Thiếu tư liệu sản xuất, thiếu việc làm, thu nhập bấp bênh, tỷ lệ hộ nghèo cao,… đang là thực tế ở nhiều địa bàn thuộc vùng TD&MNPB. Đây là những “điểm nghẽn” khiến khu vực này luôn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn về an ninh trật tự, an ninh biên giới.
“Lõi nghèo” của cả nước
Vùng TD&MNPB bao gồm 14 tỉnh, gồm: Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Bắc Giang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Phú Thọ, Yên Bái, Hòa Bình. Trong đó có 7 tỉnh (Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn) có đường biên giới trên đất liền với nước bạn Trung Quốc và Lào.
Phải khẳng định, TD&MNPB là vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước, là “phên giậu” của Tổ quốc. Đây cũng là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển, có tài nguyên thiên nhiên đa dạng, có nhiều di sản văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS).
Nhưng tiếc rằng, TD&MNPB hiện vẫn là “lõi nghèo” của cả nước. Kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) công bố tại Quyết định số 576/QĐ-LĐTBXH ngày 18/5/2021 cho thấy, cả nước hiện có 761.322 hộ nghèo thì riêng vùng TD&MNPB có đến 321.200 hộ nghèo (trong đó khu vực Tây Bắc có 128.961 hộ, khu vực Đông Bắc có 192.239 hộ).
Vị chi, vùng TD&MNPB đang chiếm tới gần một nửa số hộ nghèo của cả nước. Đó là chưa kể, hiện toàn quốc có 986.658 hộ cận nghèo thì vùng TD&MNPB cũng chiếm tới 264.211 hộ.
Đáng chú ý là, kết quả điều tra, rà soát của Bộ LĐTB&XH cho thấy, trong 761.322 hộ nghèo của cả nước hiện nay thì có 466.610 hộ nghèo là người DTTS, chiếm tỷ lệ 61,29%. Nhưng ở vùng TD&MNPB, hộ nghèo hiện nay cơ bản đều là hộ đồng bào DTTS.
Trong đó, khu vực Tây Bắc có 126.196/128.961 hộ nghèo là người DTTS, chiếm tỷ lệ 97,86%; khu vực Đông Bắc có 158.257/192.239 hộ nghèo là người DTTS, chiếm tỷ lệ 81,97%. Toàn vùng gồm 14 tỉnh thì có 9 tỉnh có hộ nghèo chủ yếu là hộ người DTTS (Hà Giang: 99,43%; Cao Bằng: 99,71%; Lạng Sơn: 94,55%; Lào Cai: 92,02%; Bắc Kạn: 95,53%; Sơn La: 98,56%; Điện Biên: 99,03%; Lai Châu: 98,92%; Hòa Bình: 92,42%).
Nhiều nguy cơ tiềm ẩn
Thực trạng nghèo ở vùng TD&MNPB dù rất đáng báo động, nhưng cũng không quá khó hiểu. Thiếu đất sản xuất, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn,… cùng với khí hậu khắc nghiệt, địa hình chia cắt, thường xuyên xảy ra thiên tai, là những nguyên cớ khiến công tác giảm nghèo ở khu vực này cứ trầy trượt như người leo núi mùa mưa.
Theo Nghị định số 34/2014/NĐ-CP ngày 29/4/2014 của Chính phủ về Quy chế khu vực biên giới đất liền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, vùng TD&MNPB có 196 xã biên giới đất liền thuộc 24 huyện của 7 tỉnh. Giai đoạn 2021 – 2025, các xã khu vực biên giới đất liền của vùng TD&MNPB hầu hết đều nằm trong danh sách các xã khu vực III (xã đặc biệt khó khăn) vùng DTTS và miền núi, theo Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Báo cáo số 732/BC-UBDT, ngày 10/6/2021 của Ủy ban Dân tộc về “Tổng kết Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020” gửi Thủ tướng Chính phủ, vùng TD&MNPB hiện có 34.748 hộ thiếu đất sản xuất (tỉnh Yên Bái chưa có thống kê).
Cũng theo báo cáo này, toàn vùng hiện còn 107.482 hộ đang ở nhà dột nát cần hỗ trợ (tỉnh Thái Nguyên chưa có thống kê); 252.987 hộ thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh (tỉnh Phú Thọ chưa có thống kê)…
Đặc biệt, Báo cáo số 732/BC-UBDT, ngày 10/6/2021 của Ủy ban Dân tộc cũng chỉ rõ, trong tổng số hơn 14,2 triệu người DTTS của cả nước, thì vẫn còn khoảng 21% người chưa đọc thông, viết thạo tiếng Việt. Đa số các cộng đồng DTTS chưa đọc thông, viết thạo tiếng Việt chủ yếu sinh sống ở vùng TD&MNPB.
Trong đó, dân tộc Hà Nhì có 49,50% dân số chưa đọc thông, viết thạo tiếng Việt; tỷ lệ này ở dân tộc La Hủ là 65,60%; dân tộc Lự là 57,20%; dân tộc Cờ Lao là 50,20%; dân tộc Mảng là 66,20%;… Chưa đọc thông, viết thạo tiếng Việt là rào cản để người dân tiếp cận chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước.
Đời sống kinh tế khó khăn cùng với rào cản trong tiếp cận thông tin của một bộ phận người dân sinh sống ở vùng sâu, vùng xa khiến vùng TD&MNPB, nhất là ở các địa bàn giáp biên, luôn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn về an ninh, trật tự. Trong đó, các loại tội phạm liên quan đến ma túy, mua bán người, xuất – nhập cảnh trái phép, … đang là những thách thức lớn đến việc bảo đảm an ninh trật tự, an ninh biên giới ở khu vực này.
Đặc biệt, trong Báo cáo số 732/BC-UBDT, ngày 10/6/2021 về “Tổng kết Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020”, Ủy ban Dân tộc đã nhấn mạnh, ở vùng đồng bào DTTS và miền núi nói chung, vùng TD&MNPB nói riêng, các đối tượng phản động trong và ngoài nước vẫn chưa từ bỏ âm mưu, chiến lược “diễn biến hòa bình”, thành lập các “nhà nước”, “vương quốc” tự trị; lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng để lường gạt, lôi kéo, kích động đồng bào, gây mất trật tự và đoàn kết dân tộc. Một số tà đạo, đạo lạ vẫn lén lút hoặc ngang nhiên hoạt động, tranh giành gây ảnh hưởng lẫn nhau, làm mất bản sắc văn hóa tốt đẹp của một số dân tộc.
Rõ ràng, đây là thực tế cần được các cấp ngành, địa phương đặc biệt lưu tâm, có những quyết sách mạnh mẽ để gia cố vùng phên giậu TD&MNPB. Trong đó, đầu tiên và trên hết là cần có những chính sách mang tính đột phá để khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng, từng bước làm giàu đời sống vật chất lẫn tinh thần của đồng bào các DTTS trong vùng.
(Nội dung thông tin, tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)