Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Giữ bình yên cho vùng biên giới

Trần Hoàng Anh - 06:14, 08/10/2022

Những năm qua, tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn các xã biên giới Đắc Pre và Đắc Pring (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam), cơ bản ổn định, an ninh biên giới luôn được giữ vững. Có được kết quả này là nhờ cán bộ, chiến sĩ của Đồn Biên phòng Đắc Pring đã tích cực phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả.

Cán bộ Đồn Biên phòng Đắc Pring hướng dẫn cho nhân dân xã biên giới nuôi lợn rừng nhằm tăng thu nhập.
Cán bộ Đồn Biên phòng Đắc Pring hướng dẫn cho nhân dân xã biên giới nuôi lợn rừng nhằm tăng thu nhập.

Giữ bình yên cho vùng biên giới

Vượt qua quãng đường hơn 100km đường rừng núi quanh co từ trung tâm huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam), chúng tôi tới được Đồn Biên phòng Đắc Pring (thuộc Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Nam) khi mặt trời đã đứng bóng. Từ ngã 3 Cần Đôn, men theo con đường tuần tra biên giới sẽ thấy những bản làng của đồng bào dân tộc Gié Triêng, Cơ Tu,… nằm yên ả, thanh bình nép mình giữa ngút ngàn màu xanh của rừng đại ngàn Trường Sơn.

Trên đường xuống thăm bà con thôn 56B, xã Đắc Pre, Thiếu tá Dương Minh Đức, Chính trị viên Đồn Biên phòng Đắc Pring cho chúng tôi biết, Đồn Biên phòng Đắc Pring có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ gần 24 km đường biên với 9 cột mốc biên giới Việt-Lào. Địa bàn đồn quản lý gồm 2 xã biên giới Đắc Pre và Đắc Pring của huyện Nam Giang với hơn 500 hộ dân, cư trú tại 8 thôn bản. Nhân dân trên địa bàn có truyền thống cách mạng, luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền các cấp, đoàn kết, giúp đỡ nhau trong lao động, sản xuất.

Tuy nhiên, khu vực biên giới còn nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng, điện đường, trường, trạm; tỷ lệ học sinh người DTTS bỏ học tại một số địa bàn vẫn còn cao; một số phong tục, tập quán lạc hậu vẫn tồn tại trong đồng bào các DTTS...

Thực hiện Nghị quyết số 09-NQTU ngày 04/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Nam về nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới gắn với phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới, biển đảo trong tình hình mới, thời gian qua, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Đắc Pring đã triển khai nhiều chương trình, mô hình phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội trên địa bàn vùng biên giới. Đồng thời phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ, chiến sĩ biên phòng trực tiếp theo dõi từng chương trình, mô hình cụ thể để kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền những chủ trương, biện pháp xử lý phù hợp với tình hình địa bàn, đơn vị.

Tại xã Đắc Pring, Đảng ủy xã phối hợp cùng Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Đắc Pring triển khai nhiều chương trình, mô hình sáng tạo như: “Con nuôi Đồn Biên phòng - Nâng bước em đến trường”, “Tay kéo Biên phòng”, “Nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng”; “Trang trại hộ gia đình chăn nuôi heo bản địa”; “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”; “Nhận đỡ đầu thôn thoát nghèo”…

Ngoài ra, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đắc Pring còn tham mưu cho chính quyền 2 xã thành lập các tổ tự quản bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia (còn gọi là Tổ tự quản đường biên, cột mốc); Tổ tự quản giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới; Hòm thư tố giác hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép...

Mô hình “Phòng đọc biên giới” của Đồn Biên phòng Đắc Pring góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân khu vực biên giới.
Mô hình “Phòng đọc biên giới” của Đồn Biên phòng Đắc Pring góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân khu vực biên giới.

Bên cạnh đó, Đồn Biên phòng Đắc Pring còn xây dựng “Phòng đọc biên giới” để phục vụ cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân có thể đến đọc sách, mượn sách. Hiện nay, “Phòng đọc biên giới” đã có hàng nghìn đầu sách các loại. Phòng đọc không chỉ là nơi bà con đến đọc sách báo, trau dồi kiến thức, tìm hiểu mô hình sinh kế làm ăn mà đây còn là nơi gắn kết nghĩa tình quân dân. Khi người dân gặp bất kì chuyện gì cũng có thể dễ dàng tới trao đổi với Bộ đội Biên phòng để cùng tháo gỡ, giải quyết kịp thời.

