cao tỉnh Quang Nam yên tâm khi được ở trong những ngôi nhà tái định cư “ba cứng” (cứng mái, cứng vách, cứng nền).
Đồng bào DTTS vùng cao tỉnh Quang Nam yên tâm khi được ở trong những ngôi nhà tái định cư “ba cứng” (cứng mái, cứng vách, cứng nền).

Cụ thể, thực hiện việc bố trí sắp xếp, ổn định dân cư theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21/1/2012 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Quảng Nam đã ban hành Nghị quyết số 12/2017/NQ-HĐND ngày 19/4/2017 và Nghị quyết số 31/2018/NQ-HĐND ngày 28/9/2018 của HĐND tỉnh Quảng Nam về phát triển kinh tế - xã hội miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025. Theo đó, giai đoạn 2013 - 2020, tỉnh đã hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho 7 khu tái định cư tập trung, quy mô bố trí 544 hộ, với tổng giá trị thực hiện đầu tư là 90,1 tỷ đồng; hỗ trợ di dời nhà trực tiếp cho 1.197 hộ gia đình thực hiện di dời - tái định cư trong nội vùng dự án với tổng kinh phí đã thực hiện 23,4 tỷ đồng.

Về thực hiện cơ chế sắp xếp, ổn định dân cư theo Nghị quyết số 12 của HĐND tỉnh, từ năm 2017-2020, tỉnh đã thực hiện sắp xếp di dời chỗ ở cho tổng số hơn 6.800 hộ dân; thực hiện di dời chỉnh trang tại chỗ cho 39 hộ; giải ngân tổng kinh phí 365 tỷ đồng.

Đáng chú ý, ngày 2/7/2021, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam đã thông qua Nghị quyết số 23/2021/NQ-HĐND về quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ sắp xếp, ổn định dân cư trên địa bàn 9 huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025. Theo đó 9 huyện gồm: Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Nam Giang, Tây Giang, Đông Giang, Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn được hỗ trợ tổng kinh phí 968 tỷ đồng để thực hiện việc quy hoạch, sắp xếp, ổn định lại dân cư. Tổng số hộ cần phải di dời trong giai đoạn 2021 - 2025 là 5.280 hộ, trong đó di dời tập trung 2.958 hộ và di dời xen ghép 2.322 hộ. Dự tính, tổng kinh phí xây dựng quy hoạch chi tiết 57 điểm tái định cư này là 11,4 tỷ đồng. Tổng kinh phí hỗ trợ người dân di chuyển nhà cửa là hơn 349 tỷ đồng.

Tỉnh Quảng Nam cũng chi gần 274 tỷ đồng xây dựng 44 khu tái định cư với tổng diện tích 62,7ha để bố trí chỗ ở cho 2.034 hộ dân di dời theo diện tập trung.

Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cuộc sống của bà con đến nay cơ bản ổn định.
Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cuộc sống của bà con ở vùng cao Quảng Nam đến nay cơ bản ổn định.

Cùng với mục tiêu đầu tư các khu - điểm phục vụ công tác sắp xếp ổn định dân cư, HĐND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Nghị quyết số 37 về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022 - 2025, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 425 về việc triển khai thực hiện chương trình này. Năm 2023, UBND tỉnh Quảng Nam bố trí ngân sách 40 tỷ đồng cho một số địa phương miền núi để tiếp tục xây dựng các khu tái định cư cho người dân vùng nguy cơ xảy ra sạt lở… Hiện nay, nhiều địa phương đang tích cực triển khai và dự kiến cuối năm 2023 sẽ nghiệm thu các công trình này.

"An cư lạc nghiệp" nơi vùng cao biên giới

Chuyển về ở trong khu tái định cư mới từ thôn 3, xã Phước Lộc trong trận sạt lở đất, lũ quét dẫn đến 11 người dân bị vùi lấp vào cuối tháng 10/2020, ông Hồ Văn Sơn (hiện ở thôn 4, xã Phước Thành, huyện Phước Sơn) phấn khởi cho biết: “Chuyển về khu tái định cư mới có đường, điện đầy đủ, lại được ở trong ngôi nhà do Nhà nước hỗ trợ xây dựng theo phương châm “ba cứng” (cứng mái, cứng vách, cứng nền), gia đình tôi và người dân rất yên tâm, phấn khởi”.

