Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đồng bào góp sức bảo vệ biên cương

Nhóm Phóng viên - 18:52, 21/11/2021

Bảo vệ chủ quyền Quốc gia không phải là nhiệm vụ của riêng ai, đó là nghĩa vụ toàn dân. Tại các xã trên tuyến biên giới vùng “phên giậu” Tổ quốc, đã có nhiều mô hình như Tổ an ninh trật tự thôn, bản, Tổ tự quản, Tổ hòa giải... được thành lập, tạo thành sức mạnh nội sinh, cùng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới Quốc gia.

BĐBP tỉnh Lào Cai cùng đồng bào DTTS vùng biên tuần tra đường biên, bảo vệ cột mốc quốc gia. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)
BĐBP tỉnh Lào Cai cùng đồng bào DTTS vùng biên tuần tra đường biên, bảo vệ cột mốc quốc gia. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Những cột mốc "sống" nơi biên cương

Công tác bảo đảm an ninh đường biên, bảo vệ cột mốc biên giới và an ninh Quốc gia đã được lực lượng chủ lực, thực hiện an toàn tuyệt đối trong suốt thời gian qua. Bên cạnh đó, đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) sống trên tuyến biên giới cũng góp phần quan trọng trong nhiệm vụ bảo vệ vùng “phên giậu” Tổ quốc. 

Ngược Mường Lát, để được nghe chuyện già làng Phan Văn Xiết ở bản Suối Tút, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) 30 năm tự nguyện bảo vệ cột mốc Quốc gia, lại càng hiểu thêm về tấm lòng đồng bào DTTS đối với từng tấc đất thiêng liêng vùng “phên giậu”. 

Trong câu chuyện với anh Phan Văn Cấu (con trai già Xiết), anh luôn miệng: “Khi tuổi già đến, mỗi khi đi rừng, lên thăm cột mốc, cha đều dẫn theo anh em tôi đi cùng. Ông luôn miệng nhắc nhở chúng tôi rằng, đất đai này là của tổ tiên để lại, nên chúng ta phải có trách nhiệm bảo vệ và gìn giữ. Sau khi cha mất, tôi nối tiếp công việc của cha, cùng với BĐBP và các lực lượng khác bảo vệ đường biên, cột mốc, cũng là giữ gìn đất đai của tổ tiên, ông cha để lại”.

Già Xiết là một tấm gương sáng trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Tổ quốc. Suốt 30 năm ròng, già miệt mài trèo đèo lội suối bảo vệ những cột mốc, tuyên truyền cho bà con dân bản hiểu về trách nhiệm của mình đối với đất nước. Khi về già và trước khi mất đi theo quy luật sinh tử, già đã kịp truyền cảm hứng và giáo huấn con cái của mình phải có trách nhiệm với Tổ quốc. Giờ đây, trên hành trình “trèo đèo lội suối”, anh Phan Văn Cấu đã thay cha (già Xiết) tiếp tục bảo vệ cột mốc thiêng liêng của Tổ quốc.

Anh Phan Văn Cấu (người đội mũ) bên cột mốc mà gia đình anh đã đảm nhận trông coi, bảo vệ hơn 30 năm nay từ khi cha anh (già Xiết) còn sống
Anh Phan Văn Cấu (người đội mũ) bên cột mốc mà gia đình anh đã đảm nhận trông coi, bảo vệ hơn 30 năm nay từ khi cha anh (già Xiết) còn sống

Già làng Hà Văn Chốn ở xã Mường Mìn, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) cũng chọn cho mình một cách sống “trọn tình” với đất nước. Hơn 30 năm tham gia tuần tra biên giới, âm thầm bảo vệ đường biên, cột mốc, và giúp bà con phát triển kinh tế, già Chốn đã nhận được hàng chục Giấy khen, Bằng khen của các cấp, các ngành trao tặng. Già Chốn bảo, “phần thưởng lớn nhất chính là sự quan tâm ủng hộ của Nhân dân trong bản và sự tin tưởng của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Mìn”. 