Để tạo sân chơi cho các cháu học sinh, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đắc Pring cò đứng ra vận động, kêu gọi các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh Quảng Nam xây dựng khu vui chơi cho trẻ em tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học liên xã Đắc Pring - Đắc Pre, huyện Nam Giang với tổng kinh phí trên 230 triệu đồng.

Tiếng mõ an ninh thôn bản

Ở 2 xã biên giới Đắc Pring và Đắc Pre, mỗi hộ gia đình đều có một cái mõ trong nhà. Khi bất kì người dân trong thôn, bản phát hiện các đối tượng gây rối trật tự, vận chuyển hàng lậu trái phép trong khu vực địa bàn thì người đó sẽ đánh mõ, những hộ xung quanh nghe thấy tiếng mõ sẽ thực hiện đánh mõ cùng để thông báo cho toàn thể bà con biết hưởng ứng truy bắt kẻ xấu kịp thời.

Thiếu tá Dương Minh Đức, Chính trị viên Đồn Biên phòng Đắc Pring, cho biết: “Trong điều kiện thông tin liên lạc còn hạn chế, sóng điện thoại lúc có, lúc không, để bà con có thể chủ động phối hợp cùng nhau ứng phó với những tình huống bất ngờ xảy ra như hỏa hoạn, trộm cắp hay có kẻ gây rối an ninh trật tự trên địa bàn…, năm 2019, Đồn BP Đắc Pring đã họp bàn cùng chính quyền và bà con triển khai mô hình "Tiếng mõ an ninh thôn bản". Mô hình này áp dụng cho tất cả các thôn, bản trên địa bàn 2 xã do đơn vị quản lý.

Cán bộ Đồn Biên phòng Đắc Pring hướng dẫn cho nhân dân thôn 56B, xã biên giới Đắc Pre sử dụng tiếng mõ an ninh thôn bản.
Cán bộ Đồn Biên phòng Đắc Pring hướng dẫn cho nhân dân thôn 56B, xã biên giới Đắc Pre sử dụng tiếng mõ an ninh thôn bản.

Để mô hình hoạt động có hiệu quả, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đắc Pring đã thường xuyên xây dựng, huấn luyện nhân dân các phương án vây bắt tội phạm, trộm cướp; cách đánh tiếng mõ theo quy ước riêng để chủ động đối phó; cách thực hành các tình huống để nhân dân và các lực lượng chức năng thực hiện theo đúng phương án đề ra.

Qua diễn tập, người dân phân biệt được tiếng kẻng báo cháy nổ, gây rối hay trộm cướp… để mang theo dụng cụ cần thiết khi tham gia xử lý. Người dân đã phát huy tinh thần tích cực, tự giác, đoàn kết, có trách nhiệm tham gia bảo vệ an ninh trật tự, cứu hộ, cứu nạn.

Ông Brol Pung, Trưởng thôn 56B, xã Đắc Pre, huyện Nam Giang, phấn khởi cho biết: “Gần 4 năm nay, kể từ khi Đồn Biên phòng Đắc Pring xây dựng mô hình “Tiếng mõ an ninh thôn bản”, tình trạng trộm cắp, gây rối trật tự công cộng đã giảm hẳn. Bây giờ bà con đã yên tâm hơn khi đi làm trên nương rẫy, không sợ kẻ xấu lẻn vào lấy trộm tài sản của gia đình nữa. Mỗi khi nghe tiếng mõ an ninh là bà con lập tức khóa chặt các ngả đường vào bản để vây bắt tội phạm.”

Thiếu tá Dương Minh Đức, Chính trị viên Đồn Biên phòng Đắc Pring khẳng định: Tất cả các mô hình mà Đồn Biên phòng Đắc Pring phối hợp cùng chính quyền địa phương và bà con triển khai trong thời gian qua đều phát huy hiệu quả rất tích cực. Qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức của bà con nhân dân. Mọi thông tin đều cập nhật, trao đổi kịp thời để bộ đội biên phòng lập phương án chủ động đấu tranh với các loại tội phạm, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”. 

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.