Bên cạnh việc ổn định chỗ ở cho hàng trăm hộ đồng bào tại các khu định cư, địa phương cũng lồng ghép nhiều nguồn vốn khác nhau để hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật, giúp bà con khai hoang, tạo quỹ đất sản xuất, trồng cây dược liệu, trồng keo, vốn phát triển chăn nuôi, tạo lập sinh kế bền vững để yên tâm sinh sống lâu dài ở nơi ở mới.

Nhiều khu định cư với những ngôi nhà bên cạnh ruộng bậc thang bảo đảm lương thực.
Nhiều khu định cư được bố trí gắn liền với đất sản xuất

Thời gian qua, có nhiều mô hình phát triển kinh tế tại các khu tái định cư đã được triển khai, phát triển hiệu quả. Điển hình như mô hình vườn ao chuồng của ông Hồ Văn Lai (ở thôn 1, xã Trà Tập, huyện Nam Trà My) có thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm. Hay như mô hình trồng bưởi của bà Nguyễn Thị Lan (ở thôn Long Sơn, xã Trà Sơn, huyện Bắc Trà My) mỗi năm cho thu nhập trên 200 triệu đồng. Cuộc sống của người dân định cư đã ổn định, cơ sở hạ tầng đã được đầu tư xây dựng khang trang để phục vụ sinh hoạt của bà con.

Tại các huyện miền núi cao, cuộc sống của bà con tại hàng trăm làng định canh định cư đã an toàn và có không gian bảo tồn văn hóa ngàn đời. Huyện biên giới Tây Giang là một trong những địa phương có nhiều nỗ lực, đề ra những giải pháp đồng bộ, cách làm hay để thực hiện hiệu quả chủ trương này. Với sự nỗ lực, quyết tâm của của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình, ủng hộ từ Nhân dân, huyện Tây Giang được đánh giá là địa phương thực hiện tốt công tác định canh định cư, sắp xếp ổn định dân cư so với các địa phương khác của tỉnh; hệ thống cơ sở hạ tầng như điện, đường giao thông, hệ thống cấp nước... tại các điểm bố trí dân cư được đầu tư khá đồng bộ như tại thôn Pơ Ríng, A Ró, xã Lăng; thôn R Bhượp, A Tring, A Grồng, xã A Tiêng; thôn K’noonh, A Rầng, xã Axan...

Hàng trăm ngôi làng định canh định cư ở miền núi Quảng Nam đã an toàn và có không gian bảo tồn văn hóa ngàn đời. (Trong ảnh: Những thế hệ trẻ sẽ tiếp nối truyền thống gìn giữ, bảo tồn nhạc cụ dân tộc do người già truyền lại)
Hàng trăm ngôi làng định canh định cư ở miền núi Quảng Nam đã an toàn và có không gian bảo tồn văn hóa ngàn đời. (Trong ảnh: Những thế hệ trẻ sẽ tiếp nối truyền thống gìn giữ, bảo tồn nhạc cụ dân tộc do người già truyền lại)

Ông Bhling Mia, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết: “Để người dân có được cuộc sống ổn định lâu dài, xóa đói giảm nghèo bền vững thì nhất thiết phải sắp xếp lại dân cư theo hướng tập trung, bố trí nơi ở ổn định gắn với bố trí đất canh tác. Đây là yếu tố quan trọng để người dân có điều kiện phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống nơi vùng cao biên giới. Ngoài ra, khi sinh sống tập trung theo cộng đồng thì điều kiện thụ hưởng các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước sẽ được đảm bảo, việc đầu tư cơ sở hạ tầng và công tác quản lý dân cư được thuận lợi rất nhiều”.

Tin cùng chuyên mục
Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Năm 2022, Nghệ An được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đây là tiền đề quan trọng để địa phương tiếp tục có những bước đi vững chắc trong công tác xóa mù chữ. Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, địa bàn cách trở… đang là những trở ngại đối với công tác xóa mù chữ, đòi hỏi tỉnh Nghệ An có những giải pháp phù hợp.