Hiện toàn tuyến biên giới, cột mốc Quốc gia ở địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã được 19 hộ gia đình, 90 cá nhân tự nguyện đăng ký tham gia tuần tra đường biên, bảo vệ cột mốc. 

Hay như mô hình “Tự quản đường biên” của Hội Phụ nữ tỉnh Đắk Lắk, cũng là một minh chứng, một biểu hiện sinh động cho “thế trận lòng dân” vững chắc trên tuyến biên giới, vùng “phên giậu” Tổ quốc. Cùng với lực lượng chủ lực, những già làng, trưởng bản, Người có uy tín và đồng bào DTTS ở nhiều bản làng sống trên tuyến đường biên Quốc gia đã tạo ra “đê bao”, “lá chắn thép” không thể xuyên thủng, bảo vệ vùng biên vững chắc, đời đời bình yên.

“Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ”

Trên tuyến biên giới, các lực lượng chủ lực và Nhân dân ta chưa một phút lơ là chủ quan, ngày đêm bảo vệ biên cương vững chắc. Phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ phát triển mạnh mẽ, sâu rộng.

9Đứng Trang) Vững vàng “phên giậu” Tổ quốc thời bình: Góp sức bảo vệ đường biên, cột mốc (Bài 3) 2
Chiến sĩ Đồn Biên phòng Cầu Treo (Hà Tĩnh) ngày đêm chắc tay súng bảo vệ biên cương Tổ quốc

Đắk Lắk có 73 km đường biên giới với nước bạn Campuchia, bao gồm đường biên trên bộ và trên khe, suối. Trong nhiều năm qua, lực lượng BĐBP và chính quyền địa phương ở nhiều xã, huyện vùng biên đã tuyên truyền phổ biến pháp luật liên quan đến an ninh biên giới, chủ quyền Quốc gia. Đặc biệt chú trọng xây dựng và phát triển phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới". 

“Mưa dầm thấm lâu” hiệu quả từ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của BĐBP Đắk Lắk đã làm cho nhận thức của Nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều tập thể, cá nhân tự nguyện đăng ký tham gia tự quản đường biên, cột mốc, đặc biệt là những hộ dân sống gần đường biên giới hăng hái, đi đầu đăng ký tham gia. Đồng thời, Nhân dân tự nguyện đăng ký tham gia Tổ tự quản an ninh trật tự.

Hiện nay, trên địa bàn 4 xã biên giới của tỉnh Đắk Lắk đã có 14 tập thể, 350 gia đình, 1.350 cá nhân đăng ký tham gia tự quản 13,483 km đường biên giới; 12 tập thể, 132 gia đình, 209 cá nhân đăng ký tham gia tự quản 3 cột mốc biên giới. Ngoài ra, có 23 tập thể, 421 gia đình, 3.290 cá nhân tại 51 thôn, buôn biên giới ký cam kết tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội trên địa bàn.

 Hiện nay, trên địa bàn còn có 51 tổ tự quản an ninh trật tự thôn, buôn, với 308 thành viên; 4 câu lạc bộ “Gia đình phụ nữ không vi phạm quy chế biên giới”; 2 câu lạc bộ “Phụ nữ tham gia phòng, chống vượt biên” và 2 mô hình “Thanh niên không vi phạm pháp luật”. Các phong trào, mô hình quần chúng tự quản luôn đồng hành, hỗ trợ tích cực BĐBP thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới.

Có thể thấy, cùng với lực lượng chủ lực BĐBP với khẩu hiệu “Đồn là nhà, biên giới là quê hương”, thì chính quyền xã, huyện vùng biên, đặc biệt là Nhân dân, đồng bào DTTS các bản làng sống giáp với đường biên, đang là những “cột mốc sống” bảo vệ an ninh vùng biên, chủ quyền Quốc gia. Với “thế trận lòng dân” tầng tầng lớp lớp “đê bao”, “lá chắn thép” được bồi đắp ngày một dày hơn, vững thêm, vùng “phên giậu” mãi mãi vững bền, an ninh quốc gia đời đời được bảo vệ.